Hợp phần hệ thống trạm bơm trên sông Hiếu và sông Con (qua H.Nghĩa Đàn, TX.Thái Hòa và H.Tân Kỳ, Nghệ An) thuộc dự án công trình thủy lợi Bản Mồng do Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Mỗi trạm bơm được đầu tư từ 30 - 60 tỉ đồng bao gồm cả hệ thống mương bê tông dẫn nước. Có 7/8 trạm bơm đã hoàn thành từ năm 2016 nhằm bơm, dẫn nước tưới cho đất lúa và hoa màu của các huyện, thị nói trên nhưng hoạt động không hiệu quả.
8 năm chỉ mới… chạy thử vài lần
Đó là trạm bơm Vực Giồng (P.Long Sơn, TX.Thái Hòa). Trạm bơm này được đầu tư xây dựng 2 máy bơm chìm, nhà vận hành, trạm biến áp, 2 tuyến kênh chính dài gần 3 km, 4 tuyến kênh cấp 1 dài hơn 2,6 km. Công trình này có vốn đầu tư 30 tỉ đồng, hoàn thành năm 2016 nhưng từ đó đến nay, trạm bơm chỉ chạy thử vài lần rồi rơi vào tình cảnh "đắp chiếu".
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi trạm bơm và hệ thống kênh mương dẫn nước hoàn thành, chủ đầu tư dự án bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp nhận để quản lý vận hành nhưng địa phương đã từ chối. Mục tiêu của dự án là phục vụ tưới tiêu cho hơn 70 ha lúa và 150 ha hoa màu nhưng thực tế, một lãnh đạo địa phương cho biết, hệ thống kênh nổi dài nhiều cây số nhưng chỉ tưới cho khoảng 8 ha lúa. Địa hình dốc nên để tưới cho 8 ha này phải bơm tiếp một lần nữa từ kênh dẫn lên hồ chứa tự nhiên để nước tự chảy xuống, nhưng hệ thống bơm này chưa có. Diện tích đất bãi trồng mía, ngô lâu nay không có nhu cầu tưới hoặc nếu cần thì chỉ tưới được một số diện tích nằm gần hai bên kênh nên hệ thống thủy lợi nói trên khi đưa vào sử dụng cũng không có nhiều tác dụng. Trong khi đó, công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lại phức tạp, tốn kém nên chính quyền địa phương từ chối tiếp nhận.
Sau nhiều năm không bàn giao được cho địa phương, năm 2021, chủ dự án đã giao cho Công ty TNHH thủy lợi Phủ Quỳ quản lý, vận hành. Trước khi bàn giao, trạm bơm được chạy thử rồi sau đó lại tiếp tục bỏ không từ đó đến nay.
Một lãnh đạo P.Long Sơn cho hay tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho vận hành trạm bơm để tránh lãng phí và bảo vệ các tuyến kênh mương đã xây dựng khỏi bị xuống cấp. Tuy nhiên, đến nay trạm bơm vẫn đang ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết nguyên nhân khiến trạm bơm phải "đắp chiếu" là do hệ thống điện lưới không còn tương thích. Theo thiết kế, trạm biến áp tại đây sử dụng điện áp 10 kV. Năm 2021, ngành điện lực đã nâng cấp đường dây vận hành từ 10 kV lên 22 kV khiến trạm biến áp không còn tương thích với cấp điện áp mới và trạm bơm phải ngừng hoạt động.
Trả lời cử tri TX.Thái Hòa về số phận của trạm bơm Vực Giồng, ngoài lý do trạm biến áp, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An cho biết việc bàn giao trạm bơm đang bị vướng theo quy định tại Nghị định 129/2017 của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chỉ là đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi, không phải là đơn vị quản lý tài sản hạ tầng kết cấu thủy lợi. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với cấp tỉnh là UBND các huyện và cấp xã. Đối với trạm bơm Vực Giồng, Sở NN-PTNT Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh Nghệ An về việc giao đơn vị khai thác quản lý tài sản, vận hành công trình nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc chưa có ý kiến phân giao cụ thể.
Hiệu quả không như mong đợi
Bên cạnh đó, trạm bơm Hòn Rô ở xã Nghĩa Bình (H.Tân Kỳ) và 14 km kênh mương bê tông được xây dựng với mục tiêu cấp nước cho hơn 430 ha lúa, hoa màu và tạo nguồn nước sinh hoạt trong vùng. Công trình tốn 62 tỉ đồng này được bàn giao cho xã Nghĩa Bình quản lý vận hành từ năm 2016. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, cho biết 8 năm qua, trạm bơm chỉ mới hoạt động 3 lần, mỗi lần 5 - 7 ngày và phải "đắp chiếu" từ năm 2020.
Theo ông Thắng, gần 270 ha lúa của xã lâu nay có 10 hồ đập cung cấp nguồn nước tưới tự chảy nên rất ít khi thiếu nước. Chỉ khi nào các hồ đập này kiệt nước thì mới cần dùng đến trạm bơm, nhưng trạm bơm Hòn Rô cũng chỉ tưới được cho khoảng 90 ha lúa. Đất bãi ven sông trồng hoa màu, nếu tưới từ hệ thống kênh mương này thì phải đầu tư hệ thống tưới phun hoặc tưới nhỏ giọt chứ không thể tưới tràn như đất lúa.
"Lâu nay, người dân ở đây chọn thời vụ để trồng các loại cây phù hợp với thời tiết nên không cần tưới nước thường xuyên. Để sử dụng nước từ hệ thống kênh mương này thì phải có điện lưới để bơm tiếp. Chi phí đầu tư cao, chưa kể chạy trạm bơm cũng rất tốn điện, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân không mặn mà", ông Thắng cho hay.
Chưa hết, từ năm 2020 đến nay, trạm bơm này cũng không thể hoạt động vì nước sông bị hạ thấp khiến 2 máy bơm chìm treo trên không. "Sở NN-PTNT đã cho người lên kiểm tra, chúng tôi đã kiến nghị sở nên đánh giá lại tính hiệu quả của trạm bơm, vì nếu đầu tư để hạ máy bơm nhưng ít sử dụng thì sẽ gây thêm lãng phí", ông Thắng nói và cho rằng nếu trạm bơm Hòn Rô dẫn nước lên các hồ chứa để từ hồ chứa nước tự chảy xuống đồng ruộng thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với thiết kế mương dẫn như hiện tại.
Trong số 7 trạm bơm đã hoàn thành, có 4 trạm đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV thủy lợi Tân Kỳ quản lý và khai thác từ 8 năm qua. Tuy nhiên, ông Võ Văn Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Tân Kỳ, cho biết các trạm này cũng hoạt động rất phập phù. Trong đó, có trạm bơm Tân Khánh (xã Nghĩa Khánh, H.Nghĩa Đàn) và trạm bơm Vực Đạo (xã Nghĩa Đồng, H.Tân Kỳ) phải dừng hoạt động từ năm 2018 và 2019 do nguồn nước sông bị cạn khiến máy bơm chìm bị treo trên không và không thể lấy được nước.
Ông Tuấn cũng cho hay do các trạm bơm này được thiết kế máy bơm chìm, không phù hợp với điều kiện tự nhiên nên rất khó khăn trong vận hành, chưa kể việc sửa chữa, bảo trì máy cũng rất phức tạp và tốn kém chi phí. Hai trạm bơm còn lại dù đang hoạt động nhưng diện tích tưới cũng rất ít, không tương xứng với chi phí đầu tư. "Trạm Gò Vịm ở xã Nghĩa Khánh chỉ tưới khoảng 50 ha lúa, trạm Cây Khế (xã Nghĩa Hợp) cũng chỉ phục vụ vài chục ha lúa, còn lại là hoa màu", ông Tuấn cho biết.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự án thủy lợi Bản Mồng có 23 trạm bơm nhưng do thiếu vốn nên chỉ mới xây được 8 trạm bơm và mương dẫn nước. Ông Nguyễn Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết đối với các trạm bơm không còn hoạt động do nguồn nước sông bị tụt và trạm biến áp không còn tương thích, Sở đã lên phương án và sẽ sớm cho sửa chữa, nâng cấp.
Bình luận (0)