Cánh tả Pháp tràn trề lạc quan

07/05/2012 03:55 GMT+7

Ngày 6.5, cử tri Pháp tiếp tục đến phòng phiếu để chọn ra chủ nhân trong 5 năm tiếp theo của Điện Élysée.

Dù đã thu hẹp đôi chút khoảng cách nhưng cả 3 thăm dò cuối cùng trước ngày bỏ phiếu vòng 2 đều cho thấy đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ thất bại trước ứng viên đảng Xã hội François Hollande. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được thông báo vào hôm nay (giờ VN).

Trong ngày quyết định con đường sắp tới của Pháp, PV Thanh Niên phỏng vấn 2 chính trị gia Pierre Laurent và Jean-Christophe Cambadélis về chiến dịch tranh cử thành công của cánh tả Pháp. Ông Laurent là Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp còn nghị sĩ Cambadélis đánh giá là ứng viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo đảng Xã hội vào năm sau.

Cánh tả Pháp tràn trề lạc quan 
 Cử tri bỏ phiếu tại Neuilly Plaisance, ngoại ô phía đông Paris - Ảnh: Lan Chi

Củng cố quan hệ với Việt Nam

Nhờ đâu mà ứng viên Jean - Luc Mélenchon của Liên minh Mặt trận cánh tả (FG - gồm đảng Cộng sản Pháp và đảng Cánh tả) đạt số điểm rất ấn tượng (11%) tại vòng 1? Đây sẽ là tiền đề để đảng

Cộng sản Pháp khẳng định vị trí của mình?

Tổng bí thư Laurent: Liên minh được thành lập từ 3 năm nay nhằm liên kết lực lượng các đảng cánh tả ngoài đảng Xã hội để tham gia các kỳ bầu cử. Đến bầu cử tổng thống lần này thì chiến lược liên kết đã tạo được đột phá. Kế đó, hơn 1 năm qua, chúng tôi đã tổ chức những buổi tranh luận trước công chúng để thể hiện quan điểm “đoạn tuyệt” với các chính sách hiện nay của ông Sarkozy.

Sau bầu cử tổng thống, đảng Cộng sản sẽ cùng FG tiếp tục hướng về bầu cử Hạ viện vào tháng 6 với mục tiêu trở thành tiếng nói quan trọng trong liên minh cầm quyền với đảng Xã hội một khi ông Hollande đắc cử. Tháng 9.2011, chúng tôi đã thực hiện được bước đầu của kế hoạch này. Khi đó, nếu không có 21 ghế của FG, cánh tả đã không thể lần đầu tiên chiếm thế đa số ở Thượng viện.

 Cánh tả Pháp tràn trề lạc quan 1
Ảnh: Lan Chi

Giữa 2 ứng viên đảng Xã hội và FG có nhiều bất đồng trong cương lĩnh tranh cử tổng thống. Làm thế nào để đạt được đồng thuận?

Ngay từ bây giờ chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với các đảng cánh tả như đảng Xã hội, đảng Xanh về những khác biệt trong các vấn đề như tăng lương tối thiểu, cải cách chế độ hưu trí, tạo việc làm ở lãnh vực công… Ngay sau bầu cử hạ viện, FG sẽ tổ chức một diễn đàn toàn quốc để đánh giá kết quả và thảo luận chiến lược cụ thể.

Ông đã thăm Việt Nam vào năm 2011. Theo ông, với một liên minh cầm quyền cánh tả ở Pháp, quan hệ song phương có thể có những thay đổi gì?

Việt Nam đang rất nỗ lực để phát triển. Đây là điều không dễ dàng trong tình hình thế giới nhiều biến động và sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Chúng tôi luôn muốn góp phần củng cố quan hệ song phương và giúp người Pháp hiểu hơn về Việt Nam của hiện tại chứ không chỉ qua những hình ảnh của quá khứ. Chiến lược đối ngoại trong nhiệm kỳ của ông Sarkozy quá mất cân đối nên chắc chắn sẽ phải định hướng lại quan hệ ngoại giao của Pháp ở nhiệm kỳ mới.

 Cánh tả Pháp tràn trề lạc quan 2
Ảnh: Lan Chi

Cải cách các chính sách thuế khóa

Nước Pháp vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn với khủng hoảng nợ công. Ông Hollande đã đưa ra những giải pháp gì để thuyết phục cử tri?

Nghị sĩ Cambadélis: Đảng Xã hội đã gửi giác thư đến lãnh đạo các nước EU để trình bày về thỏa thuận ổn định tài chính chung cho khu vực, trong đó đề cao tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế bên cạnh các kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Cũng cần thay đổi để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho chính phủ các nước vay trực tiếp. Cho đến nay, ECB cho các ngân hàng tư nhân vay với lãi suất thấp nhưng sau đó các ngân hàng này cho nhà nước vay lại với lãi suất cao hơn.

Dự định đánh thuế 75% với những người thu nhập trên 1 triệu euro/năm liệu có khiến người giàu “bỏ chạy” khỏi Pháp?

Đây không phải là tịch thu tài sản mà là chính sách thể hiện tinh thần liên đới trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước. Trong các cơ quan nhà nước, chênh lệch về tiền lương sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, nếu như chế độ lương bổng của tổng thống, bộ trưởng, nghị sĩ… bị cắt giảm thì tôi nghĩ không có gì quá đáng nếu những người sống sung túc nhất không cố gắng thêm một chút.

Khu vực Đông Nam Á, Nam Á trong 5 năm qua dường như không phải là điểm trọng tâm về đối ngoại của Pháp. Đảng Xã hội có dự định thay đổi tình hình này?

Châu Á là trung tâm của sự phát triển hiện nay và chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong đối ngoại với ông Hollande. Ông Sarkozy thì hầu như chỉ tập trung vào quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi muốn điều tiết lại và xây dựng quan hệ cân bằng hơn với tất cả các nước châu Á.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(từ Paris, Pháp)

>> Ông Sarkozy chạy nước rút
>> Ông Sarkozy chưa thoát rắc rối
>> Đối đầu không khoan nhượng
>> Sarkozy và Hollande “đấu khẩu” dữ dội trên truyền hình
>> Bà Le Pen tuyên bố "sẽ bỏ phiếu trắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.