Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
TP.HCM vừa trải qua gần 1 tuần khác lạ với tiết trời hơi se lạnh và lớp sương mù phủ kín không gian từ sáng tới trưa. Liên tiếp đón nhận những đợt ô nhiễm không khí trầm trọng kể từ đầu năm 2019, người dân TP đã không còn hào hứng chào đón "thu Sài Gòn", thay vào đó là cảm giác lo lắng lớp mù sương dày đặc chính là "ổ" bụi mịn nguy hiểm.
Thực tế, trên hệ thống quan trắc trực tuyến IQAir những ngày qua thường xuyên thể hiện "báo động đỏ" về mức độ ô nhiễm không khí tại nhiều trạm đo khu vực TP.HCM. Đỉnh điểm hôm 6.12, sương mù phủ trắng trời từ sáng đến gần 12 giờ trưa vẫn chưa tan hết. Phần lớn các trạm đo đều ở màu đỏ - ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, và có đến 3 trạm chuyển sang màu tím - ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Trên đường, phần lớn người đi xe máy đều trang bị áo khoác và khẩu trang để thích ứng với thời tiết cũng như chống khói bụi.
Khi TP.HCM "vào thu" cũng là lúc TP.Hà Nội bước sang tháng thứ 2 của "mùa ô nhiễm không khí". Đây là khái niệm được các chuyên gia khí hậu và môi trường gọi nôm na cho giai đoạn từ nay đến đầu năm sau vì độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và ít gió nên các chất ô nhiễm lơ lửng trong không khí, lớp bụi mịn dày đặc khó khuếch tán.
Kể từ đầu tháng 10, bầu trời Hà Nội luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù và khói bụi, không có ngày nào chất lượng không khí không chạm ngưỡng từ xấu đến rất xấu. Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí (thuộc Viện Môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM), mặc dù lượng khí độc phát thải ở TP.HCM nhiều hơn ở Hà Nội nhưng khí hậu là yếu tố khiến mức độ ô nhiễm môi trường của Hà Nội nặng nề hơn TP.HCM. Thời tiết ở Hà Nội khiến cho các khí thải mắc kẹt ở tầng sát mặt đất.
Thực tế, kể từ đầu năm 2019 đến nay, 2 TP lớn nhất cả nước đã liên tục góp mặt trong danh sách những TP có chất lượng không khí tệ nhất thế giới. Có những giai đoạn Hà Nội còn đứng đầu danh sách.
Thế nhưng, khác với giai đoạn cách đây 5 năm khi các cơ quan chức năng còn loay hoay chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm chính, đến nay thủ phạm đã được chỉ mặt điểm tên. Nghiên cứu của PGS-TS Hồ Quốc Bằng cùng các cộng sự chỉ ra rằng: với cả 2 TP, có 3 nguồn cơ bản phát thải khí độc vào không khí gồm: các phương tiện giao thông (nguồn đường), các nhà máy sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh (nguồn địa phương).
Tại Hà Nội, các phương tiện giao thông chiếm lượng phát thải lớn nhất với hầu hết các khí độc có trong không khí: ôxit ni tơ (NOx) 87%, carbon monoxide (CO) 92%, điôxit sulfur (SO2) 57%, hợp chất hữu cơ dạng khí không chứa mê tan (NMVOC) 86%, khí mê tan (CH4) 96%, bụi mịn PM2.5 74%. Trong số các phương tiện giao thông, thủ phạm hàng đầu thải 2 loại khí độc NOx và CO ở Hà Nội là xe máy. Xe tải hạng nặng là nguồn phát thải lớn nhất các loại bụi mịn.
Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự, các khí độc phát thải chủ yếu từ nguồn giao thông.
Khởi động 100% giao thông công cộng xanh
Mặc dù tỷ lệ phần trăm từng nhóm phát thải đến giờ mới được chỉ rõ cụ thể, nhưng từ cách đây 20 năm, TP.HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khác nhau nhằm giảm phát thải từ hoạt động giao thông. Trong đó, TP.HCM tập trung phát triển các loại hình giao thông công cộng (GTCC) hiện đại như: các tuyến metro, xe buýt điện, xe buýt CNG, taxi điện, kết hợp các kế hoạch kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tại các khu vực trung tâm. Đến cuối năm 2012, ngành GTVT TP.HCM đã có một lực lượng vận tải hành khách công cộng sạch và xanh đến 600 - 700 xe sử dụng khí CNG.
Đến nay, khi lãnh đạo TP.HCM cũng như Sở GTVT xác định nhu cầu "đổi màu" các phương tiện giao thông đã trở nên vô cùng cấp bách, thì GTCC cũng là đối tượng được chọn để khởi động công cuộc xanh hóa ngành giao thông.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cùng các sở, ban, ngành liên quan, Sở GTVT đã trình UBND TP "Kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP", dự kiến trình HĐND TP thông qua chủ trương vào kỳ họp đầu năm 2025.
Nếu được thông qua, từ 2025 - 2029, những xe buýt chạy dầu diesel và khí CNG tại TP.HCM sẽ được thay thế hoàn toàn bằng xe điện ngay khi hết thời hạn hợp đồng. Trong giai đoạn 2025 - 2029, các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh. Dự kiến tổng số phương tiện chuyển đổi từ diesel sang điện giai đoạn 2025 - 2030 là 2.771 xe, trong đó có 1.663 phương tiện thay thế trên các tuyến xe buýt hiện hữu và 1.108 phương tiện đầu tư trên các tuyến mở mới. Theo kế hoạch, đến năm 2030, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sử dụng 100% xe buýt "xanh".
Cũng theo đại diện Sở GTVT, chuyển đổi hệ thống xe buýt sang sử dụng điện và các năng lượng tái tạo khác là một nhánh của Đề án giảm phát thải từ các hoạt động giao thông trên địa bàn TP mà Sở đang chủ trì xây dựng, dự kiến trình UBND TP để xin chủ trương của HĐND TP vào quý 2 năm sau. Đề án sẽ bao gồm đầy đủ kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy, phân vùng phát thải thấp…
Mặt khác, 2025 là thời điểm ngành giao thông TP đón bước chuyển lịch sử khi tuyến metro số 1 đưa vào vận hành chính thức. Đây là phương tiện xanh không chỉ giúp giảm lượng xe cá nhân di chuyển trên đường, giảm phát thải, mà những công trình phụ trợ cũng được phủ xanh như: sử dụng xe buýt điện để gom khách đi metro; trồng cây, tạo mảng xanh hành lang dọc tuyến… Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, theo từng đối tượng cụ thể sẽ giúp TP.HCM từng bước tiến tới mục tiêu đến năm 2030 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động GTVT, giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động GTVT, dần tiến đến chuyển đổi năng lượng xanh.
Tương tự, UBND TP.Hà Nội mới đây đã phê duyệt Đề án "phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng sạch trên địa bàn TP". Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2035. Song song, UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến công khai về Dự thảo Nghị quyết "Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo dự thảo, LEZ là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt; phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Nếu thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo TP.Hà Nội dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ lựa chọn một khu vực ở Q.Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận, huyện. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 - 2035, thành phố khuyến khích các quận, huyện xác lập LEZ và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện.
Chuẩn bị kiểm soát khí thải xe gắn máy
Cả TP.HCM và Hà Nội đều đang khởi động hành trình chuyển đổi giao thông xanh từ phương tiện GTCC. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số các phương tiện giao thông, thủ phạm hàng đầu thải 2 loại khí độc NOx và CO là xe máy. Đây cũng là đối tượng "khó nhằn" nhất bởi cả nước có gần 70 triệu xe máy chạy xăng đang lưu hành, gấp nhiều lần số lượng ô tô. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng xe máy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân, trong điều kiện hạ tầng giao thông, phương tiện GTCC chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
Từ ngày 1.1.2025, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua hồi tháng 7 chính thức có hiệu lực, quy định mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải thực hiện kiểm định khí thải. Theo lộ trình chính thức vừa được Chính phủ ban hành, từ 1.1.2025 đến hết 30.6.2027, xe gắn máy 2 bánh nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2; xe mô tô tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 đến hết 30.6.2026. Kể từ 1.7.2027, toàn bộ xe gắn máy nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4.
Bộ GTVT đang xây dựng cụ thể cách thức triển khai, tinh thần chung là sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế, đơn cử như đưa thời gian nhất định rằng xe mới trong 2 - 3 năm đầu tiên không phải kiểm định khí thải... Xe không đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải đi khắc phục, sửa chữa. Bộ GTVT nhấn mạnh việc kiểm định khí thải xe máy rất nhanh chóng, không mất nhiều thời gian như kiểm định xe cơ giới, ô tô. Ngoài trung tâm kiểm định xe cơ giới, kiểm định ô tô có các thiết bị kiểm tra khí thải, thì các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa mô tô, xe máy, các nhà dịch vụ, đại lý xe máy với hàng chục ngàn cơ sở trải đều khắp nơi đều có thể được tổ chức thành nơi kiểm định xe máy.
Đây chính là mảnh ghép hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý để TP.HCM và Hà Nội có thể triển khai các đề án nghiên cứu giảm phát thải, tiến tới hạn chế xe máy. Mặc dù vậy, chi phí vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Theo đơn vị xây dựng đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM", với chi phí đầu tư một trạm kiểm định (1 thiết bị đo khí thải) được tính toán khoảng 354,4 triệu đồng cho một năm, giá dịch vụ kiểm định khí thải được tính toán để thu hồi vốn khi cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng là 32.500 đồng. Chi phí cấp giấy chứng nhận, dán tem là 1.000 đồng/xe (bao gồm việc tạo phôi, in ấn, quản lý...). Như vậy, với các giả thiết có lợi nhất thì giá dịch vụ kiểm định khí thải cho một xe máy là 33.500 đồng.
Thực tế, quá trình kiểm định khí thải tại các trạm sẽ không diễn ra liên tục, do đó năng suất kiểm định chỉ dự kiến bằng 70% năng suất tối đa, khi đó giá kiểm định tính toán là 50.000 đồng/xe/lần kiểm định. Tính ra, người dân chỉ phải trả khoảng 1.000 đồng/tuần để chung tay bảo vệ môi trường.
"Với mức giá 50.000 đồng/năm/xe sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Qua khảo sát, lấy ý kiến của người dân về vấn đề này cho thấy có tới 93% người được phỏng vấn đồng ý với mức thu 50.000 đồng. Hoạt động kiểm định khí thải xe máy mang tính chất dịch vụ vì mục đích bảo vệ môi trường nên phải có nguồn thu hợp lý để bù lại chi phí đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hao phí lao động bỏ ra", đề án của TP.HCM nêu rõ.
Mặt khác, Bộ GTVT cho biết chi phí này sẽ được bù đắp bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện. Nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là hơn 170.000 đồng/năm. Theo tính toán, nếu thực hiện kiểm soát khí thải thì người dân không những không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm trung bình được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp nhà nước tiến hành thu phí kiểm định khí thải.
Hiện tại TP.HCM có 2.209 xe buýt, trong đó gồm 546 xe điện và xe CNG, còn lại 1.663 xe sử dụng diesel, với tổng lượng phát thải CO2 là 553.299 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ mở thêm 1.108 xe, nâng tổng số xe buýt lên 3.317 chiếc vào năm 2030. Nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, ô nhiễm môi trường từ giao thông ở TP sẽ trầm trọng hơn vào năm 2030, do số lượng xe buýt tăng trên 50%.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM
Báo cáo cuối kỳ "Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" do Ngân hàng Thế giới vừa công bố chỉ rõ: Trong ngành GTVT, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông đường bộ đến nay là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85%. Quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong thải ra một lượng đáng kể các chất ô nhiễm không khí như NOx, SO2 và vật chất dạng hạt có đường kính 10 micromet trở xuống (PM10). Các khí thải này gây ô nhiễm không khí cục bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, đe dọa đến sức khỏe của người dân.
Bình luận (0)