Cắt giảm 60% điều kiện kinh doanh để kéo giảm chi phí logistics

28/10/2018 14:26 GMT+7

Bộ GTVT yêu cầu cắt giảm, đơn giản ít nhất 60% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT, kết hợp cùng nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí logistics

Bộ GTVT vừa có quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản ít nhất 60% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT; Đảm bảo tiến độ, chất lượng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ; Sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh loại hình vận tải và dịch vụ đa phương thức, đồng thời đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Các Cục, Tổng cục có nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải ở các phương thức vận tải còn lại.
Cụ thể, phải từng bước xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng, đảm bảo kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm với cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các sàn giao dịch vận tải hành khách, hàng hóa, hạn chế xe chạy rỗng.
Đối với đường sắt, cơ quan chức năng cần triển khai dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam và các ga đầu mối; Đề ra lộ trình xây dựng tuyến đường sắt nối với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Đặc biệt, phải tăng cường hợp tác để có sự thống nhất với đường sắt Trung Quốc triển khai các phương án để thông tuyến đường sắt liên vận Côn Minh - Hải Phòng.
Về lĩnh vực đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐTNĐ phối hợp với các đơn vị cải thiện tĩnh không một số cầu như: cầu Đuống, cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai để giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn; Cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải thủy vùng hồ Sơn La, Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ; Xây dựng hệ thống thông tin đường sông RIS; kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án trung tâm trung chuyển, phân phối hàng hóa, các cảng đầu mối khu vực Hà Nội và ĐBSCL.Song song với đó,nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển vận tải sông pha biển, ven biển nhằm giải tải cho đường bộ.
Đối với lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải VN được yêu cầu phối hợp với các đơn vị tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải nội địa; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) và thực hiện các giải pháp thu hút, phân luồng hàng hóa để khai thác hiệu quả khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong khi đó,cơ quan quản lý lĩnh vực hàng không được yêu cầu sớm hoàn thành, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CHK quốc tế Long Thành; Đầu tư, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất; Phát triển đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa, hình thành các trung tâm logistics hàng không.
Bộ GTVT cũng đề nghị cơ quan trực thuộc nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù cho các dự án, công trình giao thông đặc biệt quan trọng, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; Đồng thời xúc tiến đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics VN (VLA), dịch vụ logistics ở VN hiện có quy mô 20 - 22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước. Tỷ trọng này ở VN cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu (14%)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.