Cấp cứu trầm cảm

Duy Tính
Duy Tính
29/07/2022 06:48 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM đang triển khai thử nghiệm “cấp cứu trầm cảm” ngoại viện do Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm trách. Chương trình thử nghiệm này có gì đáng lưu ý?

Chiều tối 26.7, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM tiếp nhận cuộc gọi từ một phụ nữ ở Q.Tân Phú nhờ đến đưa chồng đi bệnh viện (BV) vì nghi bị tâm thần. Chị này nói 3 ngày trước đó chồng chị bị kích động, nói rằng bị người khác ám hại, kèm theo triệu chứng mất ngủ và tấn công người xung quanh... Trung tâm cấp cứu 115 đã kết nối với BV Tâm thần. Qua trao đổi với vợ bệnh nhân (BN), phân tích chuyên môn giữa Trung tâm cấp cứu 115 và chuyên gia BV Tâm thần, bác sĩ đã chẩn đoán BN bị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời nên Trung tâm cấp cứu 115 xuất xe đến nhà BN. Khi tiếp cận BN, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia BV Tâm thần, kíp cấp cứu trấn an BN và tiêm thuốc an thần để giảm kích động, đồng thời chuyển BN vào BV Tâm thần. Đây là ca “cấp cứu trầm cảm” ngoại viện đầu tiên của Trung tâm cấp cứu 115 sau 5 ngày TP.HCM triển khai thí điểm.

Bệnh trầm cảm chiếm 10 - 12% bệnh nhân đến khám

Theo thống kê của BV Tâm thần, về khám chữa bệnh ngoại trú, năm 2019 BV Tâm thần tiếp nhận 262.383 lượt BN, trong đó có 32.414 lượt BN trầm cảm. Năm 2020 tiếp nhận 220.815 lượt, trong đó có 25.517 lượt BN trầm cảm. Năm 2021 tiếp nhận 142.099 lượt BN, trong đó có 14.598 lượt BN trầm cảm. 6 tháng đầu năm 2022, BV tiếp nhận 98.810 lượt, trong đó BN trầm cảm là 10.139 lượt. Số BN trầm cảm ngoại trú chiếm 10 - 12% theo từng năm. Hiện mỗi ngày BV Tâm thần khám ngoại trú từ 600 - 900 lượt BN, nhưng chỉ chỉ định nhập viện từ 2 - 6 ca. BV ưu tiên điều trị ngoại trú, chỉ điều trị nội trú khi bệnh nặng.

Bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần

Về nội trú, năm 2019 BV Tâm thần tiếp nhận 3.357 lượt BN, trong đó có 36 lượt BN trầm cảm. Năm 2020 là 3.066 lượt BN (trong đó 41 lượt trầm cảm), 2021 tiếp nhận 2.602 lượt BN (23 lượt trầm cảm). 6 tháng đầu năm 2022, BV tiếp nhận 1.204 lượt BN, trong đó có 7 lượt BN trầm cảm. Tỷ lệ BN trầm cảm nhập viện chiếm trên dưới 1%.

Theo BS CKII Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Tâm thần TP.HCM, trên thế giới tỷ lệ người dân bị trầm cảm là 5%; trầm cảm sau Covid-19 từ 4 - 31%. Còn tại Việt Nam, năm 2021, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết có khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Thống kê tại BV Chợ Rẫy TP.HCM, trầm cảm ở BN Covid-19 là 20%; trầm cảm hậu Covid-19 hiện chưa có số liệu. “100% BN tâm thần, trầm cảm cần phải điều trị, nhưng không phải đều nhập viện; 90% là điều trị ngoại trú”, BS Tâm thông tin.

Theo BS Tâm, trầm cảm được xếp vào nhóm bệnh rối loạn khí sắc, hoặc rối loạn cảm xúc do tác động từ bên ngoài hoặc bên trong bản thân. Đây là nhóm bệnh có tỷ lệ cao. Về mặt sinh học, trầm cảm là hiện tượng “tụt mood”, như mất cảm hứng, mất sự vui vẻ, mất hứng thú với cuộc sống. Người bệnh chán nản, mệt mỏi, suy nhược. Lứa tuổi mắc trầm cảm bắt đầu từ cuối tuổi thanh thiếu niên và tăng dần từ tuổi 20, 30, 45.

Theo BS Tâm, sau Covid-19 có những nhóm nguyên nhân khiến người dân, người bệnh dễ xảy ra tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng. Thứ nhất là nhóm rối loạn xuất phát liên quan đến dịch bệnh, hệ quả do dịch bệnh gây ra: mất tiền, mất việc, mất người thân, sốc… Đây là những rối loạn được gọi là sang chấn tâm lý, stress. Nhóm thứ 2 trước đó đã có vấn đề tâm thần, khi đại dịch xảy ra thì tâm lý bị suy sụp, tái bệnh trở lại (dù trước đó đã được điều trị ổn định), được gọi là rối loạn lo âu, trầm cảm. Với nhóm này, BN không được ngưng điều trị; giữ quan hệ điều trị bằng thuốc, tâm lý liên tục. Khi có thay đổi khí sắc, hành vi, giấc ngủ, ăn uống… ngay lập tức báo cho BS để được điều chỉnh thuốc, thậm chí thay đổi phác đồ điều trị. Nhóm người này phải được giữ trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần và có thể đến khám bất cứ lúc nào khi cần thiết.

Bên cạnh đó, còn có những nhóm người có thể sẽ khởi phát trầm cảm sau Covid-19 mà trước đó tiền sử không có, y khoa gọi là nhóm người có yếu tố nguy cơ cao, gồm: phái nữ; người có hoàn cảnh kinh tế bị bẻ gãy; người sống cô đơn, cô độc; người bị rối loạn nhân cách, nghiện chất, có bệnh lý nền…

Cần quản lý chặt người trầm cảm

BS Tâm cho biết thêm, lâu nay BN tâm thần tự đến BV hoặc các BV khác chuyển đến. Còn cấp cứu 115 là mảng mới trong cấp cứu bệnh tâm thần, trầm cảm sau Covid-19.

Theo đó, khi BN gọi tới tổng đài 115 hoặc của BV Tâm thần (số 19001267), nếu qua tư vấn, BN chưa cần thiết cấp cứu nhưng có dấu hiệu trầm cảm thì khuyến cáo phải đến BV Tâm thần khám liền, dù ngay trong đêm. Nếu nhà ở xa, có thể hôm sau đi khám, hoặc có thể đến khám tại phòng khám tâm thần ở các Trung tâm y tế quận, huyện.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần khám, tư vấn cho bệnh nhân. Khoảng 30% dân số VN có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%

DUY TÍNH

Còn nếu qua tư vấn, nhận thấy BN nặng có dấu hiệu cảnh báo (thông qua lời nói, cảm xúc, hành vi…) thì BV Tâm thần sẽ báo Trung tâm cấp cứu 115 cho xe đến đánh giá tình hình và xem có chuyển đi được không… “Người trầm cảm không dễ hợp tác. Họ không muốn vào BV điều trị tâm thần, thậm chí người nhà BN cũng không muốn đưa BN vào BV. Do đó BV phải khuyên, thuyết phục nhập viện để điều trị, nếu không sẽ có nguy cơ tự sát”, BS Tâm nói.

Đảm bảo tính pháp lý

BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho rằng nếu không chăm lo và quản lý chặt người trầm cảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội như xảy ra các hành vi tiêu cực: ngáo đá, đâm chém, đốt nhà...

Khi thực hiện cấp cứu trầm cảm ngoại viện, Trung tâm cấp cứu 115 phối hợp chặt với BV Tâm thần để đảm bảo về mặt pháp lý. Tuy vậy, BS Long cũng đặt ra một số vấn đề: “Có trường hợp gọi điện báo người nhà bị tâm thần, nhưng khi đội cấp cứu đến thì người được cho là tâm thần nói mình bình thường không đi đâu cả. Có BN bị hàng xóm phản ánh quậy phá (người đó có hồ sơ tâm thần), tuy nhiên người nhà và bản thân người bị tâm thần không muốn đi BV. Nhưng nếu không đưa BN đi BV, BN gây họa thì sao?”, BS Long nói.

Theo BS Long, các bên đang xây dựng quy trình chặt chẽ, cần đến sự hỗ trợ từ chuyên gia BV Tâm thần nhằm có hướng xử lý đúng, vừa đảm bảo cấp cứu BN, vừa bảo vệ nhân viên y tế khi tiếp cận BN đang kích động; và cả vấn đề pháp lý để bảo vệ nhân viên y tế. Điều này cũng cần sự phối hợp giữa BV Tâm thần, Trung tâm cấp cứu 115; sự vào cuộc của ngành LĐ-TB-XH, chính quyền địa phương, công an…

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình và đáng ngại nhất là thể nặng vì hầu hết người mắc chứng trầm cảm ở thể này thường sẽ tìm đến cái chết. “Cấp cứu trầm cảm” là hoạt động mới của ngành y tế TP không ngoài mục đích tiếp cận BN để chăm sóc và điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng.

Những hành vi nguy hiểm

Theo BS CKII Trần Duy Tâm, những hành vi nguy hiểm mà người tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh, cần được cấp cứu là: hành vi tự sát, gây hại cho người khác, bỏ ăn uống, tự hủy, tự hại cho sức khỏe (căng trương lực). Còn PGS-TS Tăng Chí Thượng khuyến cáo: khi phát hiện người trong gia đình hoặc đồng nghiệp, thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 hoặc số 19001267.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.