Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với nhau nhằm giành ưu thế trong việc kiểm soát mạng lưới liên lạc toàn cầu thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển.
Những tuyến cáp này là cầu nối quan trọng để truyền tải dữ liệu giữa các lục địa và chúng được coi là công cụ chiến lược giúp các bên kiểm soát duy trì sự thống trị trong kỷ nguyên số.
Ăn miếng, trả miếng
Thời gian gần đây, công ty HMN Technologies của Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên như là một thế lực trong ngành xây dựng cáp ngầm. Trong khi đó, Mỹ đã sử dụng sức ảnh hưởng đối với các đồng minh và đối tác toàn cầu để giành các hợp đồng xây lắp cáp ngầm khỏi tay các công ty Trung Quốc, theo bài viết của cây bút kỳ cựu NC Bipindra chuyên mảng địa chính trị, quốc phòng, ngoại giao của The EurAsian Times ngày 4.4.
Một trường hợp tiêu biểu là việc công ty SubCom của Mỹ hồi tháng 2 bắt đầu xây lắp tuyến cáp ngầm trị giá 600 triệu USD để truyền dữ liệu siêu nhanh từ châu Á sang châu Âu, thông qua châu Phi và Trung Đông. Tuyến cáp ngầm dài dài hơn 19.300 km có tên là Đông Nam Á-Trung Đông-Tây Âu 6, viết tắt là SEAMEWE-6.
Năm 2020, HMN Technologies (khi đó gọi là Huawei Marine với phần lớn cổ phần do Huawei nắm giữ) gần như bỏ túi hợp đồng SEAWEME-6. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ - sau khi nhận thấy nguy cơ Trung Quốc lợi dụng tuyến cáp này cho mục đích do thám - đã thực hiện chiến dịch gây sức ép lên các thành viên trong liên minh khách hàng của tuyến cáp để đưa hợp đồng về tay SubCom.
Thành viên của liên minh này gồm Microsoft của Mỹ, Orange của Pháp và 3 ông lớn của Trung Quốc gồm China Telecom, China Mobile và China Unicom, toàn bộ đều cam kết góp vốn cho dự án.
Theo The EurAsian Times, SEAWEME-6 là một trong ít nhất 6 dự án cáp ngầm tại châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ can thiệp để nẫng tay trên HMN Technologies trong 4 năm qua.
Để đáp trả, Trung Quốc được cho là đã cản trở việc lắp đặt tuyến cáp Đông Nam Á-Nhật Bản 2, trong đó công ty Meta của Mỹ là một nhà đầu tư. Tuyến cáp đi từ Singapore sang Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trước khi đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã trì hoãn việc cấp phép cho nhà thầu NEC của Nhật Bản vì lo ngại nguy cơ thiết bị do thám bị chèn trong tuyến cáp.
Mỏ vàng cho ngành tình báo
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography tại Mỹ, hơn 400 tuyến cáp ngầm đang truyền tải hơn 95% lưu lượng dữ liệu internet toàn cầu, từ email cho đến thông tin giao dịch ngân hàng, bí mật quân sự. Đây được coi là “mỏ vàng” để các tổ chức tình báo nhắm đến cho mục đích do thám, gián điệp.
“Khi ta nói về cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, khi ta nói về gián điệp và việc nắm bắt dữ liệu, cáp ngầm liên quan trong mọi khía cạnh của sự căng thẳng địa chính trị đang gia tăng đó”, Reuters dẫn lời chuyên gia Justin Sherman tại Sáng kiến nghệ thuật quản lý mạng của tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ).
Những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh trong mảng cáp ngầm nhằm chiếm ưu thế trước Mỹ. Như một phần của Sáng kiến Vành đai, Con đường, Trung Quốc đã đầu tư xây lắp các tuyến cáp ngầm từ nước này đến châu Âu và xa hơn nữa.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ hồi năm 2018 đề xuất kế hoạch xây dựng mạng lưới cáp ngầm do chính phủ tài trợ kết nối Mỹ với châu Á trước lo ngại Trung Quốc do thám thông tin liên lạc của Mỹ.
Dù kế hoạch bị dừng lại nhưng cuộc chiến cáp ngầm tiếp tục tăng nhiệt. Những năm gần đây, Mỹ ra sức thuyết phục đồng minh tránh xa các tuyến cáp ngầm do Trung Quốc xây lắp vì nguy cơ do thám.
Khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã tìm cách lẩn tránh khi bị Mỹ phát hiện?
Năm 2020, Úc thông báo sẽ tài trợ xây tuyến cáp ngầm mới nối Quần đảo Solomon với Úc, ngăn chặn nỗ lực của một công ty viễn thông Trung Quốc trong việc xây dựng tuyến cáp này.
Ông NC Bipindra nhận định cuộc chiến cáp ngầm sẽ còn tiếp tục trong những năm tới khi Mỹ và Trung Quốc tranh giành sự ảnh hưởng trong kỷ nguyên số. Khi internet trở thành công cụ ngày càng quan trọng cho mọi lĩnh vực, từ thương mại đến an ninh, việc kiểm soát các tuyến cáp ngầm có khả năng sẽ trở nên quan trọng hơn.
Bình luận (0)