Cao tốc 'đặc thù' đột phá chính sách

17/06/2022 05:58 GMT+7

5 dự án cao tốc được các đại biểu 'bấm nút' hôm qua (16.6) sẽ đi vào lịch sử, không chỉ bởi sự chuẩn bị công phu, chính sách đặc biệt, cơ chế đặc thù.

5 dự án “đặc biệt”…

Ngày 16.6, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (QH) khóa XV đã bế mạc sau gần 1 tháng làm việc. Buổi sáng, với đại đa số đại biểu (ĐB) nhất trí, QH đã thông qua 5 nghị quyết cho 5 dự án giao thông quan trọng gồm: Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM và 3 cao tốc trọng điểm phía nam (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu). 5 dự án này (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 548,5 km và tổng mức đầu tư 245.654 tỉ đồng.

Nút giao giữa QL1A - Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn và Vành đai 3

Lê Bình

Cả 5 “siêu dự án” nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc mà Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra. Theo báo cáo của Chính phủ, cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (654 km), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (729 km) đang được triển khai và hoàn thành, thêm hơn 500 km cao tốc của 5 dự án án trên, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đã và đang triển khai tới năm 2025 lên tới 3.222 km.

Đó là mục tiêu mà rất nhiều ý kiến đánh giá quá thách thức khi 20 năm qua, chúng ta mới chỉ xây được gần 1.000 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình triển khai dự án, chuẩn bị hồ sơ, có thể nhìn thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của Chính phủ. Khoảng 3 tháng trước, Thường trực Chính phủ đã họp bàn để nghe báo cáo tiền khả thi của cả 5 dự án. Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đó nhấn mạnh các dự án đều là những tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các trục giao thông huyết mạch... Việc triển khai xây dựng liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành phố và nhiều người dân. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm rất cao; nỗ lực phải rất lớn; hành động phải quyết liệt; xác định trọng tâm, trọng điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn vốn; tổ chức thực hiện phải khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Áp lực lớn

Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, QH giao Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản nhà nước. Đồng thời, đề nghị MTTQ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các vị ĐBQH, HĐND, nhân dân và cử tri tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết quan trọng này của QH.

Trước mắt, hơn 1.200 km cao tốc của nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2026 chỉ còn 3 - 4 năm để hoàn thành, đó là áp lực, thách thức vô cùng lớn. Chúng ta đã có đột phá tư duy, tháo gỡ rào cản chính sách, điều còn lại nằm chính ở sự đột phá trong hành động. Song, với rất nhiều cơ chế đặc thù, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng cho rằng phải hết sức thận trọng, đặc biệt hậu quả của cơ chế chỉ định thầu vừa qua trong lĩnh vực y tế do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, đã để lại một hệ lụy rất lớn. “Nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, vị ĐB của đoàn Quảng Nam cảnh báo.

Sau cuộc họp đó, hồ sơ 5 dự án được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) tại phiên họp ngày 12 - 13.5 (chỉ 1 tuần trước khi QH khai mạc kỳ họp lần này), cho ý kiến chính thức quyết định chủ trương đầu tư. Nhiều ý kiến các thành viên UBTVQH đề nghị cần phải tính toán kỹ khả năng cân đối, bố trí vốn cho các dự án khi lần đầu tiên các dự án cao tốc thuộc loại trọng điểm quốc gia lại sử dụng cả ngân sách T.Ư lẫn địa phương.

Trong khi đó, một số nguồn vốn ngân sách T.Ư dự kiến bố trí cho các dự án (nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT, nguồn vốn từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, nguồn vốn từ khoản tăng thu tiết kiệm chi)… đều được Kiểm toán Nhà nước xác định là “chưa đủ cơ sở xác định” do Chính phủ vẫn chưa trình QH. Đối với nguồn vốn địa phương thì chỉ mới có văn bản cam kết của UBND các tỉnh, thành tham gia dự án trong khi thẩm quyền quyết định phải là nghị quyết của HĐND các địa phương…

Chính vì nhiều vấn đề chưa hoàn thiện trong hồ sơ các dự án trọng điểm này, chiều ngày 30.5, UBTVQH đề nghị QH điều chỉnh nội dung kỳ họp để lùi thời gian trình 5 dự án từ ngày 31.5 sang ngày 6.6. Một tuần “lùi lại” này chính là khoảng thời gian để hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tính khả thi. Điều đó, cho thấy sự đồng thuận, quyết tâm rất lớn của cả Chính phủ và QH.

Thậm chí, liên quan đến việc bố trí 2 nguồn vốn ngân sách cho các dự án, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khi thảo luận tại tổ cho biết UBTVQH phải họp vào ngày thứ bảy để xem xét 2 nguồn vốn nói trên, vì nếu không “sẽ không thể trình QH được”. “Điều đó để thấy công phu của QH, Chính phủ thế nào”, Chủ tịch QH nói.

Thủ tướng kiểm tra công trình cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận)

Thiện Nhân

… nhiều chính sách đặc thù

Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm, các dự án được trao cơ chế đặc thù, đột phá. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn “hỗn hợp” với sự tham gia của địa phương, theo đề xuất của Chính phủ, 5 dự án cao tốc vừa được QH đồng ý áp dụng nhiều chính sách đặc biệt. Trong đó có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp. Thậm chí, lâu nay luật quy định cao tốc do T.Ư làm, lần này được giao cho các địa phương thực hiện với các tuyến chạy qua địa bàn; cùng với đó là cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án...

QH cũng đồng ý nhiều chính sách đặc thù khác cho 3 dự án cao tốc trọng điểm phía nam như: cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các địa phương thuộc phạm vi của dự án; hay cho phép Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ, địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết QH thống nhất áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội và hình thức đầu tư công cho 4 dự án còn lại, sử dụng tổng hợp nhiều nguồn ngân sách.

Ý chí người đứng đầu

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, điều ông ấn tượng nhất trong hành động của Chính phủ nhiệm kỳ này là ở sự “quyết liệt”, sôi sục nhưng dựa trên nền tảng của những quy hoạch bài bản, tính toán kỹ lưỡng. Chính sách đi trước, gỡ bỏ rào cản (giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư…), lựa chọn con người để đi nhanh hơn, chạy nhanh hơn về đích.

Hình ảnh Thủ tướng thị sát các công trình, khảo sát các dự án cao tốc, theo ông Long, để thể hiện rất rõ ý chí của người đứng đầu Chính phủ. “Ngay tại công trường dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng đã nói phải bám sát công trường, ăn ngủ với công trường, yêu dự án này như con cái thì mới ra công trình được. Sự quyết tâm đó chúng ta có thể cảm nhận được. Khó mà không làm, không cố gắng thì cũng rất khó. Nó cũng như đường mà không đi thì chắc chắn sẽ không bao giờ tới được”, ông Long chia sẻ.

Ở góc nhìn rộng hơn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng ông đang nhìn thấy trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc với các thể chế đặc thù, đột phá tư duy… hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế.

“Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, ĐB Lộc bày tỏ.

Tuy nhiên, ĐB Lộc cũng lưu ý quá trình xây dựng các tuyến đường này như là mẫu hình của tư duy mới, của sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị; tư duy mới của sự đột phá phát triển, của tầm nhìn tổng thể và tư duy mới của sự minh bạch; tư duy mới của một chính sách bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Lo lắng của ĐB là điều dễ hiểu, bởi những chính sách mới, đặc thù luôn song hành với rủi ro, sợ trách nhiệm. Cấp dưới trình lên cấp trên, cấp trên trình lên cấp trên nữa, không cấp nào chịu trách nhiệm đã trở thành một căn bệnh. Thế nhưng, với các cơ chế đặc thù vừa được ban hành, rõ ràng chúng ta đã và đang nhìn thấy “trách nhiệm rất cao” của người đứng đầu QH, Chính phủ. Điều đó theo PGS-TS Ngô Trí Long, khi người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chắc chắn chúng ta sẽ tháo bỏ, cởi trói được tư duy cũ, truyền cảm hứng và sự tự tin xuống các cấp dưới. Còn chúng ta cứ sợ, không ai dám thay đổi, dám đột phá thì ai sẽ làm, và chúng ta không bao giờ có thể làm được 5.000 km cao tốc đến năm 2030.

Chúng ta đã chứng kiến, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi Thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Bắc Giang. Quá nhiều giông bão, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên những nghị quyết về mục tiêu kép, chính sách được ban hành kịp thời đã vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm lịch sử 6% quay trở lại quỹ đạo.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.