Ưu tiên các dự án xanh, ứng dụng công nghệ 4.0
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Kế hoạch này nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2030 phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối.
Các đề án, dự án sẽ được triển khai mạnh mẽ nhằm đưa thành phố trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Trước đó, đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP thông qua với nội dung nổi bật là hình thành 8 trung tâm logistics, bao gồm: Trung tâm logistics Cát Lái (TP.Thủ Đức); Trung tâm logistics Linh Trung (TP.Thủ Đức); Trung tâm logistics Long Bình (TP.Thủ Đức); Trung tâm logistics Tân Kiên (H.Bình Chánh); Trung tâm logistics Hiệp Phước (H.Nhà Bè); Trung tâm logistics Củ Chi (H.Củ Chi); Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức); Trung tâm logistics Tân Hiệp (H.Hóc Môn).
Mục tiêu tới năm 2045, logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 12% vào GRDP, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt từ 10 - 12% mỗi năm cho thành phố. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics sẽ vượt 70%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics của cả nước xuống còn 10 - 12%. Từ đó, thành phố kỳ vọng đạt thứ hạng 30 trên thế giới về hiệu quả logistics, biến TP.HCM thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ châu Á và thế giới.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND TP.HCM đã lên kế hoạch, trong đó tập trung chuyển đổi, áp dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả mà vẫn giảm thiểu khí thải, ô nhiễm, thân thiện môi trường. Đồng thời xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển, hội nhập, giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ kỹ thuật cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường.
"Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và dịch vụ công, phát triển hạ tầng kỹ thuật số phải được thực hiện để tạo điều kiện cho kết nối và trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả, góp phần vào quá trình chuyển đổi số của thành phố", lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Đủ cơ sở bật lên rất mạnh
Theo Sở Công thương TP.HCM, với vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, TP.HCM là nơi sản xuất, tiêu dùng một lượng lớn hàng hóa. Bên cạnh đó, thành phố có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho các tỉnh phía nam. Vì vậy, nhu cầu sử dụng, kết nối dịch vụ logistics trong nội thành TP.HCM và giữa TP.HCM với các địa phương khác cũng như quốc tế là rất cao.
Tuy nhiên, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua thành phố chưa phát huy được hết những tiềm năng nói trên. Giao thương hàng hóa 2 chiều giữa thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính do hoạt động logistics chủ yếu tập trung ở khâu vận chuyển hàng hóa tại cảng; trong đó, vận tải đường bộ vẫn là phương thức chính. Thế nhưng, đường bộ thường xuyên xảy ra kẹt xe, hệ thống hạ tầng chưa hoàn chỉnh và thiếu tính kết nối; đường hàng không và đường thủy chưa được đầu tư đúng mức…
"Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng tuyến Vành đai 3, khép kín Vành đai 2, mở rộng các tuyến đường xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái. Hệ thống cao tốc phía nam nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây đều đã được lên kế hoạch gấp rút triển khai. Thành phố cũng đang nghiên cứu đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc liên vùng. Đường không, đường thủy có Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là 2 siêu dự án vô cùng quan trọng và có tác động rất mạnh tới hệ thống dịch vụ, kinh tế của thành phố. Hoàn thành tất cả mạng lưới giao thông này theo đúng kế hoạch thì TP.HCM hoàn toàn có đủ cơ sở để bật lên rất mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ, logistics", TS Trần Quang Thắng nhìn nhận.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics VN, gợi ý để trở thành trung tâm logistics của cả nước cũng như khu vực, TP.HCM cần quan tâm nhiều đến phát triển smart logistics, hướng tới trung tâm logistics hiện đại không dựa trên quy mô diện tích. Đây là bài học thành công đã được chứng minh tại đảo quốc Singapore. Quốc gia này khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu. Hay như Nhật Bản, chính phủ khuyến khích phát triển công nghệ thông tin phục vụ logistics, thực thi chính sách để tạo dựng môi trường kinh doanh logistics thuận lợi. Trong khi đó, đặc khu Hồng Kông lại có chiến lược dài hạn về đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại tại các trung tâm logistics như cảng hàng không, cảng biển; thành lập ủy ban hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi phát triển logistics; thực hiện số hóa công tác hải quan...
Liên quan đến sự kết nối giữa các cảng, đặc biệt là cảng Cần Giờ trong tương lai và cảng Cái Mép - Thị Vải, TS Hòa ví 2 khu vực cảng này như "người hàng xóm", không nên nghĩ rằng cảng này của Vũng Tàu, cảng này của TP.HCM mà chỉ đơn thuần xác định 2 cảng này của vùng Đông Nam bộ, là của VN. Khu vực cảng Cái Mép có lợi thế đang cung cấp dịch vụ hiện hữu và trong tương lai có sự hình thành trung tâm logistics Cái Mép Hạ, trong khi thuận lợi của TP.HCM là sở hữu hệ sinh thái dịch vụ logistics hiện hữu khá tốt.
"Mỗi cảng sở hữu những lợi thế khác nhau để trên cơ sở đó xác định nguồn hàng, hình thành sự kết nối và hợp tác cùng phát triển. Bằng cách như vậy, chúng ta sẽ hình thành nên một cụm cảng trung chuyển quốc tế mang quy mô và thương hiệu quốc gia , mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho 2 địa phương, cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như cả nước", PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa nêu ý kiến.
Việc thông qua đề án thực hiện 8 trung tâm logistics sẽ là cú hích rất mạnh cho ngành dịch vụ logistics nói riêng cũng như kinh tế TP.HCM nói chung. Đặc biệt, chủ trương tập trung phát triển kinh tế biển, hướng biển để kết nối với khu vực và thế giới vừa là tiền đề quan trọng để có thêm các chính sách hỗ trợ ngành logistics bật lên.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics VN
Bình luận (0)