NUÔI CÔNG KHAI
Đầu tư 1.300 m2 tọa lạc mặt tiền TP.Thuận An làm "công viên bò sát" để thỏa mãn đam mê nuôi, chăm sóc các loại bò sát, đặc biệt là rồng Nam Mỹ Iguana, ông Ngô Hoài Nam từng được nhiều báo đài phỏng vấn về tình yêu đối với động vật, như bài Ông bố Bình Dương làm công viên bò sát tiền sử 1.400 m2 cho con do VnExpress đăng tải; hay ký sự truyền hình Khu vườn bò sát trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Ngoài ra, ông Nam hiện đang là Chi hội trưởng Chi hội Bò sát cảnh TP.HCM trực thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM.
Tuy nhiên, tháng 12.2020, Công an TP.Thuận An phối hợp nhiều ban ngành khám xét, lập biên bản vi phạm đối với ông Ngô Hoài Nam, về việc nuôi nhốt động vật hoang dã gồm: 6 loài, 311 cá thể, do ông Nam chưa xuất trình được hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Biên bản tang vật vi phạm ghi rõ: 303 cá thể kỳ nhông Iguana (hay còn gọi là rồng Nam Mỹ), 2 cá thể kỳ nhông sừng, 3 cá thể rùa núi vàng, 1 cá thể rùa Centrochelys sulcata, 1 cá thể gà lôi trắng, 1 cá thể kỳ đà hoa.
Qua làm việc với Cơ quan CSĐT Công an TP.Thuận An, ông Nam trình bày do sở thích nuôi động vật, năm 2010, ông tìm hiểu và mua 10 cặp cá thể rồng Nam Mỹ về chăm sóc nuôi dưỡng, cho giao phối sinh sản nhân giống, đến nay là 303 cá thể. Các cá thể còn lại, ông mua lại từ các quán nhậu ở TP.HCM khi thấy có khả năng chúng bị giết thịt.
Để xử lý việc nuôi nhốt động vật hoang dã của ông Ngô Hoài Nam, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thuận An đã trưng cầu hội đồng định giá tài sản TP.Thuận An định giá các cá thể liên quan. Song song đó, nhằm phục vụ giám định và định giá để có căn cứ xử lý, đồng thời cơ quan chức năng không có chỗ nuôi nhốt, bảo quản theo quy định; không có đơn vị nào tiếp nhận cứu hộ nên đoàn kiểm tra thống nhất giao ông Ngô Hoài Nam tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng những cá thể động vật hoang dã nói trên.
Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 1: Ranh giới đam mê và pháp luật
RỒNG NAM MỸ LÀ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC II CITES
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, rồng Nam Mỹ Iguana là động vật hoang dã nằm trong Phụ lục II CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng… nếu không được kiểm soát.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Hoài Nam cho biết bản thân ông có tình yêu lớn đối với sinh vật cảnh nên từ tò mò, thích thú tìm hiểu, dần dà thành đam mê nuôi dưỡng. Ông cũng nhìn nhận: "Từ khi bị lập biên bản vi phạm, tôi biết mình đã sai khi nuôi động vật hoang dã mà không có giấy phép, và rất muốn khắc phục điều đó. Và mong được các cơ quan chức năng hướng dẫn làm sao để có thể mở được một trang trại, được đăng ký và được chăm sóc các bạn bò sát này đúng với pháp luật và được pháp luật công nhận đây là một ngành nghề".
Đầu tháng 5 vừa qua, ông Ngô Hoài Nam được cung cấp kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự (UBND TP.Thuận An). Trong đó, với 308 cá thể, gồm: 303 rồng Nam Mỹ Iguana thuộc Phụ lục II CITES, và 5 cá thể khác thuộc nhóm IIB (danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) được xác định giá trị hơn 420 triệu đồng.
Về kết luận định giá trên, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội Trương Việt Toàn cho rằng vi phạm ngay từ đầu của ông Nam là hành vi mua bán không rõ nguồn gốc các cá thể là động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES, vì vậy ông Nam phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Còn việc lai tạo, nhân giống về sau (từ F1 trở đi) thì không thể gọi là động vật hoang dã và buộc ông Nam phải chịu trách nhiệm.
PHẢI CHỨNG MINH ĐƯỢC NGUỒN GỐC HỢP PHÁP
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá hành động giải cứu, hoặc có tình yêu thiên nhiên đối với động vật hoang dã là điều rất tốt, nhưng mọi hoạt động đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. "Vụ việc của ông Nam cũng là bài học để cảnh tỉnh những người có ý định giải cứu, nuôi nhốt động vật hoang dã", ông Hoan nói.
Theo LS Hoan, trong trường hợp người dân phát hiện hành vi nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, giết mổ trái phép các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm, thì cần phải báo ngay cho các cơ quan chức năng như cơ quan thú y, cơ quan kiểm lâm hoặc UBND cấp xã gần nhất để có phương án xử lý kịp thời. "Nếu người dân muốn nuôi nhốt, chăm sóc động vật hoang dã, cần phải tìm hiểu kỹ các quy định về pháp luật", LS Hoan nêu.
LS Hoan cho biết thêm: "Theo quy định tại điều 11 của Nghị định 06 năm 2019 của Chính phủ, để nuôi nhốt các loài động vật hoang dã, người dân phải đảm bảo 3 yếu tố: nguồn gốc rõ ràng; đảm bảo an toàn cho người nuôi; theo dõi, báo cáo cho cơ quan chuyên môn (y tế, thú y, kiểm lâm) để có sự theo dõi cần thiết và trong trường hợp xảy ra sự cố không mong muốn, các cơ quan này sẽ phối hợp người nuôi để xử lý, làm sao đảm bảo độ an toàn của người nuôi cũng như động vật một cách tốt nhất". Song ông Hoan cũng chia sẻ để thực hiện đúng tiêu chí trên là rất khó và hầu như người dân không tìm được tiếng nói chung trong thủ tục với cơ quan chức năng, nên người dân thường "bỏ qua" thủ tục.
LS Hoan cũng khuyến nghị người dân nên tìm hiểu kỹ Nghị định 06 năm 2019 và Nghị định 84 năm 2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Đồng thời nghiên cứu thêm danh mục các động vật, thực vật thuộc hàng quý hiếm, được quy định trong Công ước CITES, đây chính là chìa khóa để những người yêu động vật hoang dã thực thụ có thể ngăn ngừa rủi ro pháp lý, bao gồm nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về quy định xử phạt, LS Nguyễn Thanh Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nêu đối với hành vi vi phạm liên quan đến nhóm động vật thuộc Phụ lục II CITES hoặc nhóm IIB, định lượng để xử phạt hành chính dựa vào giá trị của động vật, bộ phận động vật hoặc sản phẩm từ động vật. Nếu giá trị được xác định từ 150 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 234 bộ luật Hình sự 2015. "Trong trường hợp giá trị tang vật dưới 150 triệu đồng mà chưa từng bị xử phạt hành chính, thì người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 35 năm 2019 của Chính phủ", LS Tuấn nói.
Điều kiện nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại
Theo thông tin từ các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội, việc nuôi nhốt, mua bán rồng Nam Mỹ Iguana đang khá phổ biến, thậm chí đây được xem là mô hình làm giàu, làm kinh tế giỏi.
Dù việc trao đổi mua bán là công khai, nhưng thực tế nuôi, mua bán như trên đã đủ điều kiện theo quy định pháp luật hay chưa còn là dấu hỏi. Điều 15 Nghị định 06 năm 2019 nêu, điều kiện nuôi động vật hoang dã nguy cấp thuộc Công ước CITES vì mục đích thương mại thì cần đảm bảo nguồn giống hợp pháp: khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi hợp pháp khác. Bên cạnh đó, chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh…
Bình luận (0)