Câu chuyện bất ngờ, cảm động về cô sinh viên khiếm thị đam mê tình nguyện

25/01/2024 10:55 GMT+7

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em ở một làng quê thuộc H.Ba Vì, Hà Nội, Nguyễn Diệu Linh (21 tuổi) là người duy nhất trong nhà mắc khiếm thị bẩm sinh. Một bên mắt mù vĩnh viễn, một bên mắt chỉ nhìn được 1/10, thế nhưng điều đó không làm cuộc sống của Linh chậm lại.

Không chỉ học tập tốt, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện…, Diệu Linh còn trúng tuyển vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bằng sức lực của mình. Trạm yêu thương tuần này với chủ đề "Tô cuộc sống sắc màu" sẽ kể về hành trình tự lập đầy lạc quan của cô sinh viên khiếm thị 10X, lúc 10 giờ ngày 27.1 trên kênh VTV1.

Câu chuyện bất ngờ, cảm động về cô sinh viên khiếm thị đam mê tình nguyện- Ảnh 1.

Nguyễn Diệu Linh xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương cùng bố và cô giáo

VTV

Không nhìn rõ mọi thứ, nhưng Nguyễn Diệu Linh lựa chọn vẽ một bức tranh để gửi lời chào đến khán giả của Trạm yêu thương.

"Dù một mắt chỉ nhìn thấy 1/10 nhưng em vẽ một bức tranh đầy màu sắc bằng cảm nhận của mình từ trái tim và sự lạc quan. Và đó cũng là điều mà em muốn lan tỏa với mọi người khi tham gia chương trình", Diệu Linh chia sẻ.

Một bức tranh với những bông hoa hướng dương rực rỡ luôn hướng về phía ánh sáng không chỉ toát lên sự quyết tâm và nỗ lực của cô gái khiếm thị mà còn phần nào thể hiện được tính cách của Diệu Linh.

Qua lời kể của bố Linh - chú Nguyễn Ngọc Nguyên, khi sinh ra Linh đã mắc khiếm thị, mắt em nhắm nghiền không mở và quấy khóc suốt ngày. Mặc dù gia đình đã đưa đi nhiều nơi để thăm khám và chạy chữa nhưng Linh cũng chỉ nhìn được một bên mắt với thị lực 1/10, một bên còn lại đã vĩnh viễn không thể nhìn được mọi thứ.

Dù thiệt thòi hơn các anh chị em trong nhà, thế nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Linh đã rất lạc quan và vui vẻ. Bố Linh kể lại: "Cháu không nhìn thấy nhưng nghe thấy tiếng bước chân ai cũng nhanh miệng chào, thấy anh chị chơi trò gì cũng đòi tham gia, không thiếu trò nào cả".

Không nhìn thấy mọi thứ, nhưng Diệu Linh lại rất ham học. Không thể học chung với các bạn mắt sáng, 7 tuổi, Linh mạnh dạn xin phép bố mẹ cho ra Hà Nội để theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Xa nhà, xa người thân, một mình nơi đất khách quê người đã khiến cô gái nhỏ mạnh mẽ hơn. Em dần hòa nhập, tự lập và mạnh dạn tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao của trường.

Nhờ sở hữu giọng hát ngọt ngào cao vút, Diệu Linh càng tự tin tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người khiếm thị. Chính những hoạt động ấy khiến em thêm yêu đời, có niềm tin vào cuộc sống và nỗ lực tham gia để truyền đi những năng lượng tích cực.

Sự xuất hiện bất ngờ của cô giáo Lê Thu Hương đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về Diệu Linh - người mà em coi như người mẹ thứ 2 của mình. Chính sự nhiệt huyết và sự hết mình vì những người yếu thế đã trở thành sợi dây kết nối Linh và cô Hương. Qua những mẩu chuyện mà cô Hương kể, khán giả phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả mà Linh đã trải qua, càng thêm thấu hiểu sự mạnh mẽ, nghị lực và lạc quan của cô gái khiếm thị này.

Bài hát Mẹ yêu được Diệu Linh thể hiện trong chương trình không chỉ là món quà gửi đến gia đình, gửi đến cô Hương mà còn giúp khán giả có cơ hội được thưởng thức giọng hát ấm áp, ngọt ngào và sâu lắng của em.

Câu chuyện bất ngờ, cảm động về cô sinh viên khiếm thị đam mê tình nguyện- Ảnh 2.

Diệu Linh hát ca khúc Mẹ yêu trên sân khấu Trạm yêu thương

VTV

Những lời chia sẻ từ những người bạn học cùng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Đội tình nguyện CLB RB - Cộng đồng u nguyên bào võng mạc đã giúp khán giả thêm hiểu rõ hơn về những ngày bận rộn nhưng đầy ý nghĩa của Diệu Linh, em dành phần lớn thời gian của mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may trong cuộc sống.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Diệu Linh mong muốn em sẽ hoàn thành tốt việc học ở trường, có thêm thời gian tham gia tại Dự án thiện nguyện hoa hướng dương và truyền được nhiều kinh nghiệm sống, nhiều kiến thức hơn cho các em nhỏ khiếm thị để cuộc sống của các em được dễ dàng hơn, muôn màu muôn vẻ hơn.

Có những giọt nước mắt và có cả những nụ cười hạnh phúc, nhiều câu chuyện bất ngờ xen lẫn cảm động về cô sinh viên khiếm thị Nguyễn Diệu Linh sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề "Tô cuộc sống sắc màu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.