Cát của ai?

Đình Tuyển
Đình Tuyển
23/08/2023 04:11 GMT+7

Ở khắp miền Tây, ngay ở những mỏ cát có giấy phép khai thác thì các hoạt động của giới chủ mỏ vẫn luôn là một bí ẩn với cộng đồng.

Có rất ít dữ liệu công khai cho phép cộng đồng dân cư giám sát hoạt động khai thác cát. Người dân không thể tiếp cận, giám sát trữ lượng khai thác cát của các mỏ, càng không thể biết được lợi nhuận của họ là bao nhiêu, nguồn lợi nhà nước thu được là bao nhiêu. Với cư dân vùng sạt lở - những người luôn phản đối khai thác cát, cách duy nhất để họ giám sát hoạt động này là bằng mắt của mình. Mỗi khi thấy xáng cạp móc cát gần bờ, họ chỉ biết chạy ra la lên xua đuổi. Nhiều nơi, người dân biết rõ chiêu trò gian lận của mỏ cát, nhưng họ không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.

Giữa những xung đột chưa bao giờ nguôi ấy, vụ Giám đốc Sở TN-MT An Giang bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc câu kết với doanh nghiệp khai thác trái phép hơn 3,2 triệu m3 cát đã phần nào hé lộ những góc tối trong ngành công nghiệp khai thác cát.

Góc tối đầu tiên là hoạt động khai thác cát bỗng dưng cầm chừng, "ngoan hiền" đến lạ thường. Kéo theo đó là phản ứng của thị trường, nguồn cung cát khan hiếm, khiến giá cát đội lên chót vót. Người dân, công trình đỏ mắt tìm cát. Câu hỏi đặt ra là phía sau hiện tượng khan hiếm cát này là gì? Liệu có phải khi các mỏ cát khai thác đúng với công suất, trữ lượng trên giấy phép thì nguồn cung bị bó hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường? Thực tế là lâu nay, chuỗi cung ứng cát ở ĐBSCL đã vận hành với một cán cân chênh lệch rất lớn giữa nguồn cung tính theo con số cấp phép và nhu cầu của xã hội.

Giờ đây, việc thắt chặt quản lý khai thác cát ở An Giang chắc chắn sẽ có tác động củng cố nguồn cát cung cấp cho các tuyến cao tốc, các công trình trọng điểm đang thi công ở miền Tây.

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện rộng hơn, với những công trình nhỏ lẻ, dân dụng lại là câu chuyện rất khác. Trong khi khung giá tính thuế tài nguyên quy định giá cát san lấp tại mỏ thấp nhất 56.000 đồng/m3 thì giờ đây, người dân ĐBSCL muốn có cát để xây nhà phải tìm mua với giá 320.000 - 380.000 đồng/m3, cao hơn 100.000 đồng so với tháng trước. Biến động giá này lại tác động đến người dân đầu tiên.

Sai phạm liên quan đến cát ở An Giang cũng đã phần nào chỉ ra rằng, khâu quản lý khai thác cát ở ĐBSCL hiện còn quá nhiều bất cập, nặng về hình thức từ khâu thăm dò, đánh giá trữ lượng cho tới cấp phép và quản lý khai thác, buôn bán, vận chuyển. Chưa kể, cùng một dòng sông, nhưng các địa phương không có tiếng nói chung. Mỗi nơi đều xem cát là nguồn lợi tài nguyên và cấp phép tận thu, thiếu đi cơ chế quản lý liên vùng, xem xét tác động trên bình diện toàn đồng bằng.

Với người miền Tây, vụ bắt cát lậu rúng động ở An Giang bỗng mang lại niềm tin rất lớn rằng, công tác quản lý khai thác cát sẽ được chấn chỉnh mạnh mẽ ở cả khu vực. Bởi lẽ, với vùng châu thổ ĐBSCL, cát đâu chỉ là vật liệu chiến lược phục vụ sự phát triển đất nước, khu vực mà cát còn là "da thịt" bồi đắp, kiến tạo nên đồng bằng. Các mỏ cát là tài nguyên quốc gia, không phải là "kho báu" cho những nhóm lợi ích mặc sức thao túng, trục lợi. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.