Cầu chờ sập

18/03/2013 10:06 GMT+7

Nhiều năm qua, 2 cây cầu với tuổi đời già nua ở xã Hải Trường (H.Hải Lăng, Quảng Trị) luôn là nỗi ám ảnh với người dân địa phương.

Cầu chờ sập
Cầu Đạt Dài tuy nhỏ nhưng “cõng” trên lưng trách nhiệm nặng nề, nay đã không thể  xuống cấp hơn -  Ảnh: N.P

Cầu Đạt Dài ở thôn Hậu Trường được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ. Dù hết sức nhỏ bé (dài gần 10 m, rộng gần 3 m) nhưng khi còn vững vàng, cây cầu này là điểm nối của thôn với đồng lúa rộng gần 100 ha.  Nay, do cầu đã hư hỏng nặng, phần lát bê tông trên mặt cầu đã bị gãy bể, những thanh sắt đã bị ăn mòn, cột chống cầu ngã nghiêng nên cầu rất yếu, chỉ có thể phục vụ người đi bộ, còn việc vận chuyển phân bón, lúa thu hoạch xem như không thể.

Ông Trương Quang Ánh, Chủ nhiệm HTX Hậu Trường than thở: “Nếu trước đây khi cầu còn tốt, bà con chỉ vượt khoảng 500m là qua được đồng, nhưng nay phải đi đường vòng với khoảng cách hơn 5km mới tới nơi. Bà con vất vả lắm nhưng do kinh phí địa phương khó khăn nên không giúp phụ được gì”. Đáng nói, cầu Đạt Dài nằm giữa đồng này không chỉ là lối đi duy nhất phục vụ sản xuất lúa cho 450 hộ dân thôn Hậu Trường mà còn là đường đi chính của 30 hộ dân thuộc xóm 7 (cùng thôn Hậu Trường, nhưng nằm bên kia cầu Đạt Dài).

Chung cảnh ngộ, cầu Xóm Sen ở thôn Mỵ Trường cũng đang trên đà chờ... sập. Cây cầu được thiết kế hết sức giản đơn, không có lan can, có chiều dài chừng 30m bắc qua sông Ô Khê. Ông Trương Văn Giản, Phó Chủ nhiệm HTX Mỵ Trường cho biết cầu được xây từ sau năm 1975, ban đầu là chiếc cầu làm bằng gỗ, tre, mặt cầu bằng ván nhưng do mưa lũ liên miên nên cầu nhiều lần bị cuốn trôi. Để khắc phục, HTX đã hỗ trợ kinh phí mua những thanh đường rau tàu hỏa về làm trụ và dầm cầu cho chắc hơn. Cách đây khoảng 3 năm, dân cùng HTX góp tiền đúc những tấm bê tông lát trên mặt cầu. “Tuy vậy, do các bộ phận cầu không đồng bộ nhưng lại sử dụng đã hàng chục năm nên đến giờ đã xuống cấp hết, nhiều tấm bê tông đã bị nứt nẻ, bờ đất hai đầu cầu cũng đã bị sạt lở, phải gia cố bằng tre. Đến mùa lũ là bà con huy động nhau ra vớt rác rưởi bám ở trụ cầu khơi thông dòng chảy, nếu không cầu trôi liền”, ông Giản nói.

Hiện nay, khi đứng trên cầu và giẫm chân nhẹ cây cầu cũng rung rinh. Chính vì vậy khi phải lụy đến cây cầu từ đi lại, vận chuyển lúa má, máy móc đến rước dâu, đưa tang... người dân địa phương phải tính toán, kiêng dè người đi trước kẻ theo sau, không dám đi đông, đi mạnh. Tuy vậy 54 hộ dân của xóm Sen vẫn phải phụ thuộc vào cây cầu này trừ phi có thể... bay qua sông. “Tui cũng đã từng té cầu này vài lần nhưng năm nay đã 82 tuổi không ngại, chỉ thương đám nhỏ, ngày ngày phải đi học qua đây... Thật mong chính quyền quan tâm chuyện này cho dân bớt khổ!” cụ Trương Rớt, một người dân địa phương tha thiết nói.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.