Mua chiếc xe cân bằng cho Khoa chơi năm lên 2, chị Thanh Mai không mong một ngày con trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Trong bộ môn này, các vị phụ huynh thường gọi các con là "chòi thủ". Đơn giản, vì loại xe này không có bàn đạp như xe đạp thông thường. Thay vào đó, các con sẽ dùng lực chân chòi để xe tiến về phía trước.
'Chòi thủ nhí'
Khoa là con đầu lòng của chị Nguyễn Thị Thanh Mai (28 tuổi, ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Cũng giống nhiều trẻ khác, em được bố mẹ mua tặng chiếc xe cân bằng, chơi từ năm 2 tuổi. Cậu bé tỏ ra thích thú với món đồ chơi này. Không chỉ chơi trong sân nhà, chiều nào Khoa cũng chạy sang ông bà ngoại cách nhà vài trăm mét. Mỗi chiều đi làm về, ba mẹ Khoa dẫn con ra bãi đất trống cạnh nhà cùng chạy đua với con trai.
Mong muốn con có bạn, chị Mai lên mạng xã hội tìm những phụ huynh có con cùng sở thích với Khoa. Lúc bấy giờ ở TP.Biên Hòa có một nhóm trên Facebook tập hợp những phụ huynh có con chơi xe đạp cân bằng nên chị Mai chủ động gia nhập.
Những khoảnh khắc bé Khoa tập luyện tại nhà và thi đấu giành nhiều giải thưởng.
Hằng tuần, các phụ huynh dẫn các con ra quảng trường trung tâm thành phố để các con chơi cùng nhau. Sau 3 tháng sau tập chơi môn này, Khoa lần đầu tham gia cuộc thi do nhóm tổ chức.
"Tham gia rồi mới biết là bộ môn này rất phổ biến ở nước ngoài như Nhật, Trung Quốc… Ở Việt Nam cũng có nhiều ba mẹ cho con chơi xe cân bằng. Nhiều cuộc thi cũng được tổ chức để các con giao lưu", chị Mai chia sẻ.
Kể từ đó, chị Mai bắt đầu tìm hiểu các cuộc thi để đăng ký cho con tham gia. Không chỉ ở trong thành phố Biên Hòa, Khoa còn được ba mẹ dẫn đi nhiều tỉnh thành để thi đấu. Khoảng 2 năm nay, trung bình mỗi tháng Khoa tham gia 1 giải đua xe cân bằng. Đến nay, vận động viên nhí Công Khoa đã tham gia 23 giải đua trong và ngoài nước, đạt nhiều thành tích.
Năm nay, Khoa cũng đã 2 lần sang Malaysia để tranh tài cùng những vận động viên nhí đến từ các nước Đông Nam Á. Lần đầu tiên, tại giải Bike8 Malaysia cup vào tháng 3, Khoa đứng thứ 10/16 bạn nhỏ sinh năm 2018 lọt vào chung kết. Lần thứ 2 vào tháng 6, tại giải M8 International cup, Khoa đứng vị trí thứ 6 và 7/16 bạn nhỏ sinh năm 2018 lọt vào vòng chung kết, trong 2 ngày thi.
Vì tính chất công việc nên 2 lần ra nước ngoài, vợ chồng chị Mai không thể đi cùng con. Người đồng hành cùng em là bà ngoại và anh Nguyễn Duy Linh (ngụ TP.Biên Hòa). Anh Linh là trưởng nhóm dẫn các em nhỏ và phụ huynh ở khu vực miền Nam sang Malaysia. Lần đầu tiên có 2 đại diện ở khu vực miền Nam là con trai anh Linh và Công Khoa. Lần thứ 2 số lượng đã tăng lên 9 em nhỏ.
Anh Linh nhận định, nếu chỉ tính ở khu vực miền Nam, trong những bé sinh năm 2018 thì Khoa có thành tích tốt nhất. Còn nếu tính chung với các bạn khắp cả nước thì Khoa thuộc top 3. Cậu bé thường có lợi thế hơn các bạn nếu thi đấu trong nhà. Nếu thi sân ngoài trời thì hạn chế hơn vì quãng đạp của em ngắn hơn các bạn một chút.
"Cậu bé rất nhanh nhẹn, dù chỉ được ba mẹ hướng dẫn nhưng có kỹ thuật tốt. Trong đoàn Việt Nam với khoảng 20 bạn nhỏ sang Malaysia, chỉ mỗi Khoa là không có ba mẹ đi cùng. Đồng hành cùng bà ngoại nhưng em vẫn rất tự lập, tự tin", anh Duy Linh chia sẻ.
'Đi một ngày đàng học một sàng khôn'
Cậu bé Khoa không có một chế độ ăn uống và tập luyện quá khắt khe. Khoa vốn khỏe mạnh, ăn giỏi từ bé. 5 tuổi, em nặng gần 30 kg và cũng ít ốm vặt. Ban ngày, trong khi ba mẹ đi làm thì Khoa cũng đi học ở trường mẫu giáo. Chiều về, cậu bé sẽ tập luyện khoảng 1 tiếng với các nội dung như chạy trên máy, tập nghe hiệu lệnh để xuất phát đúng luật, tập ôm cua, vượt chướng ngại vật...
Dù gọi là vận động viên nhí, nhưng Khoa chỉ tập luyện theo sự hướng dẫn của ba mẹ, không có thầy cô nào trực tiếp hướng dẫn cậu bé. Những bài tập cũng là được chị Mai tìm hiểu trên mạng rồi áp dụng sao cho phù hợp với con trai.
Thông thường, mỗi cuộc thi thường sẽ có các nội dung như: đối kháng, vượt chướng ngại vật, tiếp sức cả gia đình, theo lứa tuổi, mở rộng đủ các lứa tuổi…
Gia đình chị Mai không đặt nặng thành tích mà chỉ muốn con tham gia giải để trau dồi thêm kỹ năng, giao lưu học hỏi. Sở dĩ Khoa có nhiều thành tích là nhờ đúc kết kinh nghiệm từ các cuộc thi lớn nhỏ.
"Từ một vài sự cố nhỏ, tôi giải thích để con hiểu tại sao con không nhận được cúp để con tự hoàn thiện mình hơn", chị Mai chia sẻ.
Điển hình, có lần đang chạy đua thì Khoa làm rớt giày. Cậu dừng lại để nhặt giày và ngồi xuống mang vào một cách rất thong thả nên về đích sau cùng. Sau khi thi xong, thấy các bạn lên nhận giải, con bật khóc nức nở mà không hiểu lý do", chị Mai kể.
Được mẹ nhắc lại kỷ niệm, cậu bé Khoa hào hứng tiếp lời: "Mẹ dặn lần sau nếu rớt giày thì cứ chạy tiếp. Nếu mình đang dẫn đầu, bỏ xa các bạn thì khi ôm cua, mình có thể ôm rộng. Còn nếu các bạn sát sau lưng thì mình chỉ ôm cua hẹp thôi, nếu không các bạn sẽ vượt lên".
Thời gian đầu, chị Mai chỉ mua cho con loại xe đạp khung sắt, nhôm với giá cả vừa phải. Sau này khi thấy con yêu thích môn này và thường tham gia nhiều cuộc thi, chị đầu tư cho con một chiếc làm từ vật liệu carbon nhẹ hơn, giá cũng đắt hơn. Chưa kể phải đầu tư nón bảo hiểm, quần áo và giày thể thao, đồ bảo hộ...
Ngoài việc Khoa được đi nhiều nơi, có nhiều bạn bè trên khắp đất nước thì việc tập trung tập luyện cũng là một cách rèn luyện sức khỏe. Cậu bé Khoa và ba mẹ có nhiều thời gian tương tác với nhau, không tốn thời gian xem quá nhiều chương trình trên điện thoại.
Anh Duy Linh cũng đồng tình với quan điểm này của chị Mai. Lúc trước, khi cậu út được 2 tuổi, thấy con ốm yếu, hay bệnh vặt nên anh quyết định chọn môn này cho con chơi.
"Khoảng 1 năm nay, sức khỏe con cải thiện. Con cũng giành được một số cúp dành cho bé 3 tuổi", ông bố cho biết.
Chị Mai tâm sự, dù tham dự nhiều giải nhưng Khoa vẫn chỉ là một cậu bé 5 tuổi ngây thơ. Em tập luyện và đi thi đơn thuần chỉ vì còn yêu thích, hào hứng với bộ môn này. Cũng có lúc con không muốn tập luyện theo bài ba mẹ hướng dẫn mà chỉ thích chạy chơi một cách tự do. Vợ chồng chị Mai cũng không ép con vào khuôn khổ.
"Có thể 1 - 2 năm nữa khi lớn hơn, con không thích môn này nữa thì tôi sẽ tôn trọng sở thích của con", người mẹ nói.
Bình luận (0)