Lăng kính bạn đọc:

Cắt điện, nước đối với công trình vi phạm: Nhiều người có thể bị vạ lây

Đ.Huân
(tổng hợp)
06/09/2023 06:13 GMT+7

Việc Hà Nội đề xuất cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Như Thanh Niên thông tin, UBND TP.Hà Nội vừa báo cáo tình hình soạn thảo luật Thủ đô sửa đổi và xin ý kiến các đơn vị liên quan về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng.

Theo đó, tại điểm b khoản 2 điều 7 luật Thủ đô sửa đổi thể hiện việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thủ đô.

Cắt điện, nước đối với công trình vi phạm: Nhiều người có thể bị vạ lây - Ảnh 1.

Tòa chung cư CT6C (Q.Hà Đông, Hà Nội), cao 32 tầng và 1 tầng hầm, tổng số 438 căn hộ được xây “chui”

Tuyến Phan

Lý giải đề xuất này, Hà Nội cho biết hình thức cắt điện, nước với các công trình vi phạm trước đây được nêu trong Nghị định 180 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Xây dựng năm 2003. Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định này, gây khó khăn trong xử lý vi phạm tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước vì ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp bất hợp lý vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể. Việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính, ví dụ cắt điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, nhưng người dân cũng có lợi ích liên quan.

Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, người dân và giao dịch dân sự nên UBND TP.Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến về nội dung này. Theo kế hoạch, dự án luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6, cuối năm 2023.

Người không vi phạm cũng bị ảnh hưởng

Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng đề xuất này khó khả thi và chỉ giải quyết phần ngọn. "Việc cắt điện, nước có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người không liên quan. Ví dụ người vi phạm là bố mẹ, nhưng con cái, người già không phải là người vi phạm, nếu cắt vậy sẽ ảnh hưởng đến họ", BĐ Trần Tín băn khoăn.

Tương tự, BĐ Ngọc Phạm ý kiến: "Tôi thấy đề xuất này khó khả thi vì việc cắt điện, cắt nước sẽ làm đảo lộn cuộc sống cả nhà, cả khu chung cư trong khi người vi phạm thì chỉ có một. Cần cân nhắc kỹ!".

Còn BĐ Linh Lê viết: "Khi một công dân chưa bị pháp luật tước quyền tự do thì không nên đối xử với họ như vậy. Không thể dùng một mệnh lệnh hành chính để áp đặt vào một quan hệ dân sự. Ngừng cung cấp điện, nước trông có vẻ bất lực".

"Cách này không xử lý rốt ráo vấn đề, nhiều khi còn chồng chéo với luật khác, chưa kể có thể gây khó dễ cho bên điện lực và cấp nước vì họ ràng buộc với nhau bằng hợp đồng dân sự...", BĐ Công Tuấn lo ngại.

Vi phạm cái gì thì xử lý cái đó

BĐ M.Trang cho rằng việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng sẽ không ăn thua và không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. "Con người tạo ra thì phải xử lý con người. Chỉ có xử lý triệt để sai phạm của con người mới đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước", BĐ này ý kiến thêm.

Vi phạm thì thiếu gì cách chế tài, tại sao phải cắt điện nước.

Thùy Linh

Việc xử lý bằng cách cắt điện, nước là không hay, có thể dẫn tới các rắc rối khác, trước mắt là việc kiện tụng giữa người bị cắt dịch vụ với công ty điện lực, cấp nước. 

Anh Khoa

Cùng quan điểm, BĐ Quang Anh cho rằng: "Cắt điện, nước sẽ không xử lý được tận gốc của vấn đề, chưa kể có thể tạo ra các kẽ hở khác. Cắt nước thì họ dùng giếng khoan, cắt điện thì họ dùng năng lượng mặt trời, máy phát chạy xăng... Tóm lại, công trình sai phép thì cứ theo luật mà làm. Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ, đập bỏ, phạt thật nặng. Nếu vi phạm có tổ chức, theo hệ thống thì đề nghị công an khởi tố, điều tra xử lý hình sự, kể cả những người được giao trách nhiệm quản lý".

BĐ An Nguyễn góp ý: "Đề xuất này là đi xử lý chuyện đã rồi, vậy sao không kiên quyết mạnh tay ngay từ đầu khi có dấu hiệu vi phạm? Còn nếu chuyện đã xảy ra rồi thì cứ theo pháp luật mà thực hiện, công trình sai phạm thì cưỡng chế đập bỏ, xử lý những người liên quan".

"Tất cả mọi người đều sống và làm việc theo pháp luật, cứ căn cứ theo đó mà thực hiện. Vi phạm cái gì thì xử lý cái đó, tùy mức độ mà có hình phạt tương ứng. Vi phạm lần đầu cứ theo khung xử phạt, tái phạm thì tăng gấp đôi mức phạt. Tái phạm nhiều lần thì đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Luật càng nghiêm thì dân càng văn minh", BĐ Dũng Trần ý kiến.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.