Cát nạo lên, tiền đổ xuống: Sông sạt lở, bờ biển thụt lùi

Đình Tuyển
Đình Tuyển
27/04/2022 07:08 GMT+7

Cùng với việc dừng xuất khẩu cát, nhà nước đã có nhiều quy định thắt chặt quản lý khai thác cát. Thế nhưng, nguồn lợi quá lớn khiến cát đang được khai thác tận diệt, bất chấp việc sạt lở gây biến dạng bờ sông, bờ biển ngày càng thụt lùi...

Lựa chọn các vật liệu khác thay thế dần cát

Theo tiết lộ của một chủ đầu tư công trình xây dựng tại TP.Cần Thơ, hiện nay, cát chính là nỗi lo lớn nhất của bất cứ công trình nào, đặc biệt là gói thầu san lấp. Nguồn cát thiếu minh bạch khiến cho nguồn cung và giá cát trồi sụt thất thường. “Có những thời điểm cơ quan chức năng tăng cường quản lý thì lượng cát khai thác giảm hẳn, nguồn cung trở nên khan hiếm, giá cát đội lên. Có lúc công trình đành phải ngưng cả tháng để chờ cát, không thể nào chủ động được”.

Xáng cạp khai thác cát trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Long và TP.Cần Thơ

Ở góc độ của một cơ quan quản lý, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), thừa nhận rất khó để thay thế cát nhưng cần có lộ trình thực hiện việc này. Thực tế, đất núi, đất gò, đất ruộng, cát biển… đều san lấp được tuy nhiên mấu chốt là chi phí cao hơn nhiều so với cát. Không chỉ chi phí vận chuyển mà khi san lấp còn phải sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật khác mới có thể đảm bảo chất lượng công trình. "Dù rất khó nhưng cần tăng cường quản lý, minh bạch. Giá cát sẽ được tính đầy đủ, bao gồm cả việc tính chi phí xử lý sạt lở. Khi đó, cát sẽ có một mặt bằng giá mới, cao hơn và tự khắc cũng sẽ có những công trình lựa chọn các vật liệu khác thay thế dần cát. Thậm chí có thể cát vẫn rẻ hơn nhưng nếu không quá chênh lệch, người ta vẫn có thể chọn vật liệu thay thế để chủ động hơn trong tiến độ, giảm tác động môi trường…”, ông Linh phân tích.

Phía đuôi cồn Sơn, người dân đã đóng một hàng cọc dài để ngăn sạt lở

Đình Tuyển

Ông Linh cũng đề xuất các tỉnh, thành ĐBSCL nên nghiên cứu tận dụng bùn, đất từ hoạt động nạo vét kênh mương bởi theo chu kỳ 10 - 15 năm, kênh mương đều cần phải nạo vét để phục vụ thủy lợi. Hiện nay, việc nạo vét được thực hiện phân tán, tốn kém thêm rất nhiều chi phí đền bù mặt bằng chứa bùn đất. “Thay vào đó ở các kênh trục lớn nên có những bãi đất lớn vài héc ta để chứa bùn đất nạo vét từ các kênh lân cận, bố trí từng khu một. Sau một thời gian, bùn đất khô đều có thể trở thành vật liệu san lấp, ít nhất cũng có thể sử dụng cho các công trình ở địa phương. Việc này không chỉ giải quyết chi phí đền bù trong nạo vét mà còn là giải pháp thay thế cát hiệu quả", ông Linh nói.

Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án khai thác cát bền vững, WWF Việt Nam, cho biết nhu cầu về cát đang tăng một cách chóng mặt, gây sức ép lên các cơ quan quản lý về sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống quản lý khai thác hiệu quả, khoa học, vừa đáp ứng được nhu cầu của phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự an toàn của con người và thiên nhiên. Đó cũng là lý do, trong khuôn khổ của dự án Quản lý khai thác cát bền vững, WWF Việt Nam đang gấp rút xây dựng một ngân hàng cát cho ĐBSCL. Việc này nhằm đo đạc mức cân bằng lượng cát giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và lượng cát mất đi do khai thác với lượng cát đổ ra biển từ các nhánh chính sông Tiền và sông Hậu cho năm 2022 với tầm nhìn giai đoạn từ nay đến năm 2030 và 2050. Kế hoạch này dự kiến sẽ giúp xác định được những khu vực phải hạn chế/cấm khai thác cát để tránh gây sạt lở bờ sông và xác định được lượng cát có thể khai thác mà không gây những hệ lụy đối với hình thái sông, môi trường và sinh kế của người dân đối với những khu vực lượng cát còn nhiều. “Nói cách khác, các kết quả của hai hoạt động quan trọng này sẽ cho chúng ta biết nên khai thác ở đâu và khai thác bao nhiêu để có thể duy trì được sức khỏe của các con sông, đồng thời đáp ứng được một phần nhu cầu vật liệu cát cho ngành xây dựng”, ông Anh nói.

Mỗi năm mất 600 ha đất ven sông, biển do sạt lở

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, nhận định đối với các vùng châu thổ có tuổi địa chất rất non trẻ như ĐBSCL thì cát có vai trò rất lớn trong việc hình thành hình hài cho nền móng vùng đồng bằng. Nếu xem vùng ĐBSCL như một cơ thể sống thì cát được ví như bộ khung xương; sông rạch như các mạch máu và đất đai - hệ sinh thái được xem là da thịt và diện mạo của cơ thể đồng bằng. “Một cơ thể thiếu bộ khung chắc chắc thì dễ sụp đổ và khó chống đỡ do những tác lực khác nhau”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, lượng cát đang có ở ĐBSCL là nhờ sự tích lũy cát bồi đắp từ thượng nguồn Mê Kông trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. “Nếu khai thác quá mức so với bồi hoàn, lòng dẫn bị khoét sâu nhanh hơn tốc độ bồi đắp thì việc bờ sông mất ổn định, sạt lở gia tăng là điều dễ hiểu”.

Ông Hà Huy Anh cho biết một nghiên cứu gần đây của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) nhận định rằng, cân bằng cát ở ĐBSCL đang bị thâm hụt trầm trọng. Hằng năm chỉ có khoảng 7 triệu tấn cát đổ về từ thượng nguồn trong khi đó lượng cát mất đi bao gồm khai thác mỗi năm khoảng 28 triệu tấn cộng với khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra biển qua các cửa sông.

Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện thì quan ngại: hiện nay, cát chỉ được xem là vật liệu xây dựng và cấp phép theo địa giới hành chính là cách nhìn hạn hẹp. Cát còn có vai trò duy trì lãnh thổ. Việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần “liên kết vùng”, xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng, kể cả bờ sông và bờ biển. “Nếu mỗi địa phương cứ tiếp tục khai thác cát tận thu như hiện nay thì tương lai bản đồ địa lý ĐBSCL có thể thay đổi bởi bờ sông sạt lở biến dạng, bờ biển sạt lở thụt lùi”, ông Thiện nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, hơn lúc nào hết, ĐBSCL cần phải tính đến việc hạn chế khai thác cát để giảm sạt lở. Bởi cát có thể đang mang lại lợi ích rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác nó nhưng việc mất đất ven sông, ven biển do sạt lở ước tính hơn 600 ha/năm là những thiệt hại không thể phục hồi.

Cùng một dòng sông nhưng các địa phương chưa có tiếng nói chung

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho biết, cùng với việc dừng xuất khẩu cát, nhà nước cũng đã có nhiều quy định tăng cường quản lý việc khai thác. Thế nhưng trên thực tế, khi nhu cầu về cát càng lớn thì việc quản lý, khai thác cát bền vững, hạn chế tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân là bài toán vô cùng nan giải.

Ngay ở ĐBSCL, cùng một dòng sông nhưng các địa phương chưa có tiếng nói chung. Mỗi nơi đều xem cát là nguồn lợi tài nguyên và cấp phép tận thu dù tác động môi trường ảnh hưởng đến cả hệ thống sông ở đồng bằng. Chẳng hạn trong cấp phép khai thác, Cần Thơ hiện chỉ còn 3 mỏ khai thác thì Vĩnh Long có 37 mỏ, Đồng Tháp 19 mỏ, An Giang 11 mỏ và 7 khu vực nạo vét… Chưa kể hoạt động khai thác cát lậu diễn ra khắp các tỉnh, thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.