|
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 3: Làm dâu trăm họ
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 2: Phá 'án vặt' không dễ
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện: ‘Quan tòa’ khu phố
Đó là phương châm, là “kim chỉ nam” cho gần như cả quá trình làm CSKV của đại úy Hoàng Kim Niên (Công an P.5, TP.Đông Hà, Quảng Trị).
Tâm sự 3 ngày 3 đêm
Đến địa bàn P.5, hầu như rất nhiều người dân đều biết mặt và có cảm tình đối với “ông công an” Niên, người thuộc hàng “cây đa, cây đề” của lực lượng CSKV với thâm niên 20 năm có lẻ làm CSKV. Ông được biết đến như cái máy ghi âm của người dân, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Ông lắng nghe cả chuyện đúng, chuyện sai, thậm chí là cả những chuyện bực dọc trong đời sống hay những tâm sự thầm kín nhất trong sinh hoạt gia đình, vợ chồng của mỗi người. Mà có phải ông “lắng nghe” một vài người đâu, nếu tính tổng 2 khu phố mà ông từng phụ trách thì cả... 1.300 hộ dân. Lâu dần, kỹ năng sống và hoạt động nghề nghiệp của ông lại dày thêm. Ông bảo: “Đến đứa trẻ sinh ra trên đời đều biết nghe rồi mới biết nói cơ mà”.
Chính nhờ nghe một cách... bền bỉ nên ông đã “giải cứu” không biết bao gia đình đổ vỡ. Ông như là hiện thân của “anh Bồ Câu” của khu phố để nhiều người, chủ yếu là chị em phụ nữ trút bầu tâm sự. Bằng kinh nghiệm của người trải đời, đại úy Niên cho rằng, không nhiều thì ít, chuyện gối chăn luôn là tác nhân để vợ chồng hục hặc. “Những ông chồng say xỉn tối ngày ngoài việc làm vợ ngán ngẩm còn yếu kém trong chuyện đó. Tôi phải nói sao cho họ khỏi tự ái để vừa bỏ rượu vừa chiều vợ là cả một quá trình”, đại úy Niên nói tỉnh queo.
Cũng chính ông đã góp công lôi khá nhiều cậu choai choai trở về với chính đạo bằng việc gọi chúng lên phường, răn dạy, chì chiết, đôi lúc có phần cực đoan nhưng lại hiệu quả như: “Cháu hư hỏng mãi thế này thì thà rằng đâm một nhát cho chết còn hơn là để người làm mẹ, cha héo mòn từng ngày cháu ạ?”. Vậy mà giờ đây, có đứa đã là đảng viên, có đứa là dân phòng.
Ra chiều nghiêm túc vậy nhưng đại úy Niên cũng có lắm chuyện vui. Ông kể, cách đây 3 năm, ông thụ lý một vụ việc khá “trời ơi”. “Một bà xồn xồn chạy lên báo mất trộm 3 chỉ vàng. Lạ cái, một mặt bà muốn chúng tôi tìm ra thủ phạm nhưng một mặt bà năn nỉ chúng tôi không được nói chuyện này cho chồng bà. Thấy lạ, tôi bèn tìm hiểu, hóa ra đây là “quỹ đen” của bà ấy. Nếu chồng biết thì không những mang tội làm mất của mà còn thêm tội... lừa chồng”, đại úy Niên cười vui.
Lần khác, đại úy Niên nhận đơn trình báo của một cụ ông về việc mất một khoản tiền tại nhà. Gặng hỏi, cụ ông mới mếu máo, van lơn: “Các anh cố gắng tìm lại cho tôi khoản này vì đây là tiền của thằng con rể gửi. Nó đi công tác, tôi ở nhà một mình. Giờ mất, nó nghi tôi chứ còn nghi ai”.
Nhưng đại úy Niên cho rằng mình “thành công” nhất trong đời làm CSKV khi thuyết phục được một người chồng vốn là thủy quân lục chiến từ bỏ kế hoạch “xử” cả nhà nhân tình của người vợ. “Tôi phải tới lui, khuyên nhủ cả 3 ngày 3 đêm thì anh ta mới chịu xuôi, ôm chầm tôi khóc như một đứa trẻ”, đại úy Niên tâm đắc.
“Tài giỏi gì mà biết hết được”
Để thuộc từng hộ dân trong địa bàn mình quản lý, có CSKV phải mất đến cả năm trời lê la vào tận từng ngóc ngách. Vậy mà khi họ chuyển công tác khác, một người mới sẽ thay thế và buộc phải làm lại từ đầu quy trình “đến với dân” tương tự.
Chưa hết, mang tiếng là CSKV là có trách nhiệm “quản lý dân” nhưng thực tế hoạt động ngoài hiện trường cho thấy dù có oai phong lẫm liệt dù có khoác trên mình bộ cảnh phục thì CSKV cũng phải lấy việc “nịnh” dân làm trọng. “Dân là tai mắt. Nịnh dân, nói chuyện thậm chí uống vài ly rượu với họ mới tâm tình được dài lâu. Để về sau, có chuyện gì họ còn báo. CSKV chỉ có một mình, tài giỏi gì mà biết hết được mọi chuyện trong khu phố?”, thượng sĩ Lê Xuân Thắng, CSKV phụ trách KP.2 (P.Đông Lương, Đông Hà, Quảng Trị) “bật mí”.
“Nói phải tội” chứ có nhiều CSKV khi đi về với dân vì “chiều dân” mà phải bia rượu, nhiều anh say quắc cần câu. Nhưng đối với lão làng Hoàng Kim Niên thì câu chuyện lại khác. Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn kháo nhau rằng, ngày nọ một đám choai choai không lo làm ăn ở địa bàn đại úy Niên phụ trách “cà khịa” ông uống rượu. Đại úy Niên gật đầu, ngồi xuống chiếu rượu uống tù tì từ trưa đến chập tối vẫn tỉnh queo trong khi đám kia đã nghiêng ngả. Đoạn đại úy Niên “dằn mặt”: “Này nhé, uống như vậy thì uống làm gì, từ ni về sau đừng bày đặt nữa nhé. Lo làm ăn đi nhé”. Từ đó về sau, hễ thấy bóng dáng đại úy Niên, đám “bất hảo” này lỡ có đang nhậu cũng quăng ly quăng chén, ba chân bốn cẳng... chạy trốn.
Vậy mới nói, cách hành xử của CSKV trong những va chạm nhỏ nhặt nhưng liên tục ấy với người dân có thể làm họ tốt lên nhưng cũng có thể làm cho họ xấu xí hơn lúc nào hết trong mắt dân chúng...
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)