Ai sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ cắt viện trợ sau nghị quyết LHQ về Jerusalem?

23/12/2017 07:48 GMT+7

Mỹ đã hứng chịu “thảm bại” trong phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bất chấp Tổng thống Donald Trump trước đó dọa rút viện trợ những thành viên bỏ phiếu chống Mỹ.

Ai Cập đã kêu gọi bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau khi Mỹ với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo An đã phủ quyết dự thảo nghị quyết về Jerusalem do Cairo đề xuất, trong khi toàn bộ 14 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ.

“Chúng tôi đang theo sát cuộc bỏ phiếu”, Reuters dẫn phát biểu của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào ngày 20.12. “Họ nhận hàng trăm triệu và thậm chí hàng tỉ đô la để rồi họ bỏ phiếu chống chúng tôi... Cứ để họ chống. Mỹ sẽ tiết kiệm được nhiều tiền”, ông nói.

Cuối cùng, kiến nghị vẫn được thông qua với 128 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21.12 tại thành phố New York.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là Mỹ có thực sự “trả đũa” những nước phản đối mình hay không? Và những chính phủ nào dễ bị tổn thất nhất nếu Washington thực sự dùng đến sức ép kinh tế?

Ngân sách viện trợ quân sự khổng lồ

Một trong những quốc gia nhận viện trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ lại chắc chắn sẽ không chịu tổn thất nào, vì đó chính là Israel, nước đương nhiên đứng về phía Mỹ trong cuộc bỏ phiếu ngày 21.12.

Vào năm 2016, Tel Aviv nhận được 3,1 tỉ USD từ đồng minh, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Chỉ có Afghanistan và Iraq, nơi Mỹ can thiệp quân sự lần lượt từ năm 2001 và 2003, là hai nước nhận viện trợ quân sự từ Mỹ nhiều hơn Israel.

Ai Cập là quốc gia nhận được viện trợ quân sự đáng nể từ Mỹ Reuters

Nước thứ tư trong danh sách được viện trợ quân sự nhiều nhất từ Mỹ lại là cái tên “nhạy cảm”:  Ai Cập (1,1 tỉ USD). Chính quyền Cairo cũng là bên thúc đẩy LHQ lên án quyết định Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Nguồn tài chính từ Mỹ chiếm đến 20-25% tổng số ngân sách quốc phòng của Ai Cập trong những năm gần đây, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

Tuy nhiên, Mỹ lại khó cắt viện trợ cho quân đội Ai Cập, thế lực đang lãnh đạo nước này kể từ cuộc đảo chính vào năm 2013. Mỹ đã đổ tiền vào Ai Cập sau khi Cairo ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979, và quốc gia Bắc Phi từ đó đến nay luôn đóng vai trò then chốt đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ tại khu vực.

Hỗ trợ phát triển nước ngoài

Cắt viện trợ quân sự có lẽ là đòn trả đũa nặng nhất của Washington, nhưng lại rất khó khả thi. Lý do nhìn chung Mỹ chỉ chi viện trợ quân sự lớn cho các nước đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của chính nước Mỹ, như Iraq, Ukraine hoặc Pakistan.

Trong khi đó, hỗ trợ phát triển nước ngoài, như các khoản thông qua USAID, sẽ là mục tiêu dễ bị cắt giảm hơn, dù biện pháp này có thể gây nên ảnh hưởng tiêu cực cho các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ, những đối tượng đang dựa vào các dự án được triển khai từ hoạt động hỗ trợ của USAID.

Trong top 10 nhận hỗ trợ tài chính nhiều nhất theo diện USAID vào năm 2016, có nhiều nước ở châu Phi, bao gồm Ethiopia, Nam Sudan, Kenya, Nigeria và CHDC Congo (DRC). Và khác với những quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, nhóm này được cho là khó về phe với Palestine.

Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ rút khỏi châu Phi, đây sẽ là dịp để Trung Quốc tăng cường khuếch trương ảnh hưởng sau thời gian đổ tiền vào khu vực này. Hiện Bắc Kinh đang lăm le thay chân Washington trở thành nhà viện trợ chính của thế giới đang phát triển, theo dữ liệu của AidData.

Nick Bisley, giáo sư về quan hệ đối ngoại của Đại học La Trobe (Úc), nói bất kỳ động thái cắt giảm hỗ trợ nước ngoài của Mỹ sẽ mang đến cơ hội vàng cho Trung Quốc.

“Nếu (Washington) thực thi lời đe dọa trên, các nước bị cắt viện trợ có thể tìm đến Bắc Kinh”, giáo sư Bisley nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.