Câu chuyện giáo dục: Cải cách giáo dục trước nhiều nỗi lo

13/05/2019 09:00 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức đợt tập huấn giáo dục phát triển năng lực và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho 200 báo cáo viên nguồn là những giảng viên sư phạm.

Muốn có nền giáo dục tốt, cần có những giáo viên tốt. Nhưng hiện nay, một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức. Bộ GD-ĐT cần có ngay giải pháp thanh lọc đội ngũ nhà giáo chứ không nên nóng đâu phủi đó rồi loay hoay làm những điều “to tát” nhưng chưa thực sự cấp thiết.
Đất nước phát triển nhưng ngành giáo dục vẫn còn tình trạng giáo viên “chạy sô” trong phòng học khiến nhiều phụ huynh lo lắng: Lẽ nào giáo dục quay lại những năm khốn khó? Những lớp ghép mà báo chí nêu trong thời gian gần đây cho thấy còn rất nhiều khó khăn trong điều kiện học tập, nhất là những trường thuộc vùng sâu, vùng xa. Phòng học mà lớp nọ xọ lớp kia như thế liệu có tải được chương trình và sách giáo khoa mới? Liệu có áp dụng được phương pháp dạy học tiên tiến?
Cải cách giáo dục lần này được Bộ GD-ĐT kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về chất lượng. Nhưng Bộ đã biết rõ giáo viên, lực lượng quyết định thành bại của bất cứ nền giáo dục nào, tiếp nhận với tâm thế ra sao? Cải cách giáo dục có trơn tru không khi tình trạng nơi này thiếu giáo viên nghiêm trọng, nơi kia thừa tới mức phải đột xuất cắt hợp đồng? Nhiều giáo viên vừa dạy chính môn vừa phải dạy trái tay. Chẳng hạn giáo viên dạy hóa kiêm toán, sử kiêm giáo dục công dân, văn kiêm công nghệ...
Ngoài ra, những bài học không phù hợp vẫn còn. Chẳng hạn môn công nghệ có cần thiết không khi giáo viên dạy những môn này hầu hết đều không có... chuyên môn. Còn với phụ huynh thì đây là môn “khủng bố” bởi hầu hết học sinh đều hối thúc bố mẹ làm bài tập thực hành do giáo viên giao.
Cải cách giáo dục sẽ ra sao khi giáo viên vẫn không sống được bằng lương? Họ đang sống từ dạy thêm trái phép, vẽ quảng cáo, hùn hạp buôn bán, làm MC đám cưới... Thậm chí sống bằng cách... bán luôn lương tâm để có tiền như vụ gian lận điểm thi tồi tệ năm 2018 vừa qua. Khi giáo viên thiếu hạnh phúc thì làm sao học sinh đến trường trong hạnh phúc?
Tình trạng bạo lực học đường đó đây vẫn tiếp diễn. Học sinh đi dưới câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” trong tâm trạng buồn lo. Đánh đấm trong phòng học, cấu xé ngoài hành lang, lột quần áo trước cổng trường! Bình yên nào cho các em?
Một chương trình giáo dục mới sắp bắt đầu nhưng còn quá nhiều nỗi lo trong thực tiễn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.