Cậu bé lớp 2 tự tay gói quà, viết thư chia sẻ với các bạn miền Trung

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
06/11/2020 16:12 GMT+7

Nghe mẹ chia sẻ về câu chuyện về việc các bạn nhỏ ở miền Trung đang gặp khó khăn do mưa lũ, không có cặp sách để đến trường, nam sinh lớp 2 đã chia sẻ đồ dùng của mình kèm bức thư động viên người nhận.

Tự giặt balo, mua bánh kẹo và viết thư gửi các bạn

Chia sẻ câu chuyện của con mình, chị Hà Ngọc Nga, chủ một trường mầm non ở quận 9 (TP.HCM) cho biết trước đó khi chứng kiến nhiều ngôi trường, nhà cửa ở miền Trung bị lũ tàn phá chị đã tham gia chương trình chia sẻ balo cho học sinh vùng lũ. Và chị đã đem câu chuyện này kể cho Phú An (7 tuổi), con trai của mình nghe. Nghe xong câu chuyện, cậu bé liền xin mẹ tham gia, chia sẻ những món đồ dùng của mình với các bạn ở vùng lũ.
Cuối tuần được nghỉ học, cậu bé hì hục tự giặt sạch chiếc cặp của mình, phơi khô sau đó cho vào túi góm gém cẩn thận. An còn gom vở tập viết, lấy tiền từ heo đất của mình mua thêm bánh bỏ vào balo để chuẩn bị một phần quà tươm tất.
“An tự nhủ các bạn nên có bức thư động viên, vậy là bé ngồi đánh vần viết thư gửi 'bạn nhỏ nào may mắn' nhận được quà của mình. Mình thấy được niềm vui lấp lánh trong mắt con khi tự tay làm những việc ấy”, chị Nga chia sẻ và cho biết dù bức thư được viết với những dòng chữ nguệch ngoạc, nội dung khá là ngây ngô nhưng chị tin các bạn nhỏ khi nhận được vẫn có thể hiểu nội dung thư. Và điều quan trọng là từ những hoạt động thiện nguyện nho nhỏ, chị có thể khơi gợi được sự rung cảm, chia sẻ của một đứa trẻ.
Chiếc balo và những món quà nhỏ của An sau đó đã xếp chung với hàng trăm món quà từ những người khác và được chương trình Balo cho các em vùng lũ trao tận tay cho các em học sinh ở vùng lũ huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Không ép con làm từ thiện, chỉ khơi gợi sự đồng cảm, sẻ chia

Chia sẻ về cách khơi gợi sự đồng cảm, chia sẻ của một đứa trẻ chị Hà Ngọc Nga cho rằng việc thiện nguyện phải xuất phát từ cái mà bé muốn thực sự, người lớn không nên ép trẻ để làm đẹp lòng mình hay cố gắng giáo dục con phải như thế này, như thế kia vì như thế sự trắc ẩn sâu xa bên trong con sẽ không được nuôi dưỡng.
Khi muốn con tham gia thiện nguyện trước hết chị sẽ cho con tiếp cận vấn đề. Ví dụ, khi chia sẻ về những bạn nhỏ miền Trung bị lũ lụt cuốn trôi sách vở, chị sẽ nói chuyện, tâm sự và cho con xem các video về các bạn nhỏ đang phải đối mặt với khó khăn. Điều này sẽ giúp con cảm nhận được những thiệt thòi, mất mát của người khác. Bước này rất quan trọng, nếu đứa trẻ không cảm nhận, rung cảm được thì con không có thôi thúc muốn chia sẻ. Ngược lại nếu con rung động thì tự bản thân sẽ muốn làm gì đó để chia sẻ.

Những món quà tươm tất được các bạn nhỏ giặt sạch, gói gém để gửi những người bạn của mình ở miền Trung

Ngọc Nga

“Mình đừng vội thúc ép con phải có sự rung cảm ngay, cứ cung cấp thông tin, kể chuyện, còn trẻ cảm được đến đâu là do bản thân bé và quá trình mình nuôi dưỡng”, chị Hà nhấn mạnh.
Nếu bé trăn trở làm sao để chia sẻ được với mọi người, lúc đó mẹ sẽ thảo luận cùng con, chúng ta sẽ làm gì, bàn giải pháp... Tất nhiên, chị Hà cũng sẽ khuyến khích và bắt tay vào làm cùng con. Điều quan trọng, là sau khi thực hiện xong chị sẽ thông báo với con về kết quả sự chia sẻ để con biết được ý nghĩa công việc mình đã làm.

"Dạy con biết trân quý những gì mình cho đi"

Thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện nhưng chị Hoàng Quỳnh Hoa (Q.12, TP.HCM) cho biết chưa bao giờ ép con trai là Tuấn Anh (9 tuổi) cùng tham gia chương trình của mình, kể cả những ngày con được nghỉ học hay dịp hè. Việc của chị chỉ là chia sẻ và bé được lựa chọn hoạt động nào mình thấy hứng thú để tham gia.

Dạy con làm từ thiện thì dễ lắm, nhưng để khơi gợi được sự đồng cảm, biết sẻ chia thật sự không hề dễ, cần phải có cả một quá trình

Tuy nhiên, để con có được lòng trắc ẩn, sẻ chia, mỗi hoạt động của mình chị đều chia sẻ với con về những câu chuyện của các bạn nhỏ chưa được may mắn hay khó khăn hơn mình.
“Mưa dầm thấm lâu, có những câu chuyện mình kể về những bạn nhỏ mồ côi không có cha mẹ nên có lúc các bạn ấy buồn, có thể các bạn ấy muốn mua một chiếc bánh hay món đồ chơi nào đó nhưng không thể thực hiện… Nên nhiều lúc Tuấn Anh đã chủ động xin mẹ được tham gia các chương trình với những bạn nhỏ kém may mắn hơn. Con biết mang nhiều sách, truyện lên để cùng đọc, biết chia sẻ những món đồ chơi mình có, kể cả những món bản thân rất thích. Và con còn nuôi cả heo đất, dành tiền ăn vặt để thực hiện lời hứa ‘mình sẽ mua quà’ cho các bạn vào dịp Noel mà con đã hứa trước đó”, chị Quỳnh Hoa kể.
Nhìn con tích góp từng đồng tiền lẻ để nuôi heo, chị còn khuyến khích con làm thêm việc nhà, phụ trông em cho hàng xóm, gom ve chai ở lớp và khu vực quanh khu chung cư… để có thêm tiền.
Khi miền Trung phải hứng chịu nhiều đợt bão, lũ nhóm của chị Quỳnh Hoa cũng tích cực vận động thực phẩm, áo quần và các nhu yếu phẩm để cùng chung tay hỗ trợ miền Trung còn Tuấn Anh chủ động chọn chiếc cặp sách, và những bộ đồ đẹp, đôi dép của mình đang dùng để cùng chia sẻ với các bạn.
Điều quan trọng là cậu bé còn biết giặt sạch đồ, gấp lại và gói thành hộp quà trước khi gửi đi cùng những lời nhắn nhủ học sinh vùng lũ sớm vượt qua khó khăn và học thật tốt.
“Dạy con làm từ thiện thì dễ lắm, nhưng để khơi gợi được sự đồng cảm, biết sẻ chia thật sự không hề dễ, cần phải có cả một quá trình. Mà trước tiên, phải để con biết rằng những thứ mình cho đi phải là những thứ có giá trị và bản thân mình còn trân quý nó. Con sẵn sàng chia sẻ những thứ thuộc về mình đấy mới là bài học lớn, chứ không đơn giản chỉ là về xin ba mẹ tiền, hay đồ dùng để mang đi quyên góp theo phong trào”, chị Hoa chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.