Câu chuyện đổi số của MB và tham vọng đạt mốc 30 triệu khách hàng năm 2026

26/05/2023 09:00 GMT+7

Không chỉ là chuyển đổi thành một ngân hàng số, mục tiêu của MB còn là trở thành một doanh nghiệp số vào năm 2026. Chính điều đó đã tạo ra sự khác biệt lớn của MB trên thị trường.

Nhiều con số ấn tượng về kết quả chuyển đổi số toàn ngành đã được công bố trong sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay nhiều ngân hàng đã có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Đáng chú ý, khoảng 74,63% người trưởng thành hiện nay đã có tài khoản ngân hàng, so với con số 68% được báo cáo cách đây 1 năm.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là điển hình cho một ngân hàng chuyển đổi số thành công hàng đầu thị trường hiện nay. Nhà băng này đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch qua kênh số đạt tới mức 95% và quy mô giao dịch thuộc top đầu Việt Nam.

Đằng sau những con số ấn tượng về chuyển đổi số của toàn ngành nói chung và MB nói riêng được nhắc đến ở trên, thì quá trình để đi đến kết quả đó không hề dễ dàng.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết: "Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng chung của tất cả các ngân hàng cũng như các tổ chức khác. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thành công vì việc này đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, bài bản và chuyên nghiệp".

Thách thức với những tổ chức chuyển đổi số từ rất sớm, chẳng hạn tại MB, thời gian đầu phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực và tiền của mà chưa rõ kết quả có như kỳ vọng hay không. CEO MB khẳng định: "Kinh doanh số rất khác, không phải chỉ cần bỏ tiền ra làm là nhìn thấy ngay kết quả. Mình đổ tiền và con người ra làm, còn câu chuyện thị trường có chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Do đó, chỉ có thể miệt mài làm từng chút một, vận động nguồn lực của hàng nghìn con người, đầu tư hằng năm hàng chục triệu đô liên tục trong 5 năm thì mới có kết quả như hôm nay".

Có thể nói, MB là một trong những nhà băng có tăng trưởng lượng khách hàng mới ấn tượng nhất trong năm vừa qua nhờ chuyển đổi số. MB đã gây bất ngờ khi thu hút hơn 7 triệu khách hàng mới chỉ trong năm 2022. Theo đó, nhà băng này đã có hơn 20 triệu khách hàng, tức khoảng 20% dân số Việt Nam có tài khoản MB.

Câu chuyện đổi số của MB và tham vọng đạt mốc 30 triệu khách hàng năm 2026 - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Năm 2022, nhà băng này ghi nhận doanh thu trên kênh số tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2021. Việc ứng dụng công nghệ giúp MB vận hành hiệu quả hơn, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập xuống dưới 30%, thuộc nhóm thấp trên thị trường.

Năm 2023, MB tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng, đưa số lượng khách hàng lên khoảng 25-27 triệu. Con số này đã được ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua. Năm 2026, MB tham vọng sẽ chinh phục mốc 30 triệu khách hàng.

Ông Phạm Như Ánh nhấn mạnh, mục tiêu của MB không chỉ là một ngân hàng số hóa mà xác định đến năm 2026 trở thành doanh nghiệp số. Đây cũng là điểm khác biệt lớn của MB trên thị trường. Tham vọng của MB là 50% doanh thu của tập đoàn đến từ kênh số trong tương lai. Việc phát triển doanh nghiệp số sẽ tiếp tục dựa trên 2 nền tảng chính là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp).

"MB sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng trên 2 nền tảng, liên tục update (nâng cấp) sản phẩm. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng hơn vào việc kinh doanh trên dữ liệu, sử dụng AI, Big Data để có sản phẩm cá nhân hóa cho từng khách hàng, phục vụ tốt nhất cho từng khách hàng cụ thể. Việc này sẽ cần một thời gian, nhưng làm được sẽ có hiệu quả rất lớn", ông nói.

Câu chuyện đổi số của MB và tham vọng đạt mốc 30 triệu khách hàng năm 2026 - Ảnh 3.

Ngoài ra, thời gian qua, MB cũng triển khai mạnh mẽ mô hình MB SmartBank (ngân hàng tự động thông minh) và tương đối thành công. Hiện nay MB phục vụ lượng lượng khách hàng rất lớn, tới hơn 20 triệu. Do đó, bên cạnh việc nâng cao trải nghiệm trên kênh số như App MBBank và BIZ MBBank thì vẫn phải tiếp tục phát triển mạng lưới giao dịch do người dùng vẫn sẽ cần các điểm chạm trực tiếp. Tuy nhiên, mở rộng mạng lưới theo phương thức truyền thống thì sẽ rất tốn kém và MB đã phát triển hệ thống MB SmartBank giúp ngân hàng phục vụ khách hàng một cách toàn diện hơn.

"Hiệu quả của chuyển đổi số đã giúp MB phát triển mạnh trong 5 năm vừa qua và tiếp tục phát triển trong thời gian tới", ông Phạm Như Ánh khẳng định và tự tin về chiến lược của ngân hàng những năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.