Cát về ĐBSCL chỉ còn 30% so với 20 năm trước

07/11/2023 09:33 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, lượng cát về các con sông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay chỉ còn 30% so với 20 năm trước.

Sáng 7.11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập tới tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở, ảnh hưởng tới môi trường.

Theo đại biểu, khai thác cát trái phép ảnh hưởng thì rõ rồi, nhưng ngay cả những mỏ được cấp phép cũng gây ảnh hưởng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (trái) và Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

GIA HÂN

Ông Hòa dẫn chứng tại khu vực ĐBSCL, khi các địa phương như Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long đã bàn giao mỏ cát cho các chủ đầu tư để chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình cao tốc.

Vị đại biểu đặt tình huống giấy phép cho khai thác xuống lòng đất 10 - 20 m nhưng chủ đầu tư có thể khai thác 30 - 40 m; việc khai thác diễn ra dưới lòng đất, rất khó để kiểm tra, xác minh, làm rõ. "Như vậy làm sao không có tình trạng sạt lở được", ông Hòa nói.

Vẫn theo ông Hòa, cát ở ĐBSCL hiện nay hiếm, nhưng không phải là không còn. Tuy vậy, việc xây dựng đường cao tốc dự kiến sẽ sử dụng 54 triệu m3 từ nay đến năm 2030. Số lượng như vậy là quá lớn, chưa kể nguồn cát để người dân sử dụng dân dụng.

Xuất phát từ lo ngại này, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc hạn chế khai thác cát là cực kỳ quan trọng, đồng thời phải thực hiện nghiêm khai thác đúng với đánh giá tác động môi trường. "Phải làm sao hạn chế khai thác cát đến mức thấp nhất ở ĐBSCL thì tình trạng sạt lở mới được cải thiện, người dân mới yên lòng", ông Hòa nêu quan điểm.

Chất vấn bộ trưởng về khai thác cát ở ĐBSCL: Xây cao tốc sử dụng 54 triệu m3 cát là 'quá hớp'

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho hay, theo đánh giá của cơ quan quản lý, lượng cát về các con sông thuộc khu vực ĐBSCL hiện nay chỉ còn 30% so với năm 2003 (tức 20 năm trước). Nguyên nhân do thượng nguồn xây dựng hệ thống các đập và công trình liên quan.

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động khai thác cát trái phép.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, việc quản lý khai thác cát hiện nay được phân cấp cho địa phương. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ đánh giá lại về hệ thống trữ lượng cát của ĐBSCL, đồng thời hỗ trợ địa phương kiểm tra, giám sát việc quản lý khai thác.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương cũng cần rà soát tổng thể, đánh giá, có biện pháp không để xảy ra tình trạng khai thác lậu ở các dòng sông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.