Cậu học trò chinh phục khối rubik đầy mê hoặc

25/08/2017 11:01 GMT+7

Mặc dù đang học lớp 10 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhưng Nguyễn Hoàng Bách đã có bốn năm chinh phục khối rubik đầy mê hoặc.

Lợi nhuận đến từ việc đầu tư rubik
Giới thiệu về bộ sưu tập của mình, Hoàng Bách nói: “Như bao cuber khác trên thế giới, khối 3 x 3 x 3 là khối rubik đầu tiên tôi có vinh dự được chạm đến do một người bạn thân năm lớp 6 của tôi cho mượn. Kể từ đó, hành trình nghiên cứu tìm hiểu và giải của tôi càng trở nên sâu sắc hơn. Thế là tôi đã trải qua được 4 năm trong cuộc hành trình vô tận này rồi. Bộ sưu tập hiện tại của tôi có khoảng 40 khối đủ thứ kiểu và hình hài khác nhau. Có nhiều người sẽ cho đây là bộ sưu tập cỡ trung trong “xã hội rubik” nhưng đối với tôi, nó cũng đủ làm tôi ngập đầu với vô số công thức”. Trong những khối rubik ấy, cậu học trò quý nhất đó chính là khối 3 x 3 x 3 đơn giản. Bởi: “Nó là thứ khơi nguồn niềm đam mê cho nên xét về mặt tinh thần thì đây vẫn là khối tôi trân trọng nhất. Tuy nhiên, nếu mà xét về giá trị thì khối 13 x 13 x 13 vẫn là khối “ghê gớm” nhất mà tôi sở hữu”.

Khi được hỏi về chuyện: “Người ta bảo thú vui sưu tầm nào cũng sẽ tốn kém về thời gian lẫn tiền bạc!”. Cậu học trò lớp 10 khẳng định: “Khi nghe cụm từ “người ta nói”, tôi tin rằng điều đó chắc là đúng vì nếu không thì “người ta nói” làm gì. Nhưng tốn kém về mặt thời gian, tiền bạc chỉ là một khía cạnh nhỏ trong những điều mà rubik có thể đem đến cho chúng ta. Hãy tưởng tượng mọi sự tốn kém là vốn đầu tư của mình vào một dự án, và dự án thì có cái lỗ cái lời, đúng không? Nothing ventured, nothing gained. Trong trường hợp của tôi, lợi nhuận đến từ việc đầu tư vào rubik là vô cùng to lớn”. Thật vậy, rubik mang đến cho Bách rất nhiều sự thay đổi. Ví dụ như trước đây cậu là một người nóng nảy, ghét tiếp nhận những thứ mới mẻ, ít thân thiện thì bây giờ rubik đã giải thoát phiên bản lỗi này. “Tôi dễ tính hơn, kiên nhẫn hơn, đơn giản hơn và đặc biệt là, cởi mở hơn với xung quanh”, cậu học trò lớp 10 chia sẻ.
Cậu học trò chinh phục khối 1

Nói về việc truyền cảm hứng thì theo tôi, tôi chỉ chơi một cách tự nhiên và nếu bạn cảm thấy bị cuốn hút, bạn sẽ tự có cảm hứng như tôi. 

Với những ai am hiểu về rubik, nhìn vào bộ sưu tập của Nguyễn Hoàng Bách sẽ đều ngạc nhiên hỏi: “Chỉ là học trò mà sao đã có tiền để mua nhiều khối rubik độc đến như vậy?”. Trả lời thắc mắc đó, Hoàng Bách nói: “Đúng là tôi còn trong tuổi ăn tuổi học thiệt nhưng tôi lại may mắn được sinh ra trong một gia đình có ba và mẹ lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của tôi (nhưng tôi không bao giờ đòi hỏi quá đáng đâu nha). Về mặt này, tôi khó có thể hướng dẫn ai trong việc sắp xếp thời gian vì học sinh bây giờ đa số đều ngập mặt trong bài vở lẫn đi học thêm. Nhưng nếu có thể thì hãy tận dụng những giờ ra chơi trên trường và những lúc lên mạng vô bổ... để biến nó thành thời gian chơi rubik nha bạn”.
Khám phá sự biến hóa của sắc màu
Để chinh phục những khối màu, có người cố gắng giải thật nhanh nhưng lại có người theo trường phái phải giải thật nhiều. Nguyễn Hoàng Bách nói: “Tôi là một cuber có xu hướng về giải nhiều hơn là giải nhanh cho nên tôi ít khi học “fast-cubing method” (công thức giải nhanh) để khỏi tốn bộ nhớ của tôi”.

Chia sẻ thêm về cách chinh phục những khối màu rubik, cậu học trò Trường Trần Đại Nghĩa cho biết: “Nếu mà nói về thuật toán thì tôi nhớ cũng tàm tạm vài công thức cơ bản để giải những khối mà tôi có. Còn khi nào lâu quá không giải thì chỉ cần lên mạng là có thể thu hồi lại kiến thức liền à. Nhưng nếu ai mà giải nhiều thì thuật toán chỉ là một cách nói khác của phản xạ mà thôi. Đôi khi mình có thể giải một cách dễ dàng mà nói mình chỉ cho người khác thì lại không thể. Vì nó đã biến thành phản xạ rồi chứ không còn liên quan tới thuật toán nữa”.
Cậu học trò chinh phục khối 2
Cậu học trò chinh phục khối 3
Cậu học trò chinh phục khối 4
Cậu học trò chinh phục khối 5
Tiết lộ về khả năng giải rubik của mình, Hoàng Bách nói: “Nói thì hơi xấu hổ nhưng 3 x 3 x 3 tôi giải nhanh nhất là 40 giây mấy ấy. Đúng thật, nhiều pro-cubers sẽ cười và nói tôi “Vậy mà cũng đòi làm cuber à?”. Nhưng thực tế là vậy, tôi chỉ thích giải nhiều khối thôi chứ không muốn giải nhanh. Một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó chính là giải 2 x 2 x 2 trong tia chớp. Nhờ vào các công thức Ortega nên tôi đã một lần ăn hên là giải chỉ trong khoảng dưới 5 giây. Tôi rất vui mừng và gần như ném khối đó xuống đất”.
Chưa có khối rubik nào mà Hoàng Bách không giải được cả vì mò dần rồi sẽ ra thôi. Nhưng có một khối làm cậu đau đầu đó chính là lần đầu tiên giải 4 x 4 x 4 vì đây là khối số chẵn như 6 x 6 x 6, 8 x 8 x 8 thì đoạn đầu có thể làm mình rối ở phần xác định tâm nên tôi đã sai mà không biết mình sai ở đâu. Chưa kể các công thức Parity của nó cũng cực kỳ dài và đau đầu. Nên đối với Hoàng Bách, nỗi ám ảnh của rubik là những khối số chẵn.
Ngắm nhìn một lượt bộ sưu tập của mình, Hoàng Bách cho biết thêm: “Có một khối rubik mà tôi mong mỏi tìm kiếm đó là khối Oskar's Treasure Chest Cube của Oskar van Deventer. Có lẽ lần buồn nhất tôi trải qua trong quá trình sưu tầm đó chính là khi mua khối Megaminx không tâm về và phát hiện ra nó bị lỏng và rớt các miếng rubik dần ra trong khi xoay. Nói về việc truyền cảm hứng thì theo tôi, tôi chỉ chơi một cách tự nhiên và nếu bạn cảm thấy bị cuốn hút, bạn sẽ tự có cảm hứng như tôi. Tôi hay tìm mua rubik ở thegioirubik.com hoặc nhờ dì tôi mua ở amazon.com”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.