Sáng 13.8, bác sĩ (BS) Bùi Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bé trai 22 tháng tuổi bị đinh vít găm vào phế quản.
Nguy hiểm khi trẻ chơi một mình thiếu sự quan sát của người lớn
Theo thông tin từ bệnh viện, ngày 12.8, bé trai B.C.T (22 tháng tuổi, trú Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) được gia đình đưa tới khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng mệt, khó thở, khò khè nhẹ. Người thân báo với BS Dương Văn Đoàn trực cấp cứu rằng sáng cùng ngày gia đình bận lo cúng rằm, bé T. ngồi chơi một mình, đến trưa thì phát hiện bé đã cho một dị vật bằng kim loại vào miệng ngậm. Khi đó, gia đình hoảng hốt bế cháu lên vỗ để cháu nhè ra, không ngờ càng khiến cháu sặc và nuốt luôn dị vật.
Kết quả chụp X-quang cho thấy dị vật là một đinh vít bằng kim loại dài 1,5 cm đang ở phế quản gốc bên phải, đầu nhọn hướng lên trên.
Xác định đây là ca bệnh khó, nguy cơ tai biến thủng đường thở hay rách đường thở do đầu nhọn ốc vít di chuyển gây ra, BS Đoàn hội chẩn cùng BS Vũ Trọng Tài - người trực tiếp làm thủ thuật cho bé đã cân nhắc lựa chọn phương pháp lấy dị vật. Trong thời gian 5 phút, BS Tài sử dụng ống nội soi mềm đã gắp thành công chiếc đinh ốc vít sắc nhọn mà không gây thương tổn cho đường thở. Hiện sức khỏe bé T. đang hồi phục ổn định.
Thông tin với Thanh Niên, BS Tài cho biết đây là trường hợp may mắn. Cháu bé không phải can thiệp bằng biện pháp phẫu thuật do dị vật chưa cắm thủng phế quản.
Cần làm gì khi phát hiện trẻ ngậm dị vật ?
Trước tình trạng trẻ nuốt sặc dị vật sắc nhọn rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề, BS Vũ Trọng Tài khuyến cáo:
Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt.
Các đồ vật như: đinh, ốc vít, đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa và để cao hẳn khỏi tầm tay của trẻ.
Kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên để đảm bảo các khe cắm pin đã khóa trong và an toàn.
Khi phát hiện trẻ ngậm dị vật (chưa nuốt), phụ huynh cần bình tĩnh, dỗ dành nhẹ nhàng với trẻ để trẻ tự nhè dị vật ra, tuyệt đối không được cho tay vào miệng trẻ để móc dị vật, hoặc làm trẻ hoảng hốt vì làm vậy sẽ khiến trẻ mất kiểm soát, dẫn đến nuốt dị vật.
Trong trường hợp trẻ đã nuốt dị vật hoặc có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)