Câu chuyện giáo dục: Dạy người, một câu hỏi lớn cần lời đáp

03/10/2019 14:46 GMT+7

Khai giảng đầu năm học 2019 này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đưa ra thông điệp: Cần bàn chuyện “dạy người” trong nhà trường. Nếu bây giờ, bất ngờ hỏi tôi hay một ai đó, vậy “dạy người” trong nhà trường là dạy gì chắc cũng khó trả lời.

Đơn giản, vì lâu nay chúng ta gần như không nghĩ tới chuyện này. Không nghĩ tới, thì làm sao trả lời nội hàm, nội dung của “dạy người” là thế nào được?

Có một phụ huynh viết ý kiến trên một tờ báo chuyên về kinh tế, nêu có lẽ cái đầu tiên có thể dạy học sinh lớp 1 là dạy lễ. “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Đạo đức có “phổ” rất rộng, nhưng trong nhà trường, với các em bé 6 tuổi hay 7 tuổi, thì “đạo đức” có thể chỉ là lễ phép, ngoan, biết nghe lời người lớn nhưng “người lớn” như thế nào, và “lời” gì, mới là then chốt. Nếu “người lớn”, ở đây tạm hiểu là phụ huynh thường nói những lời khó nghe, “người lớn” là thầy cô tìm nhiều cách để lôi kéo các em về học thêm ở nhà mình, nếu không học sẽ “có chuyện” thì làm sao “người lớn” dạy các em “làm người” đây?
Tùy từng bậc học, giáo án “dạy làm người” sẽ khác nhau, nhưng phải có sự kế thừa, và quan trọng nhất, phải hết sức thực tế. Tuyệt đối không dạy những điều viển vông, vì nó chẳng những không vào cư trú trong đầu học sinh, mà cũng chẳng có ích lợi gì cả.
Nội hàm “người lớn” với những học sinh bậc học lớn, như THCS, THPT, thì không chỉ là cha mẹ ông bà ở nhà, không chỉ thầy cô giáo ở trường, mà còn là toàn bộ ban giám hiệu, và trên nữa, là các quan chức ngành giáo dục, kể cả Bộ GD-ĐT. Đó mới là những “người lớn” thực thụ của các em. Vì thế, những “người lớn” ấy sống như thế nào, tư cách đạo đức ra sao, thì mới có thể là “người lớn” trong mắt các em. Khác đi, mà khác theo hướng tiêu cực, theo hướng xấu, thì không mong gì trở thành “người lớn đích thực” trong mắt các em học sinh đâu!
Đó chính là cái khó của ngành giáo dục. Nó khác, với ngành xây dựng, chẳng hạn. Nếu mấy quan chức thanh tra của Bộ GD-ĐT mà hành xử như mấy vị thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc cách đây chưa lâu, thì làm sao có thể trở thành “người lớn” trong mắt học sinh được?
Hiện nay trong nhà trường, ở nhà trường mới “chính danh” dạy học sinh làm người, đặng sau này các em vào đời, có thể làm nghề xây dựng hay làm ở bất cứ ngành nghề nào, cũng đều sống như những công dân tốt, những người biết lấy “xanh, sạch, đẹp” làm lẽ sống của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.