Trong không khí nhộn nhịp, nôn nao đón tết ở khắp các trường học, có một hoạt động thường được tổ chức dịp cuối năm: xổ số vui xuân. Một phong trào với ý nghĩa tích cực muốn gửi gắm thông điệp “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” nhưng cũng còn nhiều điều cần bàn.
Xổ số vui xuân nhằm giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn đón cái tết đầm ấm, no đủ hơn bằng cách trích khoảng 40% số tiền bán vé để tặng quà tết, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Vậy nhưng, không phải mọi đứa trẻ khi chìa tay mua tấm vé với giá khoảng năm nghìn đồng ấy đều hiểu rằng mình đã góp một phần bé nhỏ giúp bạn.
Lẽ ra, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể, các thầy cô giáo cần tuyên truyền rõ ràng, sâu sắc về ý nghĩa của hoạt động xổ số vui xuân, giá trị của món quà giúp bạn nghèo có thêm tấm áo mới, cặp bánh chưng, ít mứt bánh đón tết.
Bên cạnh đó, xổ số giúp bạn nghèo nhưng trong nhiều trường hợp, học sinh nghèo, khó khăn cũng phải mua số. Đa phần các em lớp trên có thể miễn cưỡng mua vé dù biết rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, còn học sinh đầu cấp cực kỳ ngây thơ trả lời gọn lỏn: “Cháu không mua vé, cháu không có tiền”.
Vậy nhưng sĩ số lớp có bao nhiêu em đã được nhân lên với số vé quy định phát về lớp. Nếu giáo viên chủ nhiệm giao khoán cho ban cán sự lớp phát vé, thu tiền thì bọn trẻ cứ thế ép bạn phải nhận vé số, nộp tiền. Tôi đã từng chứng kiến cô bé lớp bên cạnh khóc tức tưởi không nhận vé số bởi nhà em rất nghèo. Vì vậy, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, ban tổ chức cần tính toán đến việc miễn giảm số lượng vé số cho học sinh nghèo, cận nghèo.
Để xổ số vui xuân trọn niềm vui, mong rằng các nhà trường đừng tổ chức hoạt động một cách qua loa, hình thức để rồi ý nghĩa tích cực của xổ số giúp bạn nghèo chưa thật sự lan tỏa…
Bình luận (0)