Câu chuyện giáo dục: Hãy để học sinh thể hiện sự trưởng thành

17/06/2019 10:14 GMT+7

Lễ trưởng thành và tri ân cho học sinh (HS) cuối cấp THPT lúc đầu được tổ chức ở một số trường dân lập tại TP.HCM từ hơn 15 năm trước.

Sau đó, Sở GD-ĐT TP.HCM thấy được ý nghĩa của lễ trưởng thành và tri ân  nên yêu cầu nhân rộng ra tất cả trường phổ thông. Đến năm học 2009 - 2010, Bộ GD-ĐT đã đưa hoạt động này thành nhiệm vụ thứ 2 trong 5 nhiệm vụ của năm học này.
Đó là yêu cầu các trường phổ thông trên toàn quốc phải tổ chức lễ trưởng thành và tri ân cho HS khối lớp 12. Hiện nay buổi lễ này còn được tổ chức cho các khối lớp 5, 9 ở nhiều trường tiểu học và THCS.

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của hoạt động này bởi lẽ nó tạo ra không khí thiêng liêng, xúc động cho HS, phụ huynh và giáo viên; giúp các em ý thức về sự trưởng thành, ý thức về công ơn của cha mẹ, thầy cô. Tuy nhiên, chúng tôi thấy còn nhiều băn khoăn về buổi lễ này. Trước hết, với đối tượng HS là lớp 5 và lớp 9 thì có nên coi các em là đã “trưởng thành” được không? Vì rất nhiều trường tiểu học đã tổ chức lễ trưởng thành cho HS lớp 5. Quá chú trọng đến hình thức sẽ rất tốn kém. Nếu các buổi lễ (tổng kết, tri ân) không khéo tổ chức sẽ dẫn đến chồng chéo, dàn trải, gây cảm giác mệt mỏi cho người dự.
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở Q.Tân Bình, TP.HCM nói: “Muốn có hình tập thể lớp đẹp nên phải thuê trang phục cho các em mặc với giá tiền thuê mỗi bộ không nhỏ....”. Để có hoa, quà, bánh kem..., để cho buổi lễ được hoành tráng, HS phải đóng góp tiền. Điều này vô tình đã tạo ra tâm lý không hay, mất đi một phần ý nghĩa của một buổi lễ vốn mang nhiều ý nghĩa.
Điều cần thay đổi nhiều nhất hiện nay là cách tổ chức chương trình trong lễ  trưởng thành và tri ân cho HS lớp 12. Thay vì giáo viên “làm chủ” buổi lễ từ kịch bản thì các trường nên giao việc cho các HS. Để các em tự nhiên có cơ hội được bày tỏ lòng tri ân, cho các em chứng tỏ sự trưởng thành của mình. Các kịch bản cũng không nên quá dàn trải, mà cần cô đọng, ngắn gọn, cần có những điểm nhấn thật sự tự nhiên để tạo ra những khoảnh khắc thiêng liêng, xúc động, ý nghĩa.
Có một vài giáo viên không bằng lòng khi cho rằng những bài hát biểu diễn trong các buổi lễ hiện nay rất ít ý nghĩa, đa số không phù hợp với nội dung buổi lễ. Tôi thấy nhận xét này chính xác. Vì quá chiều chuộng thị hiếu của giới trẻ, các bài hát rất ý nghĩa về gia đình, cha mẹ, thầy cô thiết tha, sâu lắng một thời đã ít thấy dần trong các buổi lễ tri ân, lễ nhà giáo...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.