Cao lương đỏ là bộ phim lịch sử bi tráng về con người và đất nước Trung Quốc đầu thế kỷ 20, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Mạc Ngôn. Trước Cao lương đỏ, Trương Nghệ Mưu là một người vô danh trong làng phim, nhưng bộ phim với vai trò chỉ đạo đầu tiên này đã xuất sắc ngoài sự tưởng tượng, vì xét về tuổi nghề, đạo diễn Trương Nghệ Mưu được xem như mới "vào nghề".
Nhắc đến tác phẩm này của Trương Nghệ Mưu, nhiều ánh hào quang vây quanh như phim đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin 1988, hàng loạt giải Kim Kê năm 1988 (giải điện ảnh quan trọng của Trung Quốc)..., nhưng đây là tác phẩm mà "trần ai" lắm Trương Nghệ Mưu mới có thể làm ra.
Mối duyên với nhà văn Mạc Ngôn
Năm 1987, Trương Nghệ Mưu lúc đó 38 tuổi, vừa hoàn thành phim Lão tỉnh (Hán tự: 老井) với đạo diễn đàn anh là Ngô Thiên Minh (một trong những đạo diễn hàng đầu thuộc thế hệ làm phim thứ tư của Trung Quốc, đã mất năm 2014). Trong Lão tỉnh, Trương Nghệ Mưu đóng vai chính. Từ sau tác phẩm này, Ngô Thiên Minh thấy Trương Nghệ Mưu có tố chất làm đạo diễn nên đề đạt lên vị trí này.
Nhận được sự ủng hộ từ đàn anh, đạo diễn họ Trương ngay lập tức chọn tác phẩm Cao lương đỏ của Mạc Ngôn để chuyển thể thành phim. Ngô Thiên Minh vừa xem qua nội dung tác phẩm đã đồng ý với ý tưởng đó ngay. Mà năm 1988 lại là năm "được mùa" của nhà văn Mạc Ngôn khi nhiều tác phẩm của ông được chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài và nhà văn lúc này cũng vừa bước vào con đường viết văn chuyên nghiệp.
Trương Nghệ Mưu khi ấy đã tự tìm đến Mạc Ngôn, giới thiệu bản thân. Mạc Ngôn nhìn anh chàng đen nhẻm chưa từng quen thân ấy (vì Trương Nghệ Mưu "dang nắng dầm mưa" quay Lão tỉnh) rồi nói: "Nhìn anh giống đội trưởng đội sản xuất của làng chúng tôi. Anh có thể quay Cao lương đỏ, không sao cả".
Mạc Ngôn bán bản quyền Cao lương đỏ cho Trương Nghệ Mưu 800 tệ (trên 2,8 triệu đồng theo giá hiện tại). Thực ra Trương Nghệ Mưu có dự định thực hiện phim Cao lương đỏ từ năm 1986. Sau khi nhận được cái gật đầu từ nhà văn nổi tiếng, ông mượn 40.000 tệ (trên 140 triệu đồng theo tỉ giá hiện tại) đến Cao Mật, Sơn Đông, quê hương của Mạc Ngôn để chọn vùng đất đủ rộng, đủ lý tưởng quay phim. Nhưng ông lại phát hiện ra vấn đề là vùng đất đó nông dân Cao Mật trồng giống cao lương mới, thân ngắn, cho năng suất cao, không phù hợp với yêu cầu của phim.
Cầm 40.000 tệ trong tay, Trương Nghệ Mưu đưa hết cho nông dân Cao Mật và nói rằng: "Mấy trăm mẫu đất này (một mẫu Trung bằng khoảng 667m2) mấy anh cứ trồng cây cao lương thân cao, 4 vạn tệ này là của các anh hết". Vì trồng cây mà lại có thêm tiền, nông dân vui mừng ký hợp đồng với nhà làm phim rồi đổ xô đi trồng cao lương theo yêu cầu của đạo diễn. Nhưng mấy tháng sau, khi trở lại thăm "trường quay" trước khi khai máy, Trương Nghệ Mưu hoa mày chóng mặt khi thấy toàn bộ số cao lương trên mấy trăm mẫu ruộng cây cao cây thấp xen kẽ. Nguyên do là vì để trồng cao lương bán có giá, nông dân trồng xen canh thêm vào cây thân thấp của họ khiến lứa cao lương đến ngày quay không đồng đều.
Anh em trong đoàn không còn cách nào khác là ngừng quay trong 15 ngày. Thấy thế, Mạc Ngôn cũng giúp một tay, ông đã tìm lãnh đạo để bàn bạc, xong xuôi, ông mua 5 tấn phân thuốc, sai nhân công mỗi ngày dùng xe tưới phân cho mấy trăm mẫu ruộng. Ròng rã suốt 1 tháng trời, đoàn làm phim cuối cùng cũng có được những mẫu ruộng cao lương ưng ý trước khi khai máy.
Phát hiện trên màn ảnh
Cuối thập niên 1980, cũng như Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi và Khương Văn - 2 nhân vật chính của Cao lương đỏ, là những diễn viên không có tên tuổi. Sau tác phẩm này, tên tuổi của họ, và của đạo diễn, vụt sáng.
Phim lấy bối cảnh đầu thế kỷ 20 ở làng Cao Mật, kể về thân phận cô gái Cửu Nhi (Củng Lợi đóng) và anh chàng phu kiệu da đen nhẻm Dư Chiêm Ngao (Khương Văn). Câu chuyện của cá nhân họ bện vào trong câu chuyện lớn của lịch sử, khi Nhật chiếm đóng Trung Quốc và khiến cánh đồng cao lương tan tác...
Nếu Cửu Nhi mang vẻ đẹp mộc mạc hiếm thấy thì Dư Chiêm Ngao như gã cục mịch. Một trong những chi tiết hậu trường khá thú vị về Khương Văn là để có làn da đen sạm hóa thân thành nhân vật, nam nghệ sĩ đã ngày ngày tắm sông, phơi nắng. Hai nhân vật này đã có một trong những cảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất trên màn ảnh cuối thập niên 1980 đó là cảnh họ ở trên cánh đồng cao lương đổ rạp, mà kỹ thuật quay phim của nhà quay phim Cố Trường Vệ cũng mang tính tiên phong trong điện ảnh bấy giờ.
Vào thời điểm năm 1988, Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu trở thành "hiện tượng" tại rạp. Giá vé lúc bấy giờ là 8 xu, gần bằng bữa ăn một ngày. Thế nhưng phim đã đạt doanh thu "khủng": phim đầu tư tổng kinh phí 80.000 tệ nhưng thu về số tiền 40 triệu tệ. Thêm nữa, sự kiện phim đoạt giải Gấu vàng giúp cho điện ảnh Trung Quốc được biết đến rộng rãi trên quốc tế, thực chất là một sự kiện văn hóa với người dân lúc bấy giờ.
Trương Nghệ Mưu từng nói rằng, một trong những điều thay đổi cuộc đời ông đó là ông đỗ Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và quay Cao lương đỏ. Sau tác phẩm này, ông tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm nổi tiếng khác khoảng đầu đến cuối thập niên 1990 (sang mốc 2000 ông có những đỉnh cao khác) như Cúc đậu (1990), Đèn lồng đỏ treo cao (1991), Thu Cúc đi kiện (1992), Phải sống (1994)...
Bình luận (0)