Dự án cầu cảng cá sông Trà Bồng có quy mô hơn 23 ha, do Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là BQL KKT Dung Quất) làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng từ năm 2013. Việc đầu tư xây dựng dự án này nhằm phục vụ các hộ ngư nghiệp tái định cư và người dân trong vùng dự án, bảo đảm hoạt động nghề cá ổn định, lâu dài và làm nơi neo đậu tàu thuyền tránh thiên tai...
TÀU LỚN KHÔNG CÓ LỐI VÀO
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trước 2 cơn bão số 7 và số 8 vừa qua, tại cầu cảng cá sông Trà Bồng không có tàu cá công suất lớn neo đậu tránh bão. Tại đây chỉ đếm được vài chục chiếc ghe và tàu nhỏ. Nhiều hạng mục của dự án sau nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Ngư dân cho biết tàu cá dài khoảng 15 m trở lên khó di chuyển qua lọt và hầu như không thể vào neo đậu ở đây.
Cũng theo các ngư dân, hàng loạt cồn cát và đá nổi lên giữa lòng sông, đoạn từ cửa Sa Cần chạy ngược về phía cầu cảng cá sông Trà Bồng, gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Người dân phải dùng can nhựa và vật dụng cắm trên đá nổi để cảnh báo tàu, ghe không va vào. "Mùa nước lớn, tàu cá lớn mới vào được. Khi thủy triều rút, nhất là mùa nắng, luồng lạch ra vào cảng cá này chỉ sâu 2 m nước", một ngư dân nói.
Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây hoạt động rất èo uột. Cây xăng dầu chủ yếu bán cho xe máy, ô tô, còn ghe đi biển rất ít lấy nhiên liệu tại khu vực này. Tư thương cũng không đến cầu cảng cá sông Trà Bồng để thu mua hải sản.
Đoàn tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh (H.Bình Sơn) có nhiều tàu dài trên 15 m. Mùa nắng, đoàn tàu từ biển về chỉ neo đậu ở cửa Sa Cần, neo bên trái chân cầu Trà Bồng. Muốn về xã Bình Chánh, tàu câu mực phải đợi nước thủy triều rút mới qua được cầu Trà Bồng. Còn với cầu cảng cá sông Trà Bồng, hầu như không có tàu câu mực nào neo đậu, kể cả trong mùa mưa bão.
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọt, Hợp tác xã tàu thuyền xã Bình Chánh, mùa nước cạn, cầu cảng cá sông Trà Bồng có chỗ chỉ 1,5 m nước thì tàu câu mực không thể vào neo đậu. Khi bắt đầu xây dựng cảng cá này đã bất cập, hàng trăm tàu cá không thể chui qua cầu Trà Bồng để vào cảng. Đồng thời, lòng sông cạn với nhiều cồn cát, đá nổi và nơi neo đậu không đảm bảo độ sâu.
QUYẾT TOÁN DỰ ÁN HOÀN THÀNH KHI HẠ TẦNG CÒN THIẾU
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án cầu cảng cá sông Trà Bồng có nhiều hạng mục: Bến dài 128 m cho tàu 90 CV; bến dài 90 m cho tàu 45 CV; kè bảo vệ bờ dài 1.480 m; san lấp mặt bằng gần 18.000 m2; vũng neo đậu đảm bảo cho tàu dài 15 m cập cảng và hệ thống phao báo hiệu, các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cảng cá… Tuy nhiên, hơn 11 năm đưa vào sử dụng, cầu cảng cá này không thể hoạt động như thiết kế ban đầu, cụ thể nhất là tàu cá dài trên 15 m khó ra vào.
Năm 2015, dự án cầu cảng cá sông Trà Bồng được BQL KKT Dung Quất phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Thế nhưng, cầu cảng cá không có diện tích vùng nước cảng, không đảm bảo diện tích vùng đất cảng, không đảm bảo độ sâu luồng và vùng nước trước cầu cảng để tàu cá có chiều dài 15 m trở lên ra vào, không có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; không có lượng hàng thủy sản qua cảng (0 tấn/năm)…
Năm 2019, Công ty TNHH Thiên Phú trúng đấu giá khu hậu cần cảng cá sông Trà Bồng và được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao quyền quản lý, khai thác, sử dụng, duy tu bảo dưỡng cầu cảng và các hạng mục trên bờ, với tổng diện tích 0,97 ha. Tuy nhiên, việc giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác, sử dụng lại không phù hợp với quy định theo luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017 của Chính phủ. Ngày 5.8.2020, BQL KKT Dung Quất đã có công văn thu hồi các hạng mục công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH Thiên Phú. BQL KKT Dung Quất cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi về những vướng mắc, bất cập tại cầu cảng cá này.
Theo công văn UBND H.Bình Sơn gửi Sở Tài chính Quảng Ngãi vào tháng 8 vừa qua, công trình nói trên chưa đạt cảng cá loại 3 theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 3.7.2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có khu neo đậu tàu thuyền tránh bão giai đoạn 2021 - 2030. Vì vậy, để công bố mở cảng cá này cần phải đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công trình cảng, thủ tục quy định pháp lý về vùng nước cảng… Do địa phương không đảm bảo việc tiếp nhận quản lý, khai thác, sử dụng cảng cá này nên việc UBND tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 giao tài sản cầu cảng cá sông Trà Bồng từ BQL KKT Dung Quất về cho Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi là hợp lý.
VƯỚNG ĐÂU GỠ ĐÓ…
Tháng 9 vừa qua, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tiếp nhận tài sản và quản lý, sử dụng, khai thác cầu cảng cá sông Trà Bồng. Theo đó, sở này có trách nhiệm xây dựng cảng cá nói trên đáp ứng tiêu chuẩn cảng cá loại 3, trở thành cảng cá vệ tinh của cảng cá Sa Cần, phục vụ ngư nghiệp; xây dựng cảng cá thành nơi neo đậu tàu thuyền... Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, ưu tiên năm 2026 để xây dựng các hạng mục cầu cảng cá sông Trà Bồng còn thiếu so với quy định.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết khi tiếp nhận cầu cảng cá sông Trà Bồng còn vướng việc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi chưa thu hồi đất và cấp cho Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi (khoảng 6.500 m2). Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở TN-MT khẩn trương thực hiện phần việc này. Khi có đất, Sở NN-PTNT sẽ xây dựng phương án phát huy hiệu quả của cảng cá sau đầu tư. Sở NN-PTNT sẽ thuê tư vấn để xem xét nạo vét luồng vào cảng, vũng neo đậu tàu thuyền ở cảng. "Muốn nạo vét thì phải có khảo sát, đánh giá kỹ. Tuy nhiên, Sở GT-VT tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa công bố tuyến luồng giao thông đường thủy nên còn vướng thủ tục", ông Phương cho biết.
Theo ông Phương, trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo xây dựng cảng cá sông Trà Bồng, vướng chỗ nào thì Sở NN-PTNT sẽ báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi tháo gỡ, mục tiêu là đưa cảng cá vào sử dụng hiệu quả.
Bình luận (0)