Cầu mây nữ Việt Nam từ Doha đến Palembang

01/09/2018 13:21 GMT+7

12 năm trước tôi may mắn là 1 trong số ít phóng viên thể thao có mặt tại ASIAD Doha (Qatar) chứng kiến sự bùng nổ của cầu mây nữ Việt Nam (VN) khi quật ngã cả Thái Lan ở chung kết đồng đội nữ và Myanmar tại trận tranh ngôi vô địch đôi nữ. Hôm qua dù chưa thể tái lập kỳ tích này ở Palembang nhưng với tôi đây là tiền đề để cầu mây nữ VN tìm lại chính mình.

Cảm giác sướng run người trong tháng 10 giá lạnh của thủ đô Doha (Qatar) năm 2006 cùng với những hình ảnh sau 2 trận chung kết cầu mây nữ như hiện về mồn một trước mắt tôi khi những cô gái áo vàng nhỏ nhắn ôm chầm lấy nhau, nhiều người bật khóc vì quá đỗi hạnh phúc, có người tay quẹt vội nước mắt chảy dài trên khuôn mặt vì chiến thắng đến quá đổi bất ngờ. Từ HLV Hà Tùng Lập đến từng cầu thủ mà tôi còn nhớ vanh vách từng cái tên, nào là Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy của đội 1, Nguyễn Đức Thu Hiển, Nguyễn Thị Hoa, Lê Thị Hạnh của đội 2, Nguyễn Thanh Thu Ba, Nguyễn Thị Thúy An, Nguyễn Bạch Vân của đội 3 đều rạng rỡ tự hào xúc động đến mức không thể nói nên lời.
Khi bài Tiến quân ca được cất lên cùng với lá cờ VN bay cao, các cô gái đã cùng hát một cách hùng hồn nhất với đôi mắt hoen đỏ. Tôi đứng nhìn họ đầy khâm phục và xúc động vì lần đầu tiên các cô gái nhìn rất mỏng manh này đã ghi dấu ấn lịch sử đánh bại cả 2 cường quốc mạnh về cầu mây nữ là Thái Lan và Myanmar để ghi tên vào không chỉ bảng vàng ASIAD mà còn giúp cho thể thao VN hoàn thành chỉ tiêu đề ra khi đó là 3 HCV.
Tôi còn nhớ ông Nguyễn Hồng Minh, khi đó là trưởng đoàn thể thao VN đã ôm lấy từng người và liên tục nói nghẹn ngào hai tiếng “cảm ơn các con”. Cũng dễ hiểu khi ông Minh đã trải qua những giờ phút căng thẳng, ngột ngạt, âu lo đến mất ăn mất ngủ mà tôi cam chắc nhiều trưởng đoàn khác sau ông cũng chưa thấy vị đắng buồn rười rượi đó khi lần lượt nhiều niềm hy vọng của VN đều bay vàng như bắn súng, taekwondo, billiard, cờ vua... nên khi cầu mây nữ làm nên kỳ tích không phải 1 mà tới 2 chiếc HCV lấp lánh, vị trưởng đoàn 60 tuổi đó đã run người lên bần bật như thế nào.
Nữ cầu mây Việt Nam (áo vàng) với Lưu Thị Thanh, Hải Thảo làm nòng cốt đã vượt qua Thái Lan tại Doha 2006 để giành 2 HCV Ngô Nguyễn
Còn ông Hà Khả Luân, khi đó là phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội, đứng lặng lẽ ở một góc khán đài, khi tôi đến chúc mừng, giọng ông nói như ngắt quãng vì ông vẫn chưa tin các cô gái xinh đẹp do chính mình quản lý đào tạo (trừ Hải Thảo ở Đồng Nai và 2-3 VĐV đến từ địa phương khác nhưng cũng ăn tập ở Hà Nội, còn lại đều Hà Nội) đã gây chấn động ở Doha. Ông Luân thốt ra từng chữ trong niềm hạnh phúc tuôn trào “Hơn 10 năm kiên trì đầu tư cầu mây, phải liên tục động viên các em vượt qua biết bao khó khăn trở ngại cuối cùng cũng có quả ngọt”.
2 chiếc HCV cầu mây khi đó do đồng đội với 3 đội tuyển (regu) rất đồng đều, gần như ít thấy chênh lệch và sự nổi bật của Hải Thảo cùng Lưu Thị Thanh ở giải đôi nữ. Một người có kỹ thuật tung người sút cầu quá đỉnh luôn chiến thắng hàng chắn đối phương, còn một người bản lĩnh và kinh nghiệm đầy mình luôn thốt ra sự động viên tinh thần “Cố lên các em ơi” đã tạo nên cặp đôi hoàn hảo với những màn trình diễn quá tuyệt vời, chinh phục hết tất cả những ai có mặt, làm nên những điều không tưởng trước Thái Lan và Myanmar, gây ngỡ ngàng cho chính đối thủ.
Tiếc rằng sau thành quả đó, cầu mây nữ không còn giữ được mình. Lưu Thị Thanh chia tay do lớn tuổi dù sau đó một năm cô có trở lại chủ yếu để dìu dắt và động viên truyền lửa cho đàn em em. Hải Thảo bị chấn thương mất đi một chủ công giỏi, một vài gương mặt triển vọng bất ngờ đi lấy chồng và nghỉ thi đấu đã để lại khoảng trống hụt hẩng.Một thời gian dài cầu mây nữ chưa thể tìm được ai thay thế và kế thừa một cách xứng đáng.
12 năm thật quá nhanh. Giờ đây dù chưa hoàn toàn tìm lại được vinh quang như trong quá khứ nhưng tôi đã cảm nhận một thế hệ cầu mây nữ mới của VN đã xuất hiện ở Palembang có thể tiếp nối đàn chị ở Doha. Khi xem trận các em thua Hàn Quốc ở bán kết nội dung đội tuyển, tôi đã cảm nhận lứa cầu thủ này rất có triển vọng vì chơi rất tự tin, khéo léo và rất lì lợm trong từng đường bóng. Đó cũng là nhờ bàn tay của 2 nữ cầu thủ rất có kinh nghiệm trong vai trò HLV là Trần Thị Vui và Hoàng Thị Thái Xuân (2 người cùng với Lưu Thị Thanh từng có mặt ở ASIAD Bangkok 98) đem hết tài năng và kiến thức của mình để truyền đạt cho lứa trẻ này ngày một tiến bộ. Khi đó tôi cho rằng thất bại trước Hàn Quốc chỉ là tai nạn vì các em còn chưa dạn dày trận mạc quốc tế và cũng hơi thiếu sự vững vàng ở những tình huống quyết định bởi những cái đầu chưa thật lạnh lùng, đủ tỉnh táo xử lý khôn ngoan. Chứ thực tế VN hoàn toàn có thể thắng để lọt vào chung kết.
Rồi tôi đã không phải chờ đợi lâu khi chiều qua bất chấp sức ép của khán giả rất đông tại Palembang, 4 cô gái Nguyễn Thị Quyên, Giáp Thị Hiền, Dương Thị Xuyến,Nguyễn Thị Phương Trinh đã oanh liệt đánh bại chủ nhà 2-1 rất mạnh. Nên nhớ nữ Indonesia trong vài năm trở lại đây đã mạnh lên rõ rệt qua mặt Myanmar và chỉ còn đứng sau Thái Lan ở Đông Nam Á. Những các cô gái trẻ VN đã trình diễn một lối thi đấu tưng bừng dũng mãnh, nhập cuộc tự tin hào hứng làm tôi không thể không nhớ các cô gái của năm 2006.
Sáng nay khi các cô gái Việt đánh với Thái Lan, dẫu biết là cửa khó và thực tế đã thất bại vì vẫn dưới đối thủ về kinh nghiệm nhưng từ chiếc huy chương bạc với dàn cầu thủ trẻ trung, kỹ thuật khá, đầy khát khao và đồng đều này, cầu mây nữ VN hoàn toàn có thể tìm lại vinh quang ở những giải đấu quốc tế thời gian tới.
Mừng cho cầu mây VN sau 12 năm đã gầy dựng lại những gì đã có và mong rằng những bài học hôm nay sẽ tiếp lửa cho chiến dịch săn vàng tại ASIAD Hàng Châu 4 năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.