‘Cậu bé bút chì’ bản 3D: Hình ảnh bắt mắt, thông điệp nhân văn

26/08/2023 11:07 GMT+7

Phim điện ảnh 3D đầu tiên của thương hiệu truyện tranh Cậu bé bút chì (Crayon Shin-chan) không chỉ thu hút thiếu nhi, mà còn khiến người lớn cảm động.

Với sự ngây thơ và tích cực của mình, nhóc Shin-chan sau khi sở hữu siêu năng lực đã quyết định “chữa lành” tâm hồn cho nhân vật phản diện, thay vì chiến đấu với hắn.

Shin Jigen! Crayon Shin-chan the Movie (tựa Việt: Shin - Cậu bé bút chì: Đại chiến siêu năng lực) là phim điện ảnh thứ 31 thuộc thương hiệu truyện tranh/hoạt hình Crayon Shin-chan, do Usui Yoshito sáng tác. Ra mắt lần đầu năm 1990, tác phẩm truyện được yêu thích bởi những trò đùa nghịch tăng động của cậu bé nhân vật chính Shin-chan, từ đó đưa ra bài học cuộc sống cho cả trẻ em và phụ huynh. Phim mới ra mắt tại Nhật Bản vào ngày 4.8, trước Việt Nam 3 tuần.

‘Cậu bé bút chì’ bản 3D: Hình ảnh bắt mắt, thông điệp nhân văn - Ảnh 1.

Shin Jigen! Crayon Shin-chan the Movie là phim hoạt hình 3D đầu tiên thuộc thương hiệu Cậu bé bút chì

Toei

Phim xoay quanh hai luồng sáng tích cực - tiêu cực bay từ vũ trụ tới Trái đất. Luồng sáng “thiện” tìm đến nhóc Shin của gia đình Nohara, cho cậu bé mầm non quyền năng điều khiển vật chất bằng… mông. Ngược lại, luồng sáng “ác” xâm nhập Mitsuru - một thanh niên bất mãn xã hội. Có sức mạnh siêu nhiên trong tay, hắn quyết tâm trả thù những kẻ từng bắt nạt, khinh rẻ mình. Một tổ chức bí ẩn chuyên thu thập các nhà ngoại cảm xuất hiện, khuyên nhủ Shin hãy dùng sức mạnh để cứu thế giới.

Chất hoài niệm trên nền 3D

Crayon Shin-chan du nhập Việt Nam khá trễ so với những manga thiếu nhi kinh điển như Doraemon, Chie - Cô bé hạt tiêu... Song, tác phẩm vẫn có sức sống riêng, sở hữu lượng fan hùng hậu nhiều lứa tuổi. Ở phiên bản 3D, các tình tiết giàu tính hoài niệm, gợi nhớ loạt truyện tranh gốc tái hiện trên những khung hình “mướt mắt”, với chuỗi biểu cảm đa dạng của nhân vật được khắc họa tinh tế bằng đồ họa vi tính.

Đó là cảnh mẹ “rượt” Shin chạy khắp con phố vì tội quậy phá, hay điệu nhảy “ngoáy mông” hài hước đã trở thành thương hiệu của nhóc tì. Ông Nohara sợ vợ nhưng mê gái, bà Nohara hay “hóa quỷ” mỗi khi bị con trai gọi là bà chằn lửa, “mối thù không đội trời chung” giữa lớp mẫu giáo Hướng Dương và lớp Hoa Hồng cũng được lồng ghép trong phim, mang đến trải nghiệm thú vị cho fan lâu năm lẫn khán giả mới.

‘Cậu bé bút chì’ bản 3D: Hình ảnh bắt mắt, thông điệp nhân văn - Ảnh 2.

Nhân vật phản diện dễ khiến khán giả trẻ đồng cảm

Toei

Trước khi ra mắt, Cậu bé bút chì bản 3D sở hữu nhiều ý kiến trái chiều, bởi việc 3D hóa tác phẩm đi ngược hoàn toàn với nét vẽ tay mộc mạc của tác giả. Song, sau khi công chiếu tại Nhật, phim nhận nhiều lời khen nhờ hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt, cử động và biểu cảm nhân vật linh hoạt.

Mang chủ đề siêu năng lực/siêu anh hùng, những cảnh chiến đấu trong phim vừa vui mắt, vừa đảm bảo tính mãn nhãn. Xuyên suốt phim, phản diện Mitsuru dần bị nuốt chửng bởi bóng tối, trở thành những hình dạng đáng sợ, hầm hố hơn. Ngược lại, Shin-chan dùng trí tưởng tượng và sự ngây thơ của mình để “trả đòn”, tung những chiêu thức buồn cười như điệu nhảy lắc mông siêu cấp, sushi bay khổng lồ...

Một yếu tố khác làm tăng tính hấp dẫn của phim với khán giả nhí là khâu lồng tiếng. Đội ngũ lồng tiếng Việt gây cười qua phần thoại được dịch phóng khoáng, “bắt trend” TikTok. Theo quan sát của Thanh Niên, trong buổi ra mắt sớm tối 18.8, các hàng ghế đông thiếu nhi rôm rả tiếng cười, chủ yếu đến từ các câu thoại như “tinh hoa hội tụ”, “quê quá Hai ơi”, “bản thiết kế vẽ đại”...

Thông điệp tích cực: Kẻ ác cũng có quá khứ

Khán giả trưởng thành dễ bất ngờ trước kịch bản sâu sắc, giàu tính nhân bản nhưng không giáo điều của Cậu bé bút chì bản 3D. Trong một trường đoạn, nhóc Shin lọt vào được thế giới ký ức của Mitsuru - nơi chứa đầy những vết sẹo quá khứ của gã.

Vốn dĩ, Mitsuru là một học sinh ngoan, tích cực, cho đến khi gã bị bọn bắt nạt trấn áp, cô lập trong nhiều năm đi học. Không những thế, Mitsuru còn thiếu thốn tình thương từ cha mẹ. Ở ký ức tuổi trưởng thành, gã như đại diện cho nhiều thế hệ người trẻ Nhật: lạc lõng giữa dòng đời, nghẹt thở bởi kỳ vọng của xã hội.

‘Cậu bé bút chì’ bản 3D: Hình ảnh bắt mắt, thông điệp nhân văn - Ảnh 3.

Các biểu cảm đặc trưng của nhóc Shin được tái hiện trên nền 3D mượt mà

Toei

Đối lập với một phản diện rất dễ khiến khán giả trưởng thành đồng cảm, là nhóc tì mẫu giáo luôn tìm thấy điều tích cực trong cuộc sống. Khán giả dễ thấy sự lạc quan và hiểu chuyện của Shin-chan không giống một trẻ em thông thường, thiếu thực tế. Song, cậu bé lại đại diện cho trí tưởng tượng và ước mơ - thứ không ít người trưởng thành chọn bỏ lại phía sau vì cơm áo gạo tiền.

Cứ như thế, Cậu bé bút chì ban đầu chỉ là một sản phẩm điện ảnh “hài lố”, dần phát triển thành bức tranh nhân văn, thực tế hơn. Khó có thể tin được trong vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ, một bộ phim những tưởng chỉ nhắm đến các em thiếu nhi, lại mang đến cho người lớn nhiều cảm xúc đến vậy.

Với kịch bản đơn giản, tuyến tính, Cậu bé bút chì bản 3D có ít điểm trừ. Khán giả khó tính có thể khó chịu với vài câu thoại hơi hướm 18+ trong phim, nhưng phía sản xuất có cách kể tinh tế để chúng không tục tĩu, hay đi quá xa. Trên hết, người xem có dịp trải nghiệm một phim hoạt hình hay về hình thức, chất lượng về nội dung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.