Cậu bé Đà Nẵng nói chưa rõ lời nhưng đọc câu chữ vanh vách từ 2 tuổi rưỡi

An Dy
An Dy
15/01/2022 13:02 GMT+7

Đó là Lê Hiếu (ngụ quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng ). Hiện nay cậu bé vừa tròn 3 tuổi, giọng nói còn bập bẹ, chưa rõ ràng câu, nhưng khi bạn đưa bất kỳ dòng chữ nào, cháu cũng có thể đọc không sót... Khả năng này đến với bé lúc cháu 2 tuổi rưỡi.

Chị Trương Thị Hồng Nhung (Đà Nẵng), mẹ của Lê Hiếu, cho biết, cả nhà quá bất ngờ khi thấy con đọc chữ, vì cháu mới chỉ biết nói bập bẹ vài tháng trước và cả năm dịch Covid-19 ở nhà không được đi học, cũng chưa ai dạy chữ.

“Con thích đến độ, gặp chữ nào cũng muốn đọc cho mẹ nghe”, chị Nhung bắt đầu câu chuyện về cậu con trai của mình.

Chúng tôi gặp cháu bé Lê Hiếu tại nhà ông bà ngoại cháu ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng). Ở lần gặp đầu tiên, dù rụt rè, nhưng cậu bé cũng khá hợp tác và sẵn sàng đọc chữ cho khách nghe khi mẹ đề nghị. Đáng ngạc nhiên là khi chúng tôi mở điện thoại lên và đưa bất kỳ chữ nào cậu bé cũng đọc được, hay nói đúng hơn là phát âm đúng với những chữ ấy.

Sở dĩ nói như vậy là vì âm phát ra của anh bạn nhỏ tương đương với từng câu chữ, nhưng theo lời mẹ của cậu bé thì không phải câu, chữ nào bạn cũng hiểu.

Thú vị cậu bé 2 tuổi rưỡi ở Đà Nẵng nói chưa rõ lời đã đọc chữ vanh vách

Hai tuổi biết nói, 2 tuổi rưỡi bắt đầu biết đọc

Chị Nhung kể, so với các bạn cùng trang lứa thì con trai chị khá chậm nói, đến 2 tuổi mới bắt đầu nói. Nhưng chị Nhung thấy cũng không vấn đề gì, vì cháu vẫn phát triển bình thường, chỉ số vận động phát triển rất tốt.

Thú vị là chỉ vài tháng sau khi biết nói, tức là khi cháu bé 2 tuổi rưỡi, chị phát hiện cháu có khả năng đọc được chữ khi có cuộc gọi đến trên điện thoại, khi đọc dòng status trên facebook và đọc chữ trên bảng hiệu đi ngoài đường...

Mẹ Lê Hiếu phát hiện cháu bé biết đọc nhiều chữ từ khi hơn 2 tuổi rưỡi. Đến 3 tuổi thì cháu đọc hết những quyển truyện tranh mà mẹ mua về và chưa có thời gian đọc cho con nghe

An Dy

Chị Nhung đã không thể tin nổi và nói điều này với chồng, vì trong gia đình chưa ai bày dạy chữ gì cho cháu. Một năm dịch bệnh cháu cũng không tiếp xúc với ai bên ngoài. Hai vợ chồng chị Nhung tìm chữ đố con và lắng tai nghe cháu đọc. Khi thấy con trai đọc được các chữ mình thử thách, cả hai vợ chồng rất “sốc”, quyết định lôi những quyển truyện tranh dành cho bé mẫu giáo mua trước đó mà chưa có thời gian đọc cho con ra đố... “Cháu nhìn mặt chữ và đọc từng chữ, từng câu. Tất nhiên không phải đánh vần, vì cháu chưa được học chữ cái, chưa biết ghép vần khiến cả nhà không hiểu nổi”, chị Nhung chia sẻ.

Chưa hết “sốc”, anh chị đưa con ra nhà sách và cho con thoải mái chọn. “Cháu chọn những quyển sách, truyện có nhiều hình ảnh, màu sắc sặc sỡ và rất thích đọc những chữ có màu. Cháu phát âm đúng từng chữ, một số chữ hơi lơ lớ vì thiếu dấu. Nhưng chừng đó thôi cũng đủ khiến cả hai vợ chồng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”, chị Nhung nói.

Vào đợt sinh nhật 3 tuổi của Lê Hiếu, cháu bé được bố mẹ đưa đi ăn tối cùng bạn bè của bố mẹ, ở đó cũng có những bạn nhỏ cùng tuổi. Khi các bạn chỉ nói bập bẹ, bi bô thì Lê Hiếu đọc cho mẹ nghe những dòng chữ có trong quán khiến ai cũng sửng sốt. “Những người bạn của tôi lúc đó đã lấy tờ hóa đơn thanh toán thật dài được in bằng máy để “thử thách” cháu. Không ngờ cháu đọc từng chữ trong hóa đơn, đến tận dòng cuối cùng khiến mọi người không hiểu nổi”, chị Nhung không giấu được cảm giác thú vị.

Ba mẹ mong tìm phương pháp giáo dục phù hợp

Không riêng gì vợ chồng chị Nhung, ông bà ngoại cháu cũng bất ngờ khi thấy cầm điện thoại của bà và đọc vanh vách tên trong danh bạ. “Trong khi trước đó không lâu còn chưa thấy nó nói”, bà Lý Thị Ân, bà ngoại của cháu Lê Hiếu nói thêm vào.

Cũng theo ông bà, cháu rất thích quan sát ông ngoại hát karaoke. Những khi đó cháu ngồi bên cạnh rất chăm chú, không biết có phải cháu nhớ được mặt chữ từ đây không. Nhưng rồi, lý do này không thuyết phục vì ông hát cũng không nhiều để cháu có thể nhớ hết tất cả các mặt chữ. Trong khi đó, lúc chúng tôi chỉ vào những chữ bất kỳ trong nhà, ngoài đường và trong quán cà phê khi quan sát cháu, cháu đều đọc được.

Sau khi đọc hết những dòng chữ có trong quán cà phê lần đầu tiên đến, Lê Hiếu đọc truyện tranh trước mặt những người lạ theo sự khuyến khích của mẹ

an dy

Chị Nhung chia sẻ vợ chồng đều làm giáo dục, và cũng “dị ứng” với những biểu hiện được ca tụng là “thần đồng” ở trẻ con vì sợ lệch lạc trong giáo dục. Chính vì điều này nên chị cũng ngại chia sẻ năng khiếu kỳ lạ của con đối với người lạ. Chị lên mạng tìm hiểu về những trẻ em có đặc điểm năng khiếu kỳ lạ giống con chị, tức là khả năng ghi nhớ âm và mặt chữ ở mức độ đặc biệt, cả những trẻ em có năng khiếu đặc biệt...

“Tôi không kỳ vọng nhiều với khả năng ngôn ngữ của cháu, cũng không dám “khoe” với ai vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của cháu để tìm kiếm sự đồng cảm, đồng cảnh ngộ và nhận được sự đồng hành, hỗ trợ trong việc giáo dục cháu, giúp cháu phát huy điểm mạnh của mình”, chị Nhung tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.