Thời trai trẻ, tôi sống ở Bạc Liêu. Thu nhập ngày ấy rất khá, mỗi tháng tôi có ít nhất 40.000 đồng trong khi vàng Kim Sơn 9999 chỉ mới 4.600 đồng/lượng, loại hai miếng rưỡi. Tôi dạy học chăm chỉ, ngày nghỉ thì câu cá.
Câu là câu cho vui để có cái gửi biếu bạn bè chứ Bạc Liêu không thiếu thức ăn ngon lành, giá cả lại rẻ. Tôi đi câu luôn luôn được nhiều cá hơn người khác nên được phong tặng danh hiệu là “nhà danh câu” - một thuật ngữ nửa Nôm nửa Hán.
Ban đầu, tôi cũng như mọi người, hễ thấy mưa sa thì câu cá chốt, thấy ruộng trổ đòng đòng thì câu cá rô, thấy nước chảy mạnh thì câu cá phi.
Trong “sự nghiệp” câu cá, thường người ta lột con tép rồi ngắt tép ra từng đoạn để làm từng miếng mồi câu. Cái kiểu đó thật tốn thời giờ và có vẻ tiểu thủ công quá. Tôi cải tiến kỹ thuật đợt 1: Làm mồi câu tại nhà. Lột tép ra, tôi lấy dao cắt thành từng miếng mồi vuông vức cỡ đầu mút đũa cho… vừa miệng con cá. Tra thêm chút muối, tôi đem mồi ấy phơi chừng vài tiếng đồng hồ. Mồi dậy mùi, nghe gần như… mắm ruốc!
Đến nơi câu, tôi chỉ cần giở hộp mồi ra, móc mồi thả xuống và giật lia lịa trong khi người ta phải tốn thì giờ lột vỏ tép. Mà than ôi, tép tươi thì làm gì có cái mùi hấp dẫn như mồi của tôi!
Một lần đi câu, chúng tôi gặp một cơn mưa lớn. Sau cơn mưa, nước trên vùng đất cao chảy xuống cái rạch rau muống khá mạnh. Tôi móc mồi, thả ngay vào chỗ nước đổ ấy. Bạn có tin không, hôm ấy tôi câu được 34 con cá trê trắng, con nào cũng trên nửa ký. Những ngày sau mưa, cá chốt lên đầy sông, sông đổ vào các nhánh rạch nhỏ. Con cá chốt giấy da trắng, mập thù lù, mang cặp trứng vàng nghế, nấu canh chua với thơm thì không chê đâu được. Dùng “bùa” ấy câu, tôi được 2 kg thì bà con cùng câu chỉ mới 1 kg. Bùa này có nhược điểm là rất… hôi tay nhưng hổng sao. Câu xong, cứ xà bông chà qua hai lần, dùng bàn chải mềm xát đi xát lại rửa vài nước là tay thơm lựng liền!
Loại bùa thứ hai tạm gọi là bùa vương đạo, dùng để gọi cá rô, trê vàng và cả tràu cửng (cá lóc nhỏ) đến nơi cho mình câu. Bùa này chỉ dùng trong ruộng lúa. Ngày ấy, bà con ta trồng lúa rất sạch, tuyệt đối không dùng thuốc để diệt sâu rầy và cũng ít dùng phân hóa học để bón ruộng nên cá trong ruộng rất nhiều. Ruộng Bạc Liêu nằm dọc quốc lộ, dài từ Trà Kha xuống đến cầu Sập, rộng đến cò bay thẳng cánh. “Ngư trường” rộng lớn ấy đầy các loại cá đồng. Khi ruộng lúa trổ đòng là con cá ngon nhất bởi cá ăn đòng đòng nên rất béo.
Cách làm bùa vương đạo như sau: Mua vài ký cám gạo tốt, bỏ lên rây thật kỹ, chọn thành một lon cám nhuyễn nhất. Để lửa nhẹ liu riu, rang cám ấy trên chảo cho đến khi cám có mùi thơm. Nhấc chảo cám ra khỏi lửa, cho thêm vào chừng 3 (ba) muỗng sữa bột cho trẻ con ăn, ba (3) muỗng cà phê hạt rang kỹ xay nhuyễn. Vào tiệm thuốc bắc, mua 5 phân tiểu hồi, rang lên cho thơm rồi xay nhuyễn. Trộn tất cả các thứ ấy vào, ta có một loại bột thơm cực kỳ hấp dẫn, vừa ngòn ngọt (nhờ sữa) nhưng cũng vừa đắng (vì cà phê bột). Đi câu, ta mang theo bình bùa ấy theo.
Đến ruộng nào, ta chịu khó ngó quanh ngó quất một chút rồi xăn quần lên, lội xuống, lấy chân đạp nhẹ bốn gốc lúa ra làm một cái “lỗ” khoảng 4 tấc x 4 tấc là đủ. Chịu khó lấy tay xoa lớp sình dưới lỗ cho võng xuống như lòng chảo rồi giở bình bùa ra, ta múc một muỗng đổ ngay trên mặt nước. Bước lên bờ, ta móc theo cục sình nhỏ cỡ bằng ngón tay cái, trộn với một muỗng bùa thơm thật nhuyễn. Ta vo cục sình có trộn bùa thành một viên dẹp dẹp, dùng lưỡi câu bỏ đúng vào giữa cái lỗ vừa tạo ra. Rửa tay, hút thuốc, ta chờ bọn cá đến trình diện.
Bùa thơm bay trên mặt nước dụ đàn cá tới. Bắt đầu là bọn cá lòng tong chuyên đi ăn mảnh phía trên, sau đó là rô mề, trê vàng và tràu cửng lội ở phía dưới. Tới đúng lỗ câu, nghe cục sình thơm phức, chúng bắt đầu thưởng thức nhưng ăn vào thì không được bởi… cà phê đắng nghét mà bỏ đi thì cũng uổng bởi cám và tiểu hồi thơm lừng, lại thêm chút sữa ngòn ngọt, beo béo. Vậy là chúng quần đi quần lại trong lòng chảo tìm mồi. Ta ung dung dùng mồi thiệt - mùi miếng tôm ươn danh tiếng thả xuống, giật từng con.
Một héc ta ruộng lúa làm 4 cái lỗ câu là đủ. Thế nhưng, đừng ham câu lắm, cứ làm một lỗ câu chừng đầy nửa thùng (khoảng vài ký cá) là xách cần về được rồi, mai mốt câu tiếp. Bùa này được gọi là vương đạo vì nó làm cho cá thèm ăn, tập trung lại một chỗ cho ta câu. Và bởi vì những con cá lớn thường dành ăn trước nên chúng “hy sinh” trước. Bầy cá nhỏ hơn chỉ ăn được những miếng mồi đã rơi ra khỏi lưỡi câu, thôi thì để vài tuần sau, chúng trộng hơn một chút nữa rồi mình sẽ đến rước chúng. Tất cả các bạn đều có thể làm được bùa vương đạo này khi câu cá trong rừng. Ấy là cách gọi cá tới mà câu và câu được những con cá tuyển chọn như ý. Tôi áp dụng bùa vương đạo này và câu được rất nhiều cá.
Loại bùa thứ hai tạm gọi là bùa bá đạo bởi có thể làm hại đàn cá trong ruộng hay kinh rạch và có thể gây hại cho chính mình. Cũng công thức làm như trên nhưng bùa bá đạo thêm vào… vài củ môn nước, cái loại củ gây ngứa khó chịu thần sầu quỷ khốc. Kiếm hai củ môn nước, thận trọng gọt bỏ vỏ, xắt ra thành lát mỏng và phơi vài nắng. Đem các lát môn rang lên trong chảo cho tới khi thật vàng, giã nhuyễn ra rồi trộn chung vào với các loại bột trên.
Dùng bùa bá đạo chỉ có thể múc ra trong muỗng, hòa với nước và đổ xuống ngay lỗ câu chứ không thể trộn chung trong cục sình. Bạn mà bị dính bột môn nước vào bàn tay ướt thì sẽ ngứa y như Đinh Xuân Thu bị dính Sinh tử phù của Hư Trúc trong truyện Thiên Long Bát Bộ, e rằng sẽ phải bỏ buổi câu về ngay để trị ngứa. Bùa này bá đạo ở chỗ các loại cá nếm vào là ngứa miệng ngay. Bị ngứa, chúng cứ đưa miệng cà vào gốc lúa. Trong trường hợp đó, bạn thả mồi xuống chúng có thể ăn ngay, nhưng nhiều con vì ngứa miệng nên bỏ chạy khỏi lỗ câu. Cho nên, bá đạo không bằng vương đạo.
Tôi đã nghỉ câu cá trên 40 năm nay vì không muốn đi câu nữa, nhưng như đã hứa, sẽ giúp ý kiến làm bùa câu cho bạn, tôi xin viết về ba cách làm bùa này để bạn đi câu cho vui. Bạn không nên chơi bùa bá đạo vì loại bùa này hại cho đàn cá và có thể hại luôn chính mình nếu mình không thận trọng trong lúc dùng nó.
Bạn biết đấy, người chịu đi câu là người kiên nhẫn nhất. Trong lúc đi câu, trí óc ta tưởng tượng ra nhiều điều kỳ thú, kể cả chuyện tưởng tượng ra con cá sẽ ăn mồi ta như thế nào, ta đã túm được nó ra sao. Xem vậy chứ ngồi bên sông rạch, hưởng hơi gió mát, nghe tiếng chim kêu đã là dịp cho tâm trí ta thư giãn, có thể quên đi những điều cần quên trong cuộc đời. Tôi nghĩ rằng hiệu quả này còn cao hơn khi ta câu được một con cá lớn.
Lại nhớ một lần viết truyện hài hước, tôi viết về một anh chàng đi câu cá bông lau. Ngày trước, chỗ nhánh sông Soài Rạp hợp lưu với sông Sài Gòn đổ ra biển Cần Giờ có khá nhiều cá bông lau. Anh chàng nọ chuyên câu cá bông lau, lần nào cũng đem về cho vợ hoặc một con hoặc... nửa con. Vì sao lại là nửa con? Anh giải thích: Cắt một phần tặng cho người bạn cùng đi câu vì người bạn ấy không câu dính con nào.
Anh câu vài năm thì chị ở nhà nhận được hung tin: Con “cá bông lau” của anh có bầu! Hóa ra, anh bạn chúng ta chỉ đi “mua cá bông lau” trên đường Tôn Thất Đạm, Q.1 - nơi có cái chợ Cũ chuyên bán “cá bông lau” đưa từ Nhà Bè qua. Còn sông Soài Rạp chảy về hướng nào thì anh hổng biết!
Bình luận (0)