Trước đó, công ty này có đề nghị được tổ chức hội nghị, tặng quà sản phẩm thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã đồng ý, có văn bản giới thiệu tới các địa phương về hoạt động này với lưu ý “chỉ được phép giới thiệu quảng bá sản phẩm”.
Những hộp sữa mà người dân vừa mua hôm 19.8 nhưng chưa thể kiểm chứng chất lượng |
THANH LỘC |
Nhưng thực tế, ngày 19.8, tại Trạm y tế xã Hải Quế (H.Hải Lăng), nhiều người lớn tuổi đã được phát giấy mời đến để được tư vấn, khám bệnh miễn phí. Tin tưởng hội thảo được ngành y tế thông qua, nhiều người đã mua 4 hộp sữa với giá 2 triệu đồng. Sau khi mua, người nhà lo ngại về chất lượng sản phẩm và thấy hội thảo thực hiện không đúng cam kết, nên đã có ý kiến. Ngay sau đó, đơn vị tổ chức hội thảo liền rời đi.
Xin chưa bàn đến chất lượng sản phẩm nêu trên như thế nào, mà chỉ xét về cách bán hàng “núp bóng” hội thảo và đối tượng hướng đến là người già, đã gây ra nhiều lợn cợn…
Thực ra, sự việc này là không mới, mà chỉ là “một biến thể” của chiêu phát giấy mời người dân đến nhận quà khuyến mãi, quà tri ân nhưng sau đó lại bán hàng (thường là hàng kém chất lượng). Khi người dân chợt nhận ra thì không còn thấy doanh nghiệp (DN) vừa xuất hiện hào nhoáng trên sân khấu ở đâu nữa. Họ, những người lâm cảnh tiền mất tật mang, chủ yếu người già, phụ nữ… là những người yếu thế trong xã hội, sinh sống ở nông thôn.
DN muốn chinh phục người tiêu dùng, trước hết phải hoạt động một cách minh bạch, tử tế. Còn nếu vẫn cố không làm… DN tử tế thì cơ quan chức năng, chính quyền cần phối hợp để cùng lúc có những giải pháp mạnh tay, trừng phạt đích đáng, thay vì ra những văn bản “tạm dừng” hay chỉ là những động thái khơi khơi cảnh báo…
Với người tiêu dùng, hãy biết sử dụng “quyền lực” tối thượng của mình bằng cách nói không với hàng kém chất lượng, không tự biến mình thành con mồi của cách bán hàng thiếu minh bạch ấy!
Bình luận (0)