Giao chủ tịch tỉnh, thành chỉ định thầu ?
Ngày 10.6, Quốc hội (QH) thảo luận về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, gồm: đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội (theo tiêu chuẩn cao tốc) và 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.
5 dự án này (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 548,5 km và tổng mức đầu tư 245.654 tỉ đồng. Để hoàn thành trong các năm từ 2025 - 2027, Chính phủ đề xuất QH cho phép sử dụng nguồn vốn của cả T.Ư lẫn các địa phương và nhiều cơ chế đặc thù cho cả 5 dự án.
Cho rằng tính cấp thiết của các dự án là “không cần bàn cãi”, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhìn nhận vấn đề cần quan tâm là cơ chế như thế nào để các dự án sớm được thực hiện. Liên quan cơ chế chỉ định thầu được Chính phủ “xin” cho cả 5 dự án, ĐB Nghĩa đề xuất QH cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành có liên quan xem xét quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, thay vì chỉ cho phép Thủ tướng xem xét quyết định, chỉ định thầu như trong dự thảo.
“Thủ tướng bận trăm công nghìn việc và tất nhiên có nhiều việc quan trọng hơn việc này rất nhiều”, ông Nghĩa nói, và cho rằng khi Thủ tướng ủy quyền thì quyền vẫn nằm ở Thủ tướng và quy định rõ trình tự thủ tục thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu thì sẽ đảm bảo sự tuân thủ rất cao.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị điều chỉnh quy định trong quá trình thực hiện dự án, nếu phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo QH thành “nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì chủ tịch UBND báo cáo Thủ tướng, nếu cần thiết Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH quyết định”.
Ông Nghĩa cũng giải thích đề xuất của ông là muốn thúc đẩy dự án nhanh hơn vì “chưa chắc gì các chủ tịch UBND tỉnh, thành mặn mà với việc ủy quyền mà thường có xu hướng “giao” hết cho Thủ tướng quyết định”, và như vậy sẽ khiến việc bị chậm. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu sau đó, bày tỏ rất đồng tình với đề xuất của ông Nghĩa.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thì không đồng tình khi cho rằng tuyến đường vành đai tại Hà Nội và TP.HCM là “công trình để đời cho con cháu” nên phải giao cho Thủ tướng “cầm trịch” để có sự thống nhất và các tỉnh mới link được với nhau. “Nếu ủy quyền cho lãnh đạo các tỉnh, tôi e rằng sẽ bị xôi đỗ và sẽ không đồng nhất”, ĐB Thân nói, đồng thời kiến nghị thêm quá trình triển khai dự án nên giao cho các doanh nghiệp tư nhân vì gần đây doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt.
Cũng bàn về cơ chế chỉ định thầu khi thảo luận 3 dự án cao tốc trọng điểm phía nam, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói: “Xin thì QH đồng ý thôi, nhưng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề phấn khởi đâu. Chúng ta lúc nào cũng khẳng định hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế?”, ông Hạ nêu và cho rằng cần phải rút kinh nghiệm thời gian vừa qua tạo ra những kẽ hở, cơ chế xin - cho, và cả những vấn đề trong tính công khai, minh bạch khi triển khai dự án. “Nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy, mất cán bộ sau này”, ông Hạ nói và đề nghị quá trình triển khai phải làm tốt, làm kỹ tránh sau này phải xử lý hậu quả.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam - ảnh trái) và ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) |
Gia Hân |
Lo nguồn vốn địa phương
ĐB Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, thì băn khoăn về nguồn vốn từ các địa phương đầu tư cho 2 dự án vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Ông Sơn nói đây là lần đầu tiên có việc phối hợp vốn giữa T.Ư và địa phương với những cơ chế đặc thù để huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó có việc khai thác quỹ đất 2 tuyến đường này đem lại trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng đề xuất của Chính phủ là các địa phương lấy từ nguồn tăng thu để bố trí cho 2 dự án này, song nguồn tăng thu lại phụ thuộc vào việc thu ngân sách hằng năm do T.Ư giao. Cạnh đó, nguồn tăng thu này 70% phải dùng cho cải cách tiền lương, 30% còn lại cũng sử dụng cho nhiều việc khác nhau. Trong khi đó, số vốn cho 2 dự án vành đai “không hề nhỏ”.
Liên quan tới việc khai thác quỹ đất dọc 2 dự án để tạo nguồn cho dự án, ông Sơn cũng băn khoăn về việc khi muốn giải phóng mặt bằng thì phải có vốn ngay, trong khi đó nguồn vốn cho dự án chính là vành đai 3 và vành đai 4 chưa đáp ứng được thì không biết dùng nguồn vốn nào để giải phóng mặt bằng để lấy quỹ đất dọc 2 bên dự án đấu giá, tạo nguồn vốn cho dự án chính như Chính phủ trình. “Muốn đấu giá phải có mặt bằng sạch. Đây là một vấn đề phải nghiên cứu để làm sao vừa khai thác quỹ đất, tạo nguồn vốn để đầu tư cho vành đai 3, vành đai 4. Việc này đề nghị hết sức cân nhắc”, ông Sơn nói.
Nguồn vốn địa phương cho 3 dự án cao tốc trọng điểm phía nam cũng là băn khoăn của ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). “Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh rất nghèo, thu 4.000 tỉ một năm. Mỗi một năm dự kiến cân đối để bỏ ra có được 300 tỉ để đối ứng với dự án này thì liệu có đảm bảo hay không? Việc này chúng ta phải tính để chia sẻ với các tỉnh khó khăn”, ông Hạ nói và cho rằng với thực tế hiện nay thì các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất sau khi có dự án. “Khi đường lên, ta sẽ thu từ đất để mà bù vào. Thế nhưng, có đường thì mới có đất. Giải quyết có đất rồi mới làm đường. Vấn đề là ta phải có phương án sẵn để trong tình huống đối ứng của địa phương khó khăn như giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng… thì cần có giải pháp”, ĐB Hạ nói.
Đề xuất thêm chính sách đặc thù để Khánh Hòa phát triển
Chiều 10.6, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đa số ĐB đồng tình với những chính sách đặc thù về cơ chế tài chính, quản lý đất đai nhằm giúp Khánh Hòa đạt được các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói Khánh Hòa “rất xứng đáng” với các cơ chế đặc thù vì có huyện đảo Trường Sa, và có vịnh Cam Ranh với cảng nước sâu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. ĐB đoàn Cà Mau góp ý cần phải minh định các cơ chế đặc thù trong dự thảo nghị quyết nhằm khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển của Khánh Hòa. Bên cạnh đó, ông đề nghị QH trao quyền cho Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư để thu hút công nghệ mới; quyền được tổ chức bộ máy hành chính phù hợp tiêu chuẩn của luật; cũng như quyết định nhân sự trên cơ sở phân cấp của T.Ư.
Liên quan tới quỹ đất dọc các dự án, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần song hành xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị, thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường. “Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này cho nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án”, ông Vân nói.
Cho biết, khi QH đang thảo luận về các dự án đường vành đai thì đất đai khu vực này đã tăng giá lên nhiều lần, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nếu có cơ chế tốt khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường thì có thể các tuyến vành đai tại Hà Nội và TP.HCM không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới.
Bình luận (0)