'Cát tặc' ở đâu ra ?

25/08/2022 05:20 GMT+7

Sự tồn tại dai dẳng của “cát tặc” khiến dư luận không khỏi đặt vấn đề: Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đều có dấu hiệu của sự bảo kê và buông lỏng quản lý nhà nước từ cơ sở không?

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt phóng sự về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở các huyện: Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã có những chỉ đạo yêu cầu ngăn chặn kịp thời. Kế đến, ngày 22.8, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo, đại diện các cơ quan chức năng các huyện trên để chấn chỉnh và bàn giải pháp chặn đứng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tham dự cuộc họp còn có Công an tỉnh, Sở TN-MT và các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, kể cả những cuộc kiểm tra bất ngờ, không báo trước ở tất cả các địa bàn của tỉnh.

Khai thác cát trái phép ở H.Hàm Tân, Bình Thuận

Q.H

Lãnh đạo các địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản. Nếu còn để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì bí thư, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo công an các huyện, nhất là các huyện đang có điểm “nóng” về khai thác khoáng sản trái phép phải tăng cường tuần tra. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện thành lập các chốt kiểm soát để chặn đứng tình trạng “cát tặc”. Mặt khác, công an tỉnh yêu cầu công an các địa phương tham mưu cho UBND huyện theo hướng bắt buộc chủ tịch UBND cấp xã phải ký cam kết với huyện không để xảy ra “cát tặc” ở địa phương mình. Nếu còn tái diễn tình trạng này thì phải chịu kỷ luật, hoặc chuyển công tác.

Kinh hoàng cảnh “cát tặc” “xẻ thịt” rừng tràm lấy cát ở Hàm Tân

Không chỉ loạt bài nêu trên mà trước đó, Báo Thanh Niên từng nhiều lần phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Bình Thuận. Mỗi lần như vậy, tỉnh đều có những chỉ đạo, xử lý rất “gắt”. Nhưng không hiểu sao tình trạng “cát tặc” vẫn không giảm?

Phải khẳng định rằng lợi nhuận từ khai thác khoáng sản trái phép là rất lớn. Do vậy, không riêng Bình Thuận, mà nhiều nơi khác cũng có “cát tặc”. Chính sự tồn tại dai dẳng của “cắt tặc” mà dư luận không khỏi đặt vấn đề: Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đều có dấu hiệu của sự bảo kê và buông lỏng quản lý nhà nước từ cơ sở không? Nếu không, “cát tặc” ở đâu ra?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.