Như Thanh Niên đã thông tin, vào chiều 9.9, trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Ủy ban Kinh tế Quốc hội với UBND tỉnh Đồng Nai về các dự án trọng điểm trên địa bàn, trong đó có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đại diện Bộ GTVT đã trình bày báo cáo về dự án này.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết theo báo cáo từ 2 địa phương (Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu), hiện chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến tăng tổng cộng 3.674 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Cụ thể, phía Đồng Nai đội vốn 2.683 tỉ đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu đội vốn 989 tỉ đồng.
Lý do đội vốn do ban đầu đơn vị tư vấn xác định giá đền bù, GPMB như tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Nhưng khi địa phương phê duyệt được đơn giá đền bù thì giá đất đã thay đổi dẫn đến chi phí bồi thường tăng lên.
Hạng mục từ 20 tỉ đồng tăng lên 400 tỉ đồng
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư (Ban bồi thường) tỉnh Đồng Nai giải thích thêm, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giá đất bồi thường, GPMB được lấy theo bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm (2020 - 2024).
Theo bảng giá này, đối với đất nông nghiệp ở khu vực H.Long Thành có giá 210.000/m2, phi nông nghiệp từ 2,1- 4 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp khu vực TP.Biên Hòa có giá 430.000 đồng/m2, phi nông nghiệp từ 5 - 7 triệu đồng/m2...
Tuy nhiên, báo cáo cho biết qua rà soát các quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất của UBND tỉnh Đồng Nai đối với các dự án lân cận, song song với QL51 (thực hiện trong các năm 2021 đến 2023) thì giá đất ở các vị trí tương ứng được áp giá cao hơn nhiều.
Ngoài ra, theo bảng thống kế dự toán kinh phí bồi thường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Ban bồi thường tỉnh Đồng Nai báo cáo UBND tỉnh (tháng 7.2023), có hạng mục di dời hạ tầng (đường điện, nước, cáp quang) tăng lên rất nhiều.
Cụ thể, hạng mục di dời hạ tầng dự án thành phần 1 tăng gần 153 tỉ đồng (từ 97,6 tỉ đồng lên 250,6 tỉ đồng); di dời hạ tầng dự án thành phần 2 tăng 380,8 tỉ đồng (từ 20 tỉ đồng lên 400,8 tỉ đồng), tăng 20 lần.
Nguyên nhân là do "Số liệu kiểm kê thực tế các công trình hạ tầng, kỹ thuật điện nước bị ảnh hưởng ngoài thực tế tăng hơn nhiều so với số liệu được lập trong các báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt", báo cáo nêu.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai (34,2 km) và Bà Rịa-Vũng Tàu (19,5 km), trong giai đoạn 1 cao tốc có 4 - 6 làn xe (tùy theo đoạn tuyến) với tổng vốn đầu tư là 17.829 tỉ đồng.
Dự án được chia thành 3 thành phần, dự án thành phần 1 do Đồng Nai làm chủ đầu tư, thành phần 2 là Bộ GTVT, còn thành phần 3 là Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 6.2023, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026. Cao tốc đi vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng cách TP.HCM và Đồng Nai đi Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại, giảm tải cho QL51. Nhưng hiện nay công tác thi công còn chậm, nguyên nhân do vướng mặt bằng.
Bình luận (0)