Cánh tay nối dài của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải

24/10/2024 06:34 GMT+7

Với vị trí địa lý chiến lược, tiếp giáp các trục giao thông liên vùng trọng yếu cũng như đảm bảo được kết nối 2 phương thức vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy, cảng cạn Phú Mỹ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

TẠO GIÁ TRỊ CỘNG SINH

Cách nay gần tròn 1 năm, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư) tổ chức lễ công bố, đưa vào hoạt động cảng cạn Phú Mỹ tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỉ đồng. Nơi đây được ví như cánh tay nối dài của cụm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Gọi là cánh tay nối dài của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải bởi cảng cạn Phú Mỹ là dự án cảng cạn đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tính đến thời điểm hiện tại, với các dịch vụ mang đến nhiều tiện ích.

Cánh tay nối dài của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 1.

Tại cảng cạn Phú Mỹ, bến thủy nội địa được bố trí cạnh bãi chứa container và kho hàng, thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa

ẢNH: PHÚ MỸ 3

Hơn hết, ai cũng biết lợi ích của giải pháp logistics xanh là giúp cải thiện tác động môi trường từ việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các tác động môi trường khác, chẳng hạn như ô nhiễm không khí và tiếng ồn, giúp bảo vệ môi trường và giảm nhẹ những tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Từ đó có thể tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu chất thải, dẫn đến tăng hiệu quả trong quá trình vận chuyển và sản xuất.

Nguyễn Thị Thảo Nhi (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ)

Đại diện chủ đầu tư cho biết có tất cả 7 dịch vụ cốt lõi mà cảng cạn đang cung cấp cho khách hàng, gồm: dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng, vận tải đa phương thức, đóng rút hàng hóa, thủ tục hải quan, lưu kho lưu bãi, depot container rỗng, và dịch vụ vận chuyển container hàng xuất bằng sà lan đi Cát Lái/SP-ITC. Khách hàng đang sử dụng dịch vụ của cảng cạn là các nhà máy của những tập đoàn nổi tiếng như: Yoshino, Marubeni (Nhật Bản), Nhà máy Kính nổi Việt Nam (VFG) và các nhà máy thép có quy mô lớn trong khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu... Không chỉ cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, cảng cạn Phú Mỹ còn kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị cộng sinh để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng gia tăng của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong khu vực.

"Một trong những giá trị cộng sinh mà những người làm cảng cạn Phú Mỹ đã và đang hướng tới, đó là giải pháp logistics xanh (green logistics) theo xu hướng của thế giới trong việc giảm khí thải (CO2) ra môi trường cũng như tận dụng được vị trí chiến lược là trung tâm trung chuyển, cảng cạn Phú Mỹ đã đưa vào vận hành thành công giải pháp vận chuyển container bằng sà lan thay vì đi đường bộ tuyến Cái Mép - Cát Lái/SP-ITC", bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chia sẻ.

Cánh tay nối dài của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 2.

Với 6 cầu bến tổng chiều dài 600 m, cảng cạn Phú Mỹ cung cấp trọn gói dịch vụ Khai thác cảng cho tất cả các mặt hàng rời và hàng xá

ẢNH: PHÚ MỸ 3

Đại diện chủ đầu tư cảng cạn Phú Mỹ nói thêm: Giải pháp này đã đem lại hiệu ứng tích cực khi giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp. Cụ thể, áp dụng các biện pháp logistics xanh có thể giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu và tối ưu hóa các tuyến đường vận chuyển, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp. Từ đó giúp các doanh nghiệp thực hiện hình thái logistics xanh có thể tăng thêm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường, bằng cách tạo ra những dòng sản phẩm và dịch vụ bền vững, gây thu hút với các khách hàng quan tâm đến bảo vệ môi trường. Hơn nữa, giải pháp logistics xanh cũng góp phần tuân thủ quy định mà nhiều nước đang thực thi về khí thải và tác động môi trường. Bằng việc áp dụng các biện pháp logistics xanh, doanh nghiệp có thể tuân thủ những quy định này và tránh bị phạt.

"Hơn hết, ai cũng biết lợi ích của giải pháp logistics xanh là giúp cải thiện tác động môi trường từ việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các tác động môi trường khác, chẳng hạn như ô nhiễm không khí và tiếng ồn, giúp bảo vệ môi trường và giảm nhẹ những tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Từ đó có thể tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu chất thải, dẫn đến tăng hiệu quả trong quá trình vận chuyển và sản xuất", bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nhấn mạnh.

SÀ LAN CẬP BẾN, HÀNG LÊN CẢNG

Cảng cạn Phú Mỹ sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi tọa lạc ngay sau khu cảng cửa ngõ Cái Mép - Thị Vải, với giao thông đường bộ có tuyến liên cảng kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường thủy nội địa kết nối với tuyến đường thủy khu vực TP.HCM, Đồng Nai, đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn là Campuchia. Khu bến thủy nội địa của cảng cạn gồm 6 cầu bến tổng chiều dài 600 m cho cỡ tàu đến 5.000 DWT/200 TEU, cung cấp các dịch vụ xếp dỡ container và dịch vụ trọn gói cho tất cả các mặt hàng rời và hàng xá.

Cánh tay nối dài của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 3.

Cảng cạn Phú Mỹ đang từng bước trở thành đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, tập kết, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics

ẢNH: PHÚ MỸ 3

Cuối năm 2023, cảng cạn Phú Mỹ đã thu hút được hãng tàu MSC mở code depot tại cảng cạn đã giúp được rất nhiều doanh nghiệp, nhà máy trong khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm chi phí logistics. Dự kiến trong thời gian tới, cảng cạn Phú Mỹ sẽ tiếp tục thu hút nhiều hãng tàu nữa mở code depot rỗng nhằm đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng.

Nói về lợi ích mà cảng cạn Phú Mỹ mang lại cho doanh nghiệp, ông Shimada Takahiro, Giám đốc Công ty Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KOA), cho biết công ty có nhà máy sản xuất giấy làm thùng carton, trụ sở tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3, ngay tại khu vực đã có rất nhiều cảng biển quốc tế hoạt động. Gần 1 năm qua có thêm cảng cạn với các bến thủy nội địa đã tăng thêm nhiều tiện ích cho khách hàng trong khu vực.

Chẳng hạn, sử dụng dịch vụ sà lan của cảng cạn mang lại lợi thế lớn so với đường bộ, bởi vào những giờ cao điểm, lượng xe trên đường khá cao, dẫn đến ùn tắc cục bộ, thậm chí ùn tắc trên diện rộng, hoặc các nhà xe không thể cung cấp đủ xe do nhu cầu tăng đột biến. Ưu điểm của dịch vụ này là giảm lượng xe trên đường và tăng khả năng đáp ứng khách hàng.

Cánh tay nối dài của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 4.

Bãi chứa container tại cảng cạn Phú Mỹ

ẢNH: PHÚ MỸ 3

Đại diện Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam (Yoshino là thương hiệu Nhật Bản có lịch sử gần 120 năm về sản xuất vật liệu xây dựng từ thạch cao) - ông Yamasato Takahide, Giám đốc nhà máy, chia sẻ: "Với việc đưa cảng cạn Phú Mỹ trong khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đi vào hoạt động trong 1 năm qua, khoảng cách vận chuyển hàng hóa đã ngắn hơn 10 km so với các cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải nên chúng tôi sử dụng dịch vụ của cảng cạn cho đến nay. Đối với các tàu lớn, hàng hóa được xếp dỡ ở phao và vận chuyển về cảng bằng sà lan, còn đối với các tàu nhỏ (tải trọng nhỏ hơn 5.000 DWT) thì có thể cập cảng trực tiếp, điều này đã giúp làm giảm chi phí vận chuyển tới hơn 30%. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với cảng cạn sử dụng một bãi chứa hàng ngay tại cảng, giúp tối ưu chi phí và tăng thêm sự tiện lợi cho chính các doanh nghiệp trong khu vực".

KHO BÃI VẬN HÀNH, CHẤT LƯỢNG CAO

Một trong những lợi ích của cảng cạn là giúp doanh nghiệp có thể thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ. Việc này không chỉ hỗ trợ giải phóng hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm tối đa chi phí logistics, chi phí sản xuất cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao hiệu quả khai thác của cảng nước sâu, phát triển chuỗi giá trị công nghiệp - cảng biển. Cảng cạn Phú Mỹ đảm nhận vai trò này, bởi nơi đây là địa điểm tập kết và trung chuyển, hỗ trợ phân phối hàng hóa của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong khu vực.

Cánh tay nối dài của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 5.

Kho bãi diện tích 8 ha sẽ đưa vào vận hành với tiêu chuẩn kho chất lượng cao tại cảng cạn Phú Mỹ

ẢNH: PHÚ MỸ 3

Tại cảng cạn Phú Mỹ, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ kho bãi với tiêu chuẩn chất lượng cao. Kho Phú Mỹ 3 nằm tại cảng cạn ở vị trí chiến lược chỉ cách cụm cảng quốc tế Cái Mép 2 km, cách sân bay Long Thành 28 km và khoảng 40 km tới các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Điều này không chỉ thuận lợi cho việc giao thương mà còn góp phần nâng cao giá trị của kho trong ngành logistics trong khu vực.

Với tổng diện tích 80.000 m², kho được chia thành 3 khoang riêng biệt (khoang 1: 20.000 m², khoang 2: 15.800 m² và khoang 3: 17.500 m²), tất cả đều được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ đa dạng nhu cầu lưu trữ với các loại hình kho phân phối, kho CFS và kho ngoại quan.

Diện tích sàn kho lên tới 54.000 m² (242 x 223 m) có khả năng lưu trữ lên đến 60.000 pallet. Đặc biệt, kho được trang bị 68 máy nâng dock leveler, giúp tối ưu hóa quy trình nhập xuất hàng hóa, tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Với khả năng chịu tải sàn lên đến 5 tấn/m², kho hoạt động liên tục 24/7, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Hệ thống camera an ninh hiện đại cùng các tiêu chuẩn PCCC được trang bị đầy đủ, đảm bảo an toàn cho hàng hóa.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp không gian lưu trữ, kho Phú Mỹ 3 còn mang đến nhiều dịch vụ gia tăng như: quản lý xuất - nhập hàng hóa; kiểm kê hàng định kỳ; xếp dỡ, đóng gói hàng hóa theo tiêu chuẩn; hỗ trợ thủ tục hải quan cho hàng hóa... Các dịch vụ này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất hoạt động.

Tất cả trang thiết bị trong kho đều sử dụng các thiết bị hiện đại, không chỉ nâng cao hiệu suất vận hành mà còn thân thiện với môi trường. Kho Phú Mỹ 3 là lựa chọn lý tưởng cho mọi nhu cầu lưu trữ và vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời và hiệu quả trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ở khu vực miền Nam.

Định hướng phát triển trong tương lai của cảng cạn Phú Mỹ

Định hướng phát triển của cảng cạn Phú Mỹ là một chủ đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế hạ tầng của khu vực Cái Mép - Thị Vải nói riêng và khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung. Với vị trí đắc địa, nằm gần cửa sông Cái Mép - Thị Vải và gần với Khu kinh tế trọng điểm phía nam, cảng cạn Phú Mỹ có tiềm năng phát triển rất mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trong khu vực. Cảng Cạn Phú Mỹ sẽ là trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa hỗ trợ cho các cảng biển trong tương lai... Ngoài ra, cảng cạn Phú Mỹ còn xây dựng một chuỗi logistics đến khách hàng như xếp dỡ, kho bãi, vận tải... từ cửa đến cửa (door to door) cho các nhà máy.

Với góc nhìn của đơn vị tư vấn chuyên ngành cảng và kỹ thuật biển, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Portcoast, đánh giá sự hình thành cảng cạn Phú Mỹ là rất cần thiết, gắn liền với sự phát triển của Cái Mép - Thị Vải, hiện đang trở thành cụm cảng lớn nhất Việt Nam, nơi đã tiếp nhận các tàu lớn nhất thế giới.

Cụ thể, năm 2023, cụm cảng này chiếm khoảng 16% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước, riêng hàng container chiếm khoảng 33% của cả nước. Cái Mép - Thị Vải hiện đang là cảng cửa ngõ và tương lai sẽ phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế. Như vậy, cả hiện tại và tương lai, Cái Mép - Thị Vải đảm nhận vai trò quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của tiểu vùng sông Mê Kông, bao gồm Campuchia và phía nam Lào.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cần phải có một hệ sinh thái logistics đồng bộ, đầy đủ. Để tạo bước ngoặt cho sự phát triển mạnh mẽ dịch vụ hậu cần cảng, cần có những chính sách từ Chính phủ và của địa phương, nhằm đẩy nhanh việc hình thành và phát triển các trung tâm logistics ở khu vực này, bởi lẽ hiện nay cảng cạn Phú Mỹ còn gặp một số khó khăn của giai đoạn đầu mới hình thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.