Chia sẻ lý do đi khắp nơi tại TP.HCM để vẽ bảng hiệu miễn phí cho người bán hàng rong, Phượng nói: “Trong lúc đi trên đường, mình thường thấy các cô chú bán hàng rong lớn tuổi, trên những chiếc xe nhỏ đó là những bảng hiệu cũ kỹ, mờ nhạt rất khó đọc. Hầu hết các cô chú đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập mỗi ngày cũng chỉ được 100.000 đến 200.000 đồng. Bản thân mình cũng biết chút về hội họa nên đã đi vẽ bảng hiệu miễn phí cho các cô chú với mong muốn người mua chú ý hơn, giúp họ bán đắt hàng hơn”.
Là người đồng đội chở Phượng trên khắp các nẻo đường TP.HCM để lan tỏa nét vẽ tử tế, Thịnh cho biết cái khó là phải làm sao tìm được nhân vật, có hôm chạy ngoài đường 3 đến 4 giờ đồng hồ vẫn không tìm được ai.
Theo chân cặp đôi Phượng, Thịnh để trang trí chiếc xe bột chiên cho bà Nguyễn Thị Liên Hoa (72 tuổi) trên đường Điện Biên Phủ, Q.1, TP.HCM, người viết mới cảm nhận được sự tâm huyết của cặp đôi trẻ mong muốn làm mới những gánh hàng rong. Theo bà Hoa, chiếc xe bột chiên này đã có mặt hơn 30 năm do chồng bà làm nên. Năm tháng trôi qua, chiếc xe ngày nào đã cũ kỹ nhưng vẫn đầy giá trị vì đó là kỷ niệm mà người chồng quá cố của bà Hoa để lại.
Bề mặt của chiếc xe bột chiên lâu năm bám đầy dầu mỡ, tróc sơn là một thách thức lớn đối với cặp đôi 9X. Tuy vậy, cả hai vẫn không nản chí mà nhanh chóng bắt tay vào lau chùi. Thấy những chi tiết trên chiếc xe đã bong tróc nên Thịnh đã dùng dây kẽm để cố định lại. Xong phần dọn dẹp thế là Phượng bắt tay vào vẽ trang trí.
Cô gái 9X với bàn tay điệu nghệ cứ thoăn thoắt từng nét vẽ. Bên ngoài cặp đôi miệt mài vẽ còn phía bên trong bà Hoa vẫn cứ tăng lửa cho chảo dầu chiên bột, hơi nóng hắt ra khiến cho buổi vẽ bảng hiệu của Phượng càng thêm thử thách. Hơn 4 tiếng đồng hồ, cuối cùng chiếc xe bột chiên cũ kỹ cũng đã được khoác lên mình một "chiếc áo mới" đẹp hơn.
“Thật sự đây là một bảng biển hiệu khó nhất từ trước đến giờ của mình. Mình và bạn trai chỉ bỏ ra một chút công sức nhỏ thôi nhưng tin rằng giá trị tinh thần sẽ xoa dịu được nỗi vất vả của các cô chú. Các cô chú thương tụi mình lắm, không làm được gì lớn nhưng lại nhận được quá trời tình cảm”, Phượng chia sẻ.
Phượng cho biết sử dụng chất liệu là màu sơn acrylic, bút sơn, cồn… chủ yếu là những dụng cụ sẵn có mà gen Z này hay dùng để sáng tác tranh và phục vụ công việc liên quan đến hội họa. Cô gái cho biết luôn cố gắng lựa chọn loại sơn có độ bền cao, chịu được nắng, mưa và có thể sử dụng ngoài trời tối thiểu 1 đến 2 năm.
Nhìn thấy chiếc xe bột chiên mang nhiều kỷ niệm nay được sơn sửa đẹp mắt, bà Hoa nghẹn ngào: “ Hôm qua bé Phượng có qua báo là hôm nay sẽ sơn sửa chiếc xe này, tôi cũng đồng ý nhưng không nghĩ hai đứa qua thật. Cũng tưởng là mấy con sơn lại đơn giản, ai mà ngờ lại công phu như vậy, thiệt là cảm ơn và thương tụi nó”.
Gắn bó với chiếc xe bột chiên hơn 30 năm cùng chồng nhưng biến cố lớn khiến ông qua đời vào năm ngoái. Từng rơi vào trạng thái suy sụp, không muốn làm gì nhưng bà Hoa vẫn cố vực dậy để tiếp tục bán bột chiên. Bà sợ cứ ở nhà rồi trầm cảm, thêm bệnh lại khổ con cái. Thế là mỗi ngày, chiếc xe bột chiên truyền thống sử dụng bếp dầu vẫn nổi lửa, có hôm chỉ bán được vài dĩa nhưng bà vẫn giữ gánh hàng vì ra đường cho có niềm vui lao động.
Kết thúc buổi vẽ bảng hiệu cho bà Hoa, đôi bạn trẻ nhận lại cái ôm và lời cảm ơn sâu sắc đến từ bà cụ. Cặp đôi lên xe ra về trong một buổi chiều cuối tuần thành phố nhộn nhịp và hứa hẹn hành trình vẽ hạnh phúc sẽ tiếp tục nối dài: "Vì thành phố này luôn không thiếu điều tử tế!".
Bình luận (0)