Đề xuất Thủ tướng ủy quyền cấp tỉnh chỉ định thầu đường vành đai Hà Nội, TP.HCM

Thái Sơn
Thái Sơn
10/06/2022 11:49 GMT+7

Thảo luận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP.HCM , đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp để tăng hiệu quả dự án.

Sáng 10.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung thêm cơ chế chỉ định thầu cho địa phương

gia hân

Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án này.

Đa số đại biểu cho ý kiến đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề xuất gợi mở nhiều giải pháp làm tăng tính khả thi và khai thác hiệu quả các dự án.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra đột phá và tháo gỡ "điểm nghẽn" nhiều năm qua cho phát triển kinh tế của cả miền Đông Nam bộ - TP.HCM.

Đề cập đến nội dung của dự thảo nghị quyết liên quan cơ chế chỉ định thầu, trong đó quy định quá trình triển khai áp dụng chỉ định thầu với gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư thì cho phép Thủ tướng xem xét quyết định, chỉ định thầu, đại biểu Nghĩa đề nghị điều chỉnh lại nội dung này theo hướng cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có liên quan xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án với các gói thầu đã nêu.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, khi Thủ tướng ủy quyền thì về pháp lý quyền vẫn nằm trong Thủ tướng và quy định rõ trình tự thủ tục thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu sẽ vẫn yên tâm về vấn đề ủy quyền. "Ủy quyền cho chủ tịch UBND thì chủ tịch UBND thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng và thực hiện theo pháp luật về đấu thầu thì những chốt này sẽ đảm bảo sự tuân thủ rất cao", ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, đại biểu Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành nghị quyết.

Cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, đường vành đai 4 vùng thủ đô và đường vành đai 3 TP.HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác bởi đây là cao tốc của vành đai. Do vậy, khi các tuyến đường này hình thành thì lân cận quanh đường sẽ hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng có dự án.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý thời gian qua khi chủ trương thực hiện các dự án mới được Quốc hội xem xét, thảo luận thì giá đất đai ở các khu vực này đã sôi động và giá tăng lên rất nhiều lần. Điều này cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn.

Do vậy, nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 khu vực Hà Nội cũng như tuyến đường vành đai 3 TP.HCM sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường.

“Vì vậy, cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường, theo hướng quy hoạch vùng lân cận hai bên đường thành các đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực); tổ chức đấu thầu các dự án phát triển các trung tâm trên kèm theo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với đường vành đai và các hệ thống giao thông trong vùng”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các đề xuất của đại biểu nêu trên là phù hợp và Chính phủ mong muốn được nhận được sự ủng hộ của Quốc hội.

Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định về tính cấp thiết, vai trò của dự án đường vành đai. Theo đó, các tuyến đường này có sự đóng góp lớn cho nền kinh tế của 2 đầu tàu cả nước vốn đã bị chững lại trong thời gian vừa qua. Đồng thời, các tuyến đường sẽ giải quyết được 2 vấn đề bức xúc nhất của người dân hiện nay là ách tắc giao thông và ngập úng. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, nâng cao cạnh tranh và biến thành động lực phát triển vùng, là hành lang kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.