Bộ sưu tập Nguyễn Du và truyện Kiều 'khủng' gần 800 cuốn quý giá của thầy Khánh

31/12/2017 13:33 GMT+7

Cả bộ sưu tập đồ sộ được chủ nhân trân trọng và gìn giữ trong 3 chiếc tủ lớn đặt tại thư phòng rộng khoảng 12 mét vuông.

Bộ sưu tập Kiều (sách về Nguyễn Du và Truyện Kiều) với 720 cuốn, cuốn cổ in năm 1875, 1884, 1915,… cuốn mới nhất in năm 2017.
Người sở hữu bộ sưu tập này là một người thầy nổi tiếng với nghiệp dạy Văn, vang danh khắp xứ với những bài giảng hay lấy nước mắt của các cô cậu học trò, nhất là về “Đoạn trường tân thanh”… Và chỉ cần về đến TT. Hưng Hà, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) hỏi đến thầy "Khánh Văn" thôi thì ai ai cũng biết, bởi người người đều có con em là học trò của thầy.
Thầy tên là Vũ Văn Khánh (50 tuổi), giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bắc Duyên Hà, hiện đang cư ngụ tại Khu nhân cầu II, TT. Hưng Hà.
Từ Hà Nội men theo con sông mẹ của Đồng bằng sông Hồng (thuộc địa phận Hưng Yên) khoảng 110km, tôi tìm về gặp thầy. Lúc 10 giờ trưa, thầy vội rót chén trà mời tôi uống rồi vội vàng lấy xe đạp đi đón cô con gái út mới học lớp 5 trong tiết giá lạnh của buổi giữa đông.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân” 
Thầy Khánh sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo ở làng Vẹ, xã Văn Lang (huyện Hưng Hà). Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng thầy vẫn được ăn học, và là người con duy nhất trong gia đình được học đại học, thầy tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1989.
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 1
Nhà của thầy Khánh Văn nằm giản dị và khiêm tốn tại một góc nhỏ của Khu nhân cầu II, TT. Hưng Hà
Chia sẻ với Báo Thanh Niên về thú chơi sách của mình, thầy kể, thầy vốn thích đọc sách và sưu tầm sách từ nhỏ, điều này duy trì cả đến khi thầy học đại học. Nhưng thuở ấy việc sưu tầm còn mang tính chất tự phát, gặp và thích thì mua chứ chưa có những hiểu biết sâu sắc về thú chơi sách. Các sách thầy sưu tầm thường liên quan đến các lĩnh vực: văn học, lịch sử, văn hóa, triết học… Hiện nay, trong tủ sách nhà thầy có khoảng 5.000 cuốn sách (chia đều ra 5 tủ sách).
“Thầy đến với Truyện Kiều như một cái duyên, rồi từ cái duyên mà thành cái nghiệp”, thầy Khánh mở đầu câu chuyện. Năm 1989, thầy có vinh dự được làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài: “Định hướng và định lượng kiến thức trong dạy và học về Nguyễn Du và Truyện Kiều”. Trong quá trình nghiên cứu, đi sưu tầm tài liệu, thầy có gặp một cụ già bán sách cũ và trò chuyện với cụ về Truyện Kiều (Nguyễn Du). Cụ đọc sách giáo khoa Văn học lớp 9 (chương trình cũ), ở trích đoạn Kiều gặp Kim Trọng có câu “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, người biên soạn sách giáo khoa có giải thích “phong nhã” có nghĩa là “tao nhã, lịch sự”, như vậy là chưa ổn. Bởi theo cụ, “phong, nhã, tụng” là 3 phần của Kinh Thi. Do đó, nói “phong nhã” là có ý nói người đã học đến Kinh Thi, tức là người có văn hóa, và như thế “phong nhã” ở đấy là có ý nói về cái tố chất ở bên trong chứ không phải bên ngoài của con người.

Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 2
Cuốn Thư mục “Bộ sưu tập về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm ‘Truyện Kiều’” được thầy Khánh làm cách đây hai năm với mục đích giúp cho việc tra cứu… Hiện trong thư mục mới có 400 cuốn, còn 320 cuốn còn lại thầy sẽ bổ sung sau
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 3
Phòng làm việc, phòng đọc sách, phòng chứa bộ sưu tập Kiều của thầy Khánh – bộ sưu tập được chia ra đựng ở 3 tủ sách
Cách giải thích này của cụ khiến cho thầy tò mò và hứng thú. Thầy nảy ra ý định đi tìm những bản Kiều khác nhau. Vấn đề đặt ra là: Truyện Kiều có bao nhiêu bản và các bản đó khác nhau như thế nào?
Và phải cách đó thêm 16 năm, đến tận năm 2005, lúc đã lấy vợ và có một cô con gái (sinh năm 2000) thì thầy mới có điều kiện tập trung tâm huyết cho việc sưu tầm.
Cho tới nay, sau khoảng 12 năm sưu tầm sách, số sách Kiều mà thầy sở hữu đã lên tới 720 cuốn về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, trong đó có cả sách xưa, sách cũ và sách mới. Điều đặc biệt là có những cuốn bàn về cây cảnh, cây thuốc trong Truyện Kiều; có những cuốn bàn về nhà ở, phong thủy trong Truyện Kiều; có những cuốn Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng: tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tiệp, tiếng Bungari, tiếng Nhật,… Để tiện cho việc tra cứu Kiều, thầy có làm thêm một thư mục ảnh về sách Kiều dày 50 trang với 400 cuốn, hiện vẫn đang được tiếp tục bổ sung.
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 4
Hai tủ sách này, phần lớn đựng những bản Kiều mới
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 5
Tủ sách này phần lớn đựng những bản Kiều cổ và quý, trong đó điển hình như các bản xuất bản năm 1875, 1884, 1917, 1926, 1941,…
Cầm cuốn sách trên tay như bắt gặp một số phận
Khi mới bắt đầu sưu tầm, những bỡ ngỡ, lo lắng kể đến là rất nhiều: những bản Kiều nào được coi là quý nhất, có thể tìm được ở đâu, mình có duyên với sách quý hay không,… Lúc này, thầy tìm đến những cuốn sách được coi là “kim chỉ nam” trong việc sưu tầm Kiều: “Thú chơi sách” (Vương Hồng Sển), “Thư mục về Nguyễn Du” (Bửu Cầm), “Thi pháp Truyện Kiều” (Trần Đình Sử), và gần đây nhất là cuốn “Về chốn Thư Hiên” (Trần Trọng Cát Tường).
Sau khi biết được những thông tin quý giá mà sách mách bảo, thầy đi vân du, hoặc tranh thủ những đợt đi công tác nhiều nơi như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, TP.HCM,… để tìm sách Kiều. Cũng có khi thầy tranh thủ lên mạng và Facebook để tìm sách Kiều, nhưng thường các sách quý chỉ có thể mua khi gặp trực tiếp hoặc tại nhà sách, bởi giá trị của nó rất cao, nên ít khi người ta rao bán trên mạng.
Một cuốn Kiều được coi là quý phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như năm xuất bản, số lượng ấn bản, chất lượng ấn bản (bản đẹp – in hạn chế, bản bình dân – in nhiều); kế đến là người hiệu đính, người chú giải,… hoặc là cách chú giải khác lạ cũng được coi là quý,… Trong đó, đặc biệt là các bản Kiều Nôm là hiếm nhất mà rất ít những nhà sưu tầm có được.
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 7
Văn bản, luận đề, từ điển về Truyện Kiều. Trong đó, nổi bật là cuốn Từ điển Truyện Kiều do NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 1974
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 6
Những cuốn sách về Kiều xuất bản, tái bản những năm gần đây, trong đó có suy ngẫm về Kiều của cụ Thích Nhất Hạnh – “Thả một bè lau”, khảo cứu về Kiều – “Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều”
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 8
Những bản Kiều quý, thường được thầy bọc cẩn thận trong nhiều lớp túi bóng, ngoài ra còn được làm thêm hộp đựng, bìa làm bằng gấm, gáy gân có thêu chữ
Bản Kiều cổ mà thầy sở hữu đầu tiên là bộ “Kim -Vân - Kiều” do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch, gồm 2 tập (tập 1 xuất bản năm 1942, tập 2 xuất bản năm 1943). Chia sẻ đến đây, thầy hăng hái hơn bao giờ hết:
“Khi cầm được cuốn sách quý trên tay, dù là bản Kiều nào cũng đem đến tâm trạng sung sướng và hạnh phúc. Phải là những người yêu sách, quý sách mới hiểu được đây là những cuốn sách mà các thế hệ cha ông mình đã sở hữu, đã nâng niu trân trọng, và cuốn sách đó đã có một tuổi đời 70 năm, 80 năm, 90 năm, thậm chí có những cuốn hơn 100 năm. Sách có một đời sống riêng, mình cầm sách ấy trên tay như là gặp một con người. Tại sao bao cuốn sách in ra lúc bấy giờ mà không còn, chỉ riêng cuốn này còn sống lại được, còn tồn tại được với thời gian. Sách có số phận, mình cầm cuốn sách trên tay mình bắt gặp một số phận.”
Hành trình đi tìm kiếm những giá trị về Truyện Kiều không chỉ có niềm vui mà còn có những nỗi buồn, và tất cả nó đều là những kỷ niệm rất khó quên. Bởi có những cuốn thầy tìm rất lâu, đến lúc nản không muốn tìm nữa thì tình cờ lại gặp được.
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 9
Chỉ những quyển Kiều quý thầy Khánh mới gửi vào Nha Trang cho một nghệ nhân đóng bìa gấm
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 10
Bản “Kim Vân Kiều Tân truyện” của Abel de Michels, ấn hành ở Paris năm 1884-1885 bằng 3 thứ ngôn ngữ: Pháp ngữ, Quốc ngữ và chữ Nôm
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 11
Bản “Kim - Vân - Kiều” do Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp gồm 2 tập, tập 1 xuất bản năm 1942, tập 2 xuất bản năm 1943
Điều này, cũng chỉ có những người yêu sách mới thực sự mới hiểu được, bởi “Chữ của cụ Nguyễn Du trong đó quý lắm, chỉ cần học trong đó thôi là cũng đủ sống thuận hòa với đời rồi”. Tuy nhiên, thầy cũng nói thêm, điều tinh túy ở việc sưu tầm Truyện Kiều, đam mê sách quý là phải biết cân bằng cuộc sống, không vì yêu sách mà làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Bởi vậy mà, không chỉ vợ con mà bạn bè, học trò gần xa đều rất ủng hộ và cảm phục thầy.
Sở hữu được Kiều đã khó rồi, nhưng để bảo quản nó lại càng khó hơn. Bởi những cuốn Kiều cổ, quý thường không được nguyên vẹn, giấy xấu, hay bị rách,… Do đó, để bảo quản, thầy đã sắm 5 chiếc tủ, trong đó có 3 tủ đựng Kiều để riêng ở một phòng. Bên cạnh đó, thầy còn bọc thêm túi nylon từng cuốn một rất cẩn thận. Đối với những cuốn Kiều bản quý, thầy còn gửi vào tận Nha Trang để một nghệ nhân đóng bìa gấm, gáy gân và thêu chữ ở gáy sách.
Từ khi có duyên với việc sưu tầm sách, sở hữu được những bản Kiều quý hiếm, thầy cảm thấy yêu đời hơn, vui vẻ với lẽ sống bình dị. Những lúc vui, những lúc buồn cũng có thể ngâm nga vài câu Kiều. Từ Truyện Kiều thầy đã có thêm hứng thú cho việc dạy học. Bên cạnh đó, thầy còn tham gia sáng tác và nghiên cứu về Truyện Kiều, viết bài và cung cấp tư liệu cho một số hội viên ở Hội Kiều học Thái Bình.
Thầy sưu tầm các bản Kiều xưa chính là gom nhặt những giá trị tinh thần của Nguyễn Du để lại. Bởi theo thầy: “Dù xã hội có thay đổi, con người dần thích nghi với những phương tiện nghe nhìn hiện đại, nhưng Truyện Kiều vẫn là tài sản tinh thần quốc gia không thể thiếu được đối với mỗi con người Việt Nam”.
Trước khi chia tay, chia sẻ với tôi câu Kiều yêu thích nhất của mình: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!”, thầy nói: “Thầy thích nhất câu này vì Truyện Kiều là vàng là ngọc trong kho báu của nước Nam mình. Câu này ứng với những người yêu thích và sưu tầm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Giữ gìn những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông cũng là một cách để giữ gìn, bảo vệ đất nước. Thầy mong muốn có nhiều người trẻ tuổi cũng yêu thích Truyện Kiều và góp phần gìn vàng giữ ngọc cho non sông đất nước”.
Từ giã thầy, dấu ấn mà tôi còn đọng lại, đó là hình ảnh một người thầy cần mẫn, suốt bao nhiêu năm đi dạy học bằng xe đạp. Tôi hỏi thầy có hạnh phúc không? Thầy cười rất tươi và trả lời: “Thầy vô cùng hạnh phúc!”.
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 13
Bản Kiều của GS. Nguyễn Thạch Giang hiệu đính và chú giải mới được tái bản năm 2017, do Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Đông A liên kết ấn hành
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 14
Thầy Khánh xếp sách Kiều vào kệ
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 15
Thầy Khánh đọc sách tại Thư phòng
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 16
Phương tiện di chuyển chủ yếu hàng ngày của thầy suốt bao năm nay vẫn là chiếc xe đạp
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 17
Nét chữ trên bảng của thầy Khánh Văn
Bộ sưu tập “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của một người thầy 18
Thầy Khánh trên bục giảng Trường THPT Bắc Duyên Hà
Một số bản đáng nể trong tủ sách thầy Khánh
- Nguyễn Du: Poème Kim Vân Kiều truyện, transcrit pour la première fois en quốc ngữ avec des notes explicatives par Trương Vĩnh Ký. Bản in Nhà nước, Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1875.
- Nguyễn Du: “Kim Vân Kiều Tân truyện” do Abel de Michels ấn hành ở Paris năm 1884-1885, chụp lại nguyên văn bản Nôm bằng nét chữ như “phượng múa rồng bay” và hai thứ ngôn ngữ: Pháp ngữ, Quốc ngữ.
- Nguyễn Du: “Kim Vân Kiều” dịch ra Quốc ngữ có chú dẫn các điển tích. Nguyễn Văn Vĩnh, bản in lần thứ 2, hiệu Ích ký, Hà Nội, 1915.
- Nguyễn Du: “Kim Vân Kiều”, transcrit en quốc ngữ et publié par Nguyễn Ngọc Xuân, hiệu Ích ký, Hà Nội, 1923.
- Nguyễn Du: “Truyện Thúy Kiều” (Đoạn trường tân thanh), Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Việt văn thư xã, Vĩnh long hưng thư quán, Hà Nội, in lần thứ nhất, 1925.
- Nguyễn Du:“Kim Vân Kiều chú thích” do Bùi Khánh Diễn hiệu đính và chú giải, năm 1926.
- Nguyễn Du: “Kiều Truyện dẫn giải”, Hồ Đắc Hàm. Đắc lập, Huế, 1929.
- Nguyễn Du: “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện”, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải, Editions Tân Dân, Hà Nội năm 1941.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.