"Thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi tiếp nhận khá nhiều cặp vợ chồng đến khám sức khỏe do người chồng bỗng nhiên bị rối loạn "chức năng", không thể thực hiện nhiệm vụ "yêu" vào thời điểm cần thiết, theo kiểu canh trứng mà các bà vợ yêu cầu", một bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ này, các cặp vợ chồng đến khám thường than phiền: "Chúng tôi canh trứng và hẹn ngày, giờ để "yêu" với mong muốn đậu thai như dự định, nhưng, đến giờ lại không thể tiến hành được. Rồi đến vài ba lần tiếp sau vẫn cứ như vậy".
Thậm chí, sau vài lần trục trặc khi đến lịch phải gặp "trứng" vào ngày giờ đã định, người chồng lại bị rối loạn chức năng "yêu".
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai (Đơn nguyên Sức khỏe tình dục và giới tính, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn cương có thể do các nguyên nhân thực thể, như: bệnh lý chuyển hóa và tim mạch, đái tháo đường, béo phì, cholesterol máu cao, tăng huyết áp, mức testosteron thấp hoặc mất cân bằng hormon khác, bệnh thận…
Bác sĩ Mai lưu ý, ngay cả khi rối loạn cương dương do nguyên nhân thực thể cũng có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý, tâm thần. Gần đây, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận các trường hợp nam giới bị rối loạn cương, nguyên nhân do vấn đề về sức khỏe tâm thần, các yếu tố tâm lý.
Đây là nguyên nhân mà trước đây chưa được nhiều nam giới, các cặp vợ chồng nhận biết.
Trầm cảm, stress công việc
Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn cương là một trong những rối loạn chức năng tình dục thường gặp, được báo cáo ở 10 - 20% tổng số nam giới.
Ở nhóm dân số khỏe mạnh, nguy cơ này tăng lên theo tuổi, tỷ lệ phổ biến khoảng 20% ở độ tuổi trước 30, 25% ở độ tuổi 30 - 39, 40% ở độ tuổi 40 - 49, 60% ở độ tuổi 50 - 59, 80% ở độ tuổi 60 - 69 và 90% ở những người trên 70 tuổi.
Rối loạn này có thể do nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý, trong nhiều trường hợp kết hợp cả hai, ở nam giới trẻ và trung niên nguyên nhân thường do tâm lý.
Trầm cảm, lo âu, stress, lạm dụng rượu, thuốc lá… là những nguyên nhân thường gặp nhất.
Trong đó, căng thẳng có thể liên quan đến công việc, tiền bạc hoặc là kết quả của các vấn đề trong hôn nhân, cùng nhiều yếu tố khác. Sau lần đầu bị trục trặc, họ có thể trở nên lo lắng quá mức khiến cho tình trạng này liên tục xảy ra.
Mới đây, các bác sĩ tiếp nhận người bệnh nam, 35 tuổi, ở Hà Nội, làm kinh doanh tự do. Trước khi đến khám tâm thần, người đàn ông này phải lo lắng khối lượng công việc thay đổi từng thời điểm. Gần đây, cơ quan có một vài dự án lớn khiến người bệnh thường xuyên phải làm việc quá giờ để đảm bảo tiến độ.
Khoảng 1 năm gần đây, người bệnh cho biết rằng anh ấy gặp khó khăn để duy trì sự cương cứng khi giao hợp, cảm thấy rất căng thẳng, bồn chồn, hay cáu gắt hơn, mệt mỏi. Được vợ động viên, nam bệnh nhân này đã đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm đánh giá, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn cương dương, rối loạn lo âu và trầm cảm.
Sau 1 tháng điều trị (kết hợp thuốc với tư vấn trị liệu tâm lý, thay đổi lối sống, hoạt động), tình trạng rối loạn cương dương cải thiện, tình trạng lo âu và trầm cảm cũng ổn định. Bệnh nhân được hẹn duy trì tái khám.
Tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh rối loạn cương dương dao động từ 33,3 - 79,6% trong các nghiên cứu.
Người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị thích hợp, bao gồm: điều trị hóa dược; các trị liệu tâm lý và các liệu pháp điều trị khác.
(Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai)
Bình luận (0)