Câu 285 của Truyện Kiều

15/07/2018 07:12 GMT+7

Câu 285 của Truyện Kiều đã được nhiều nhà phiên âm đọc là Tấc gang động khóa nguồn phong, trong đó có Đào Duy Anh, tại phần 'Văn bản Truyện Kiều' của Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, ảnh).

Trong phần từ điển ông đã viết rõ: “Động tỏa là cửa động khóa kín, nguyên phong là nguồn nước bọc kín, tức không có lối vào được chỗ động tiên, chỗ nguồn đào (Bùi Kỷ phiên là đồng tỏa nguyên phong mà giảng là cái khóa đồng cứ khóa mãi, thì sai). Theo Nguyễn Khắc Hiếu, phiên động khóa nguồn phong là đúng cách phiên chữ Nôm, chúng tôi theo thế”.
Đào Duy Anh khẳng định Nguyễn Khắc Hiếu phiên đúng cách phiên chữ Nôm chứ thực ra các văn bản Nôm có thể chứa nhiều từ, ngữ của tiếng Hán, mà riêng Truyện Kiều thì cũng có không ít: bỉ sắc tư phong (câu 5), giải cấu tương phùng (câu 159), quả kiếp nhân duyên (câu 201), tú khẩu cẩm tâm (câu 208), ngộ biến tòng quyền (câu 600)... Còn cấu trúc hai tiếng thì nhiều lắm. Huống chi lập luận của ông cũng không có sức thuyết phục. Ông cho biết “động tỏa” là “cửa động khóa kín”, “nguyên phong” là “nguồn nước bọc kín”, mặc nhiên xem đó là tiếng Hán, để kết luận rằng Nguyễn Khắc Hiếu phiên “động khóa” và “nguồn phong” là “đúng cách phiên chữ Nôm”. Nhưng Nguyễn Du đâu có dùng “động khóa” để dịch “động tỏa” và “nguồn phong” để dịch “nguyên phong” vì “nguyên phong” và “động tỏa” đâu có phải là những cấu trúc cố định - nghĩa là sẵn có - như bao nhiêu cấu trúc khác có thể thấy trong Truyện Kiều: phong tình, viên ngoại, gia tư, cốt cách, tinh thần, thu thủy, xuân sơn... Mà trong thực tế thì ta cũng không thể tìm ra hai cấu trúc “động tỏa” [峒鎖] và “nguyên phong” [源封] của Đào Duy Anh và nhiều nhà phiên âm khác trong bất cứ nguồn thư tịch nào. Chứ bốn chữ của Nguyễn Khắc Hiếu thì chính cống là tiếng Hán, như sẽ thấy ngay dưới đây.
Dù các bản Nôm có khắc những chữ đang xét như thế nào thì tự dạng của chúng cũng quy về bốn chữ đồng tỏa nguyên phong [銅鎖原封]. Trong khi ta không tìm ra được hai cấu trúc “động tỏa”
[峒鎖] và “nguyên phong” [源封] trong bất cứ nguồn thư tịch nào thì đồng tỏa [銅鎖] và nguyên phong [原封] có thể được tìm thấy một cách dễ dàng. Đồng tỏa [銅鎖] thì dĩ nhiên là cái ống khóa bằng đồng còn nguyên phong [原封] là hai chữ đầu của thành ngữ nguyên phong bất động [原封不動], có nghĩa là “còn giữ nguyên như lúc ban đầu”. Tấc gang đồng tỏa nguyên phong là chiếc ống khóa bằng đồng vẫn còn khóa chặt chứ không suy suyển tấc gang nào.
Đào Duy Anh đã rất sai khi viết: “Động tỏa là cửa động khóa kín, nguyên phong là nguồn nước bọc kín, tức không có lối vào được chỗ động tiên, chỗ nguồn đào”. Thực ra, đây chỉ là cảnh cửa đóng then cài của cơ ngơi nhà Vương ông trước con mắt của Kim Trọng mà thôi. Ông càng sai khi khẳng định: “Bùi Kỷ phiên là đồng tỏa nguyên phong mà cắt nghĩa là cái khóa đồng cứ khóa mãi, thì sai”. Thực ra thì Bùi Kỷ đã hoàn toàn đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.