Cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, nếu lợi thì làm
Lăng kính bạn đọc:

Đ.Huân
(tổng hợp)
29/04/2023 06:57 GMT+7

Đề xuất của Bộ Công an về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nhận được sự quan tâm của dư luận.

Như Thanh Niên thông tin, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng gửi Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án luật Căn cước (trước là luật Căn cước công dân).

Cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, nếu lợi thì làm - Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất cấp CCCD cho cả trẻ em dưới 14 tuổi

Tuyến Phan

Liên quan tới việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là chính sách mới trong dự án luật, ông Tô Lâm cho hay đây là chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua trong đề nghị xây dựng dự án luật. Theo báo cáo của Chính phủ, việc bổ sung quy định nói trên là khả thi bởi hiện đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Giải trình thêm về chi phí, lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, Chính phủ cho biết Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng nếu thực hiện quy định này, xã hội sẽ không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000 đồng/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000 đồng/sổ/1 cơ sở y tế; trung bình 1 trẻ khám 2 - 3 cơ sở y tế), thẻ BHYT (5.000 đồng/thẻ/năm), thẻ học sinh (5.000 đồng/thẻ/năm học/người)…

Chính phủ tính toán với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền mà nhà nước và xã hội phải chi cho một số ít loại giấy tờ trên là khoảng 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000 - 10.000 đồng/trang). Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000 đồng. Với 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi nếu đều có nhu cầu cấp căn cước, chi phí tốn khoảng hơn 900 tỉ đồng. Chi phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách nhà nước.

Cần quản lý tất cả bằng công nghệ

Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi nếu có lợi thì nên triển khai sớm. "Thời đại 4.0 rồi, những gì quản lý được bằng công nghệ thì nên làm, vừa tránh tình trạng thất lạc giấy tờ, vừa thuận tiện cho cán bộ nhà nước mà lại tiết kiệm được thời gian, chi phí của các bên. Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi có đầy đủ thông tin được mã hóa, trong đó có nội dung của khai sinh là sự cần thiết", BĐ Nguyễn Đức ủng hộ.

Cùng quan điểm, BĐ Hoàng Tiến ý kiến: "Tôi ủng hộ việc này và mong triển khai sớm. Thậm chí, việc khai sinh cũng cần làm hình thức điện tử, thay vì những tờ giấy mỏng manh kia. Đó là chưa kể đến trường hợp người dân bị mất giấy tờ, việc làm lại tốn rất nhiều thời gian công sức. Thời đại 4.0 rồi nên tất cả quản lý bằng điện tử là tốt nhất".

Còn BĐ Manh Nguyen viết: "Cần tích hợp các loại thẻ lại thành một mã số để thuận tiện quản lý, thay vì mỗi lần làm một loại giấy tờ nào đó phải đi photo công chứng ở nhiều nơi, như vậy rất mất thời gian mà khâu quản lý cũng khó chặt chẽ. Việc làm căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi là điều tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng cũng phải có sự sắp xếp sao cho hợp lý, tránh tình trạng để các cháu phải đổ xô đi làm theo kiểu chạy deadline".

Tích hợp mọi dữ liệu cá nhân vào căn cước

Việc tinh giản các thủ tục, tích hợp nhiều loại giấy tờ vào một mã số vừa lợi về mặt quản lý, chi phí, thời gian, được nhiều người ủng hộ. Trong đó, BĐ Lê Hiếu cũng đề nghị sớm cấp giấy khai sinh theo hình thức điện tử. "Xu hướng 4.0, vì vậy nên số hóa thông tin công dân Việt Nam từ khi khai sinh cho tới hiện tại. Việc này giúp cơ quan chức năng quản lý dễ dàng, xuyên suốt, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ...", BĐ này ý kiến thêm.

Tương tự, BĐ Phúc Nguyễn cho rằng việc khai sinh cũng cần làm hình thức điện tử vừa nhanh vừa tiện cho người dân. "Các nước khác đã đưa tất cả thông tin của công dân lên app, mỗi lần cần thì chỉ quét mã là ra. Cá nhân tôi thấy chúng ta cũng nên áp dụng hình thức này càng sớm càng tốt, vừa tiết kiệm nhân lực của nhà nước, vừa thuận tiện cho người dân", BĐ này góp ý thêm.

"Tại sao chúng ta không tích hợp mọi thứ vào CCCD để có thể làm tất cả thủ tục hành chính theo hình thức online nhỉ? Như vậy có phải dễ dàng, tiết kiệm hơn không. Chứ mỗi lần làm giấy tờ gì, ngán nhất là việc phải đi photo công chứng đủ kiểu. Mong việc này sớm được áp dụng", BĐ Quoc Thao ý kiến.

"Tất cả đưa lên app hết, đi đâu cần thì quét mã QR Code sẽ có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên, trước khi triển khai đại trà cần phải nghiên cứu thật kỹ, tránh việc thay đổi xoành xoạch vừa lãng phí, vừa phiền toái cho dân. Lực lượng công vụ cũng phải nâng cao trình độ, bảo mật thông tin để mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho người dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ban ngành cũng cần thông suốt đồng bộ... Có như vậy mới phát huy tối đa hiệu quả của việc này", BĐ Võ Đức góp ý.

* Tích hợp hết vào CCCD, sau đó từ CCCD mỗi người sẽ có một tài khoản công làm được hết các thủ tục hành chính công trực tuyến. Quá tiện!

Nguyen Thanh

* Trẻ dưới 14 tuổi hiện chỉ có giấy khai sinh hay thẻ học sinh nên vẫn cần các giấy tờ về BHYT, sổ khám chữa bệnh... Nếu có CCCD thì tích hợp hết vào đó, đỡ biết bao nhiêu.

Trúc Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.