Chúng ta nói rất nhiều về sự phát triển chóng mặt, đảo lộn của thế giới, về sự “trật tự thế giới mới” được thiết lập bởi các “ông lớn” công nghệ. Và rất nhiều cha mẹ, thầy cô, các nhà làm chính sách hoang mang loay hoay, hoảng hốt trước bài toán giáo dục, cải cách giáo dục trong kỷ nguyên số. Nhưng càng đi trong giông bão, càng phải bình tĩnh lùi lại để xem: chúng ta đang đi đâu? Đây (thời đại này) là đâu và chúng ta là ai?
Thời đại tự phá vỡ chính mình
Nếu có một mô tả nào đó cho một người chưa hiểu lắm về những từ ngữ to tát như cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số... để hiểu về thời đại mà chúng ta đang sống, thì có thể dùng vài con số để bất kỳ người cha mẹ nào, bất kỳ một thầy cô giáo nào cũng có thể hình dung được. Đó là những con số trên một bàn cờ thế giới.
Để mô tả các hiểm hoạ đe doạ loài người, trên bàn cờ của thế kỷ thứ 19 trở về trước, tại Pháp năm 1694, quân cờ mang tên “nạn đói” đã làm chết 2,8 triệu người Pháp (15% dân số). Tại Hội nghị Lương thực thế giới họp lần đầu tiên tại Rome, kịch bản ngày tận thế được mô tả cho trường hợp của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc chẳng thể nào nuôi sống nổi 1 tỉ dân của họ.
Trên bàn cờ thế giới năm 2010, cả thế giới 7 tỉ người, quân cờ mang tên “nạn đói và suy dinh dưỡng” giết khoảng 1 triệu người, trong khi quân cờ mang tên “bệnh béo phì” khiến 3 triệu người chết.
tin liên quan
Tại sao càng cải cách, giáo dục Việt Nam càng rối rắm?Rõ ràng, giờ đây, tỷ lệ chết vì thiếu hiểu biết trong điều kiện rất thuận lợi sẽ nhiều hơn gấp 3 lần tỷ lệ chết do nghịch cảnh mang lại. Trong trí tưởng tượng của chúng ta, thật khó hình dung ra.
Để mô tả tốc độ thay đổi của thế giới, trên bàn cờ thế giới của cách đây 10 năm, quân cờ mang tên “thiết bị kết nối với Internet” có độ lớn là 500 triệu thiết bị. Ngày nay, con số đó đã tăng lên 12 tỉ, tương ứng có 7 triệu thiết bị được kết nối internet mỗi ngày. Dự báo đến 2020, con số đó sẽ tăng đến 50 tỉ thiết bị kết nối. Trong vòng 10 năm, độ lớn của quân cờ này tăng đến 100 lần, vậy suy ra mỗi năm trung bình tăng 10 lần!
Chính sự bùng nổ này đã tạo nên cái gọi là IOT – Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet Of Things). Đó là lúc bác xe ôm mất việc vào tay bạn sinh viên năm nhất hay năm tư, các công ty vận tải truyền thống mất khách hàng vào tay các công ty công nghệ không sở hữu một chiếc xe nào, và các trường đại học của các nước tiên tiến bỗng dưng trở thành trường đại học của cả thế giới bằng các khoá học MOOC (Massive open online course) – Khoá học trực tuyến mở. Kinh tế thế giới dịch chuyển thành Một nền kinh tế dùng chung: chung những chiếc xe (Uber, Grab..), những ngôi nhà (Airbnb), chung những người thầy (Khan Academy trên Youtube)….
Riêng đối với giáo dục, Khan Academy, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận của Mỹ, đã làm ra hàng trăm video ngắn (chủ yếu là về khoa học và toán) và chia sẻ chúng miễn phí trên mạng. Và hiện nay, khi đã có hàng trăm triệu lượt người xem trên kênh của mình, Khan Academy đang trở thành một nơi tham chiếu đáng tin cậy cho các nhà giáo dục tại Mỹ. Vào năm 2012, Phòng thí nghiệm truyền thông của đại học MIT đã thử nghiệm phương pháp dùng công nghệ di động để dạy một loạt các chủ đề và kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng đọc và viết cơ bản cho trẻ em và người lớn, ngoại ngữ và các khoá học nâng cao) tại Ethiopia, bằng cách cung cấp các máy tính bảng có cài sẵn các chương trình cho trẻ em lứa tuổi tiểu học mà không kèm theo chỉ dẫn hay giáo viên hướng dẫn. Kết quả của việc này gây kinh ngạc: chỉ trong vòng vài tháng, những đứa trẻ có thể đọc được toàn bộ bảng chữ cái và viết được nguyên văn các câu bằng tiếng Anh!
Hãy tưởng tượng đến cái ngày mà phần lớn các công việc hiện nay của giáo viên hoàn toàn có thể thay thế bằng các phần mềm ứng dụng. Rồi thầy cô giáo chúng ta sẽ làm những việc gì?
Cải cách giáo dục: cần bình tĩnh!
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh này để khi nghiên cứu về cải cách giáo dục, hay nói giản dị hơn là sửa soạn một tư duy giáo dục, chúng ta, những người lớn đang tạo ra các trẻ em hiện nay và người trưởng thành trong tương lai, phải bình tĩnh.
|
tin liên quan
Tìm về giá trị cơ bản trong giáo dụcChúng ta phải lùi lại, thành thực và có tự trọng để trả lời câu hỏi này: ta đang dạy cho trẻ lớn lên là vì trẻ, hay vì chính chúng ta?
Chúng ta đang ra chính sách giáo dục cho trẻ được hưởng thụ hay cho công việc mỗi ngày chúng ta phải hoàn tất theo tiến độ, theo quy trình? Chúng ta đang dạy cho trẻ theo khuôn mẫu để được công nhận là thực thi đúng cách, để bảo vệ sự an toàn của công việc đang nuôi sống gia đình chúng ta, hay là trẻ thật sự cần như vậy? Chúng ta đang phó mặc con cái cho hệ thống giáo dục, để có đủ thời gian cho những nhu cầu cá nhân, hay chúng ta đã thực sự nghĩ về giáo dục? Chúng ta phàn nàn, chửi bới mọi thứ liên quan đến giáo dục, mà chúng ta đã thực sự xắn tay vào giải quyết chuyện này hay chưa?
Điểm tiếp cận vào tư duy giáo dục phụ thuộc vào những gì chúng ta mong đợi ở một đứa trẻ trong bối cảnh xã hội mà chúng đang phải trưởng thành. Trong bối cảnh mà con người tương lai phải thay đổi công việc rất nhiều lần, tuổi thọ nghề nghiệp bình quân rất ngắn ngủi, đòi hỏi một con người phải có khả năng thích nghi và tự học không ngừng, thì việc trang bị cho trẻ những hiểu biết về cuộc sống, về con người, về chính trẻ quan trọng hơn nhiều so với việc cắm cúi làm việc cày cuốc kiếm tiền cho con học công nghệ, toán tư duy, ngoại ngữ và các loại kỹ năng khác bất chấp con có thích và hiểu vì sao chúng phải học hay không.
Nền tảng của giáo dục trong kỷ nguyên số: Tình thương và lòng trắc ẩn
Một vài từ khoá để cha mẹ và thầy cô giáo có thể tham khảo cho việc hình thành tư duy giáo dục của mình trong bối cảnh mới: 3 lần Hiểu (Hiểu mình, Hiểu người, Hiểu thế giới); để có 3 lần Tự (Tự học, Tự do, Tự chủ); 3 lần Thuận (Thuận tâm, Thuận cảnh, Thuận thân).
Khi những việc cần ghi nhớ trên đời này đã có robot lo; những việc khó khăn như dời núi lấp bể xưa kia nay đã trở nên dễ dàng hơn vì đã có cộng đồng chung tay lo thông qua các nền tảng truyền thông công nghệ; những mảnh đời dễ dàng được chia sẻ hơn thông qua các ứng dụng được thiết kế riêng cho từng loại nhu cầu vi tế của con người (bao gồm cả ăn, mặc, học hành, giao lưu, du lịch, tình yêu, kết hôn, sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tâm thần….); thì nhiệm vụ của con cái chúng ta là gì? Khi một cú nhấp chuột cũng có thể tạo nên khủng bố, một bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội có thể gây chết người, thì giá trị bắt buộc phải có của con cái chúng ta là gì?
Tài sản của những đứa trẻ trong tương lai, thứ có thể phân biệt chính nó với robot, thứ có thể giúp nó sống hài hoà bình tĩnh và thú vị trong một thế giới phủ đầy cơ hội cho đủ mọi dạng tài năng, hay một thế giới trùng trùng biến đổi, trùng trùng thách thức, chính là Lòng trắc ẩn để không gây ra hoạ, và Tình thương để giúp đỡ chính mình và những người khác. Tài sản của chúng cũng sẽ là một thứ chẳng thể nào thiếu được: tinh thần dấn thân tự học không ngừng.
Mà ngạc nhiên chưa, hai thứ tài sản cơ bản này lại có thể trang bị được từ trong nếp nhà, nếp trường, nếp lớp, kế đến là nếp quốc gia, mà chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào! Ai nói quốc gia nghèo, trường nghèo, nhà nghèo, thì không thể?
Trong thời đại mà mọi thứ đều bị phá vỡ bởi tiến bộ công nghệ, thì có một thứ không được quyền phá vỡ: đó là tình thương là lòng trắc ẩn của chúng ta. Đó là nền tảng của giáo dục ở thời đại này. Và đừng quá sợ hãi khi nghĩ rằng tình thương thì không mang ra ăn được. Với tình thương, ta sẽ có 3 lần Hiểu, 3 lần Tự, và 3 lần Thuận. Làm được đến đó thì kỷ nguyên này chẳng làm khó bất kỳ ai. Đó cũng là nền tảng vững chắc của bất kỳ cuộc cải cách giáo dục nào.
Bình luận (0)