Câu chuyện giáo dục: Khi học sinh không muốn về nhà

01/02/2021 10:04 GMT+7

Nhiều năm gần đây, thỉnh thoảng tôi vô tình nghe thấy một số học sinh (HS) tâm sự với nhau hay có những HS chia sẻ về việc không muốn về nhà sau khi tan trường.

Nỗi lòng của HS cũng là nỗi trăn trở của người nghe khi biết cụ thể những gì HS chia sẻ. Trong bài viết này, người viết xin chia sẻ ba câu chuyện ở ba trường khác nhau trên địa bàn TP.HCM.
Người cháu hiện đang học tại một trường ở quận trung tâm thành phố kể rằng, người bạn thân của cháu thường không muốn về sau mỗi chiều tan lớp. Ba mẹ “cơm không lành, canh không ngọt” nên mỗi khi ở nhà em cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng. Mỗi lần nghe ba mẹ cãi nhau, em càng nản, học hành không được.
Một lần trong giờ ra chơi thấy nam sinh chống nạng đi ở hành lang, tôi hỏi thăm và nói với em để tôi dìu em xuống sân trường. Sau đó hai thầy trò có mấy phút chuyện trò. Tôi hỏi quê ở đâu, em cho hay quê em ở một tỉnh giáp ranh TP.HCM. Nghe thế tôi hỏi: “Vậy tuần nào con cũng được về với gia đình?”. Nghe em trả lời rất ít về, tôi hơi ngạc nhiên vì suốt tuần em học ở nội trú, nhà cách trường chỉ vài giờ đồng hồ đi xe máy. Em tâm sự: “Về nhà chán lắm thầy ạ. Ba con cứ dạy con theo truyền thống, hay so sánh thời xưa của ba. Hai ba con không hợp tính nên rất dễ cãi nhau. Con thấy buồn nhiều hơn vui”.
Còn câu chuyện thứ ba là tâm sự của một cậu học trò thích ở nội trú chứ không muốn về nhà. Trường có rất nhiều thứ để giải trí: sách rất nhiều, phù hợp với HS, có sân chơi bóng đá, bóng rổ và nhiều sân chơi khác. Song, đó không phải là lý do chính để em ở lại trường. Phải thừa nhận rằng, em là một học trò chưa ngoan, điều này ảnh hưởng từ gia đình, đó chính là từ người ba. Mỗi cuối tuần em về sẽ bị lời nặng tiếng nhẹ, bị đánh không phải là điều hiếm hoi. Có lần ba đến trường đón nhưng em không chịu. Em “trốn” trong nội trú để được có ngày cuối tuần không bị áp lực.
Thay vì được về nhà là niềm vui khi được ăn bữa cơm tối đầm ấm bên gia đình; nhất là đối với HS nội trú, được về bên cha mẹ sau một tuần xa gia đình, được thoát khỏi kiến thức sách vở… thì một số HS lại thích điều ngược lại. Có đặt mình vào trường hợp HS, có lắng nghe HS chia sẻ, người lớn chúng ta mới hiểu được rằng điều mà con trẻ muốn trong mái ấm gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.