'Cát tặc' đe dọa cầu Mỹ Thuận: Kiểm tra, xử lý nghiêm

29/04/2022 07:07 GMT+7

Nhiều năm liền tỉnh Tiền Giang không cấp phép mỏ cát nào trên sông Tiền, trong khi đó để tránh chồng lấn vùng hoạt động, Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang không cử lực lượng tuần tra kiểm soát.

Mặc dù “cát tặc” hoành hành không riêng đoạn chân cầu Mỹ Thuận trong nhiều năm nay, nhưng việc xử lý của các địa phương rất hạn chế.

Kinh hoàng cảnh “cát tặc” rầm rộ hút cát trộm gần chân cầu Mỹ Thuận

Không kiểm tra phương tiện vì sợ chồng lấn “vùng hoạt động"

Theo chức năng, nhiệm vụ, để xử lý nạn khai thác cát trái phép trên sông Tiền, từ cấp xã đến tỉnh đều có các bộ phận, phòng ban, sở ngành và lực lượng công an, thanh tra giao thông đường thủy... Đơn vị quản lý cầu Mỹ Thuận cũng đã có văn bản “cầu cứu” UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.

Cụ thể, ngày 25.4, ông Hà Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã gửi văn bản đến UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang về việc hỗ trợ kiểm tra, xử lý tình trạng hút cát lòng sông Tiền trong phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu, gây nguy hiểm đến an toàn cầu Mỹ Thuận.

Khai thác cát trộm trên sông Tiền gần chân cầu Mỹ Thuận

THANH NIÊN

Theo báo cáo của Chi cục QLĐB IV.4, đơn vị quản lý cầu Mỹ Thuận đã kiểm tra và phát hiện một số sà lan thường xuyên lén lút tổ chức hút cát vào ban đêm dưới lòng sông Tiền, vị trí hút cách cầu Mỹ Thuận khoảng 50 - 100 m (nằm trong phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu Mỹ Thuận).

Mặc dù trong tháng 1.2022 sự việc trên đã được các đơn vị chức năng của Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra xử lý, tuy nhiên trong thời gian gần đây tình trạng khai thác cát như trên vẫn tiếp tục tái phạm. Hành vi này rất nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sự ổn định trụ cầu và sự an toàn của cầu, nguy cơ xói lở lòng sông và bờ sông khu vực cầu Mỹ Thuận; vi phạm Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Để đảm bảo an toàn, bền vững công trình cầu Mỹ Thuận, Cục QLĐB IV đề nghị UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang có ý kiến đến các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm minh, triệt để hành vi của chủ các phương tiện sà lan khai thác, hút cát lòng sông Tiền.

Nhưng vì sao “binh đoàn” sà lan vẫn khai thác cát trái phép như chốn không người? Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết từ nhiều năm nay, đơn vị đã không tuần tra, kiểm tra phương tiện cũng như hoạt động khai thác cát xung quanh khu vực cầu Mỹ Thuận. Bởi tại khu vực này đã có lực lượng Thủy đoàn II (Cục CSGT Bộ Công an) đóng quân.

Bên cạnh đó, phía Thủy đoàn II cũng đã có công văn thông báo về khu vực hoạt động của đơn vị, trong đó có khu vực từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Rạch Miễu (địa phận TP.Mỹ Tho). Do đó, để tránh chồng lấn vùng hoạt động, tránh nhũng nhiễu các phương tiện lưu thông nên Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang đã không cử lực lượng tuần tra kiểm soát lên khu vực cách cầu Mỹ Thuận nhiều ki lô mét.

Đề nghị PV cung cấp chứng cứ để xử lý nghiêm

Ngày 28.4, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không cấp phép cho bất kỳ mỏ cát nào, mặc dù hiện nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng của địa phương đang rất lớn; nguồn cung vật liệu cát, sỏi đang rất khan hiếm.

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng khai thác cát lén lút tại khu vực chân cầu Mỹ Thuận, ông Vĩnh đề nghị PV cung cấp những chứng cứ liên quan đến hành vi hút cát trái phép trên sông Tiền (đoạn thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Công an H.Cái Bè, Sở TN-MT kiểm tra, xử lý nghiêm để chấn chỉnh kịp thời.

Lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, trong đó có cát lòng sông hiện quy định trách nhiệm rất rõ ràng.

Đặc biệt, Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29.9.2020 đã chỉ rõ: lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép tại địa bàn.

Không những vậy, UBND các tỉnh, thành sẽ phải rà soát lại khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông, các dự án nạo vét, ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định. Phải dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.