(TN Xuân) Lần đầu tiên tôi "gặp" trái khổ qua rừng là trong thực đơn của một người mê văn hóa ẩm thực Bình Định cổ.
Đó là một thực đơn mà mới nghe qua cái tên đã thấy rất cuốn hút bởi nguyên liệu hầu hết là sản vật của rừng: khổ qua rừng bảy món, trà hoang trên đỉnh Cù Mông, sâm Ngọc Linh, rượu nếp uống với mật ong rừng... Một trong những món ấn tượng nhất với tôi là khổ qua rừng bởi cái vị đậm đà, đắng đót mà êm dịu chứ không đắng gắt như khổ qua thường.
|
Người đàn ông mê ẩm thực cổ ấy vốn là người làm văn hóa, chuyên sưu tầm đồ cổ, kể cả thức ăn. Với ông, những món ăn trong mâm cỗ xưa luôn có những nét đẹp văn hóa đáng trân quý. Ông bảo, các cụ ta ăn uống hài hòa âm dương và chọn lọc lắm. Ngay đến trái khổ qua làm cỗ cũng phải là loại đem từ trên rừng, trên núi về để cái dư vị ấy thấm tỏa trong lòng mỗi người, nhắc nhớ sự tôn thờ, thương quý với rừng núi thiêng liêng.
Cũng vì mọc tự nhiên, hoang dại nên dây khổ qua rừng chắt chiu từng chút, từng chút tinh túy của trời đất mỗi ngày, thành ra trái nhỏ xíu, chỉ to hơn ngón chân cái một chút. Với trái khổ qua ấy, có thể chế biến nhiều món như: gỏi, nhồi tôm thịt, kho, làm chua ngọt... Món nào cũng rất ngon, miễn là người nấu chăm chút, cố công một chút.
Để có món gỏi khổ qua rừng, cần nhiều loại nguyên liệu phối hợp. Trong đó, đơn giản nhất là thêm tai heo, tôm luộc, chút rau thơm và gia vị là đủ. Khổ qua xắt vừa chứ không mỏng như nấu canh, rửa sạch rồi ngâm nước đá cho thêm độ giòn, vớt ra để thật ráo. Tai heo luộc xắt mỏng, tôm luộc bổ đôi, rau thơm, hành hoa để sẵn. Cuối cùng là chén nước mắm pha chanh, ớt, đường, trộn đều các nguyên liệu trên. Mâm cỗ sẽ rộn ràng, tưng bừng hơn với những sắc màu rất đa dạng của món gỏi khổ qua rừng và cái bánh tráng mè đen nướng bẻ tay nghe rôm rốp vui tai.
Ông bà ta cho rằng đây là món làm thanh sạch cơ thể vì khổ qua, nhất là khổ qua rừng còn có chức năng giải độc gan, giảm mỡ máu, rất tốt cho người huyết áp cao, tiểu đường. Thêm nữa là ăn khổ qua rừng thì không phải lo nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có điều, giá khổ qua rừng khá đắt mà còn khó kiếm, nên ngay cả người xưa cũng chỉ cố công khó nhọc làm món ăn này khi họp mặt sum vầy lúc đông qua xuân đến.
Trần Thị Duyên
Bình luận