Câu tiếng Anh gây tranh cãi: Bộ chọn phương án B, giáo viên tiếp tục tranh luận

04/07/2023 06:05 GMT+7

Theo đáp án môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD-ĐT, lựa chọn đúng cho câu tiếng Anh gây tranh cãi là B. Các giáo viên tiếp tục tranh luận với những ý kiến trái chiều.

GIÁO VIÊN NÓI C MỚI HIỂN NHIÊN

Đầu giờ chiều qua (3.7), Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm, trong đó có môn tiếng Anh. Đáng chú ý, đáp án của Bộ GD-ĐT với câu hỏi tiếng Anh gây tranh luận mấy ngày qua là B (từ cần được sửa là "distinctive"). Trong khi đó, theo dư luận giáo viên (GV) tiếng Anh trong 4 ngày qua, câu hỏi này có 2 đáp án, và đáp án C (từ cần sửa là "comparative") lỗi sai dễ thấy hơn. Như vậy, với đáp án Bộ đưa ra, nếu thí sinh (TS) trả lời là C (từ cần được sửa là "comparative") thì sẽ không có điểm.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, nhiều GV bày tỏ sự bất bình, cho rằng đây là một đáp án không chỉ gây bất công cho TS giỏi hơn mà qua đó cho thấy Bộ không có khả năng nhận ra lỗi sai của tổ ra đề môn tiếng Anh.

Thầy Luyện Quang Kiên (Hà Nội), người 5 lần đạt 9.0 IELTS, thốt lên: "Sự thật là câu đó có 2 đáp án đúng!". Còn thầy Phạm Gia Bảo, một GV tiếng Anh khác chuyên dạy luyện thi IELTS ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng khẳng định: "Cả phương án B và C từ đều bị dùng sai, sai rất rõ ràng là đằng khác!".

Bộ GD-ĐT chọn một phương án B câu tiếng Anh, giáo viên tiếp tục tranh luận - Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM sau khi hoàn tất bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

NGỌC LONG

Theo thầy Bảo, qua trao đổi với các bạn nước ngoài dùng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ cho thấy, họ hay dùng sai lỗi ở phần B ("distinct" với "distinctive") nhiều hơn ở phần C ("comparative" với "comparison").

KHÔNG CHẤP NHẬN ĐÁP ÁN ĐÚNG CỦA TS LÀ BẤT CÔNG

Theo thầy Kiên, việc Bộ GD-ĐT chọn đáp án B có thể hiểu được nếu nhìn nhận từ góc độ nguyên tắc của người ra đề. Khi ra đề, người ra đề có mục tiêu là kiểm tra dựa trên những gì TS được học. Ở trình độ học sinh THPT, việc kiểm tra "distinct" với "distinctive" thì hoàn toàn có lý. "Comparative" với "comparison group" thường lên ĐH mới gặp hay đọc báo nghiên cứu mới gặp phải. Đúng là không có lý do gì để đưa khái niệm "comparative/comparison" vào bài thi dành cho học sinh lớp 12, vì nó không phải là một nhóm từ vựng phù hợp dành cho đối tượng người thi này.

Nhưng từ góc độ của những người đi thi, họ không có nghĩa vụ phải hiểu về nguyên tắc thiết kế bài kiểm tra. Họ đọc câu hỏi, trong đó yêu cầu chỉ ra lỗi sai; họ thấy lỗi sai và chỉ ra. Nếu họ chỉ ra đúng lỗi sai thì họ nên được điểm. Nếu không chấp nhận đáp án đúng của TS thì đó là một sự bất công.

Câu tiếng Anh gây tranh cãi- Bộ công bố đáp án, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn!2

Thầy Bảo cũng nêu ý kiến, ở trình độ THPT, khả năng cao là học sinh mới chỉ được học kiến thức ở câu B về từ "distinctive" và "distinct". Còn từ "comparison group" là từ vựng có phần hơi chuyên môn, thường khi học lên cao hơn (ví dụ như ở bậc ĐH), hoặc lúc làm nghiên cứu nhiều thì mới gặp. Nhưng nếu Bộ GD-ĐT chọn đáp án B là để phù hợp với trình độ học sinh THPT thì hơi dở. Bởi thực tế là từ "comparative" ở phương án C cũng sai rất rõ ràng, không thể nói là vì học sinh chưa được học nên không tính đến.

BGD-ĐT NÊN CHẤP NHẬN CẢ HAI ĐÁP ÁN

Thầy Kiên cũng cho biết, trong số học sinh của thầy dự thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tỷ lệ các học sinh giỏi chọn đáp án C cao hơn hẳn, các bạn yếu hơn thì thường chọn B. "Vì thế, sự bất công của đáp án mà Bộ GD-ĐT lại nhằm vào số TS giỏi hơn, vì các bạn giỏi hơn ấy sẽ bị mất điểm vì đã chọn C thay vì chọn B", thầy Kiên nhận xét.

Thầy Kiên nêu ý kiến: "Lỗi trong thiết kế câu hỏi đến từ bộ phận ra đề là hoàn toàn rõ ràng. Do đó, để công bằng cho các TS thì Bộ GD-ĐT nên chấp nhận cả hai đáp án".

Thầy Bảo cũng cho rằng: "Tranh luận về tính đúng sai, so đo câu nào đúng hơn, sai hơn thì cũng thực sự là lằng nhằng một cách không cần thiết. Bởi vì thực tế đề thi yêu cầu các em chọn câu sai. Cả hai đáp án có sai, những em nào đã chọn được đúng cái sai, dù bất kỳ cái sai nào, thì phải ghi nhận cho các em. Bộ phận ra đề đã có lỗi rồi thì nên nghiêm túc nhận lỗi và xử lý khéo léo để đảm bảo quyền lợi cho TS".

Câu tiếng Anh gây tranh cãi: Bộ chọn phương án B, giáo viên tiếp tục tranh luận - Ảnh 2.

Câu tiếng Anh gây tranh cãi

CHỤP MÀN HÌNH

Ngược lại, thạc sĩ Nguyễn Nhật Quang, Trưởng khoa Ngoại ngữ - Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Nova (TP.HCM), cho hay đáp án của Bộ là phù hợp. "Không thể phủ nhận thực tế là đề có hai lựa chọn đúng. Nhưng khi TS làm bài, cần đặt mình vào góc nhìn của TS chứ không phải chuyên gia nghiên cứu khoa học", thầy Quang nêu quan điểm.

"Bản chất đề thi tốt nghiệp THPT là đánh giá lại những khối kiến thức TS đã được học trên trường phổ thông, hay nói cách khác là "dạy gì thi đó". Như vậy, với nội dung trên lớp học tiếng Anh không hề đề cập nghiên cứu khoa học, sẽ khiên cưỡng nếu cho rằng TS phải khoanh trúng đáp án "comparative". Việc chọn "distinctive" sẽ hợp lý hơn vì từ này sai rất rõ về cách dùng", thầy Quang nhấn mạnh.

Chung quan điểm, một tổ phó tổ ngoại ngữ tại trường THPT cũng nhìn nhận đáp án do Bộ GD-ĐT đưa ra "chấp nhận được". "Nếu không xét đến bối cảnh nghiên cứu khoa học, "comparative group" là một cụm từ đúng ngữ pháp theo cấu trúc tính từ + danh từ như những gì TS đã được học trên trường phổ thông", vị này khẳng định.

Cũng theo thầy tổ phó, TS rất khó nhìn ra lỗi sai của từ "comparative" vì các em hầu như không có kiến thức về nghiên cứu khoa học. "Tuy nhiên, tôi ủng hộ phương án "cho điểm" câu này vì lỗi thuộc về khâu ra đề. Bản thân người ra đề chắc hẳn cũng không lường trước trường hợp này", thầy chia sẻ.

Từng đạt 9.0 IELTS, anh Cao Nguyên Cường, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết lựa chọn "distinctive" của Bộ GD-ĐT là đáp án "tốt nhất", tức "sai nhất" so với những phương án còn lại. 

Bộ cần lên tiếng rõ ràng thay vì im lặng

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn trắc nghiệm, trong đó có môn tiếng Anh, Báo Thanh Niên đã liên hệ với bộ này để đặt hai câu hỏi: "Bộ GD-ĐT có biết đến những tranh cãi về đề thi tiếng Anh trong mấy ngày qua không? Nếu biết, vì sao Bộ vẫn chỉ chọn một phương án đúng cho câu được cho là có hai phương án trả lời đúng?". Ông Phạm Tiến Toàn, Phó chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, trả lời Trung tâm truyền thông của Bộ GD-ĐT đã nắm bắt được thông tin và đã báo cáo. Hiện nay Trung tâm truyền thông đang đợi ý kiến từ Ban Chỉ đạo thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Sau khi có thông tin từ phía ban chỉ đạo thi, Trung tâm truyền thông sẽ gửi thông tin tới báo chí.

Trước thực tế này, thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi trực tuyến, cho rằng chỉ cần chênh lệch 0,1 điểm đã quyết định các bạn sẽ trúng tuyển hay trượt nguyện vọng yêu thích, chứ đừng nói đến số điểm 0,2 của câu hỏi gây tranh cãi này. "Bộ GD-ĐT cần lên tiếng rõ ràng thay vì im lặng như lúc này", thầy Công nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Công, để trấn an dư luận và không tạo hệ lụy xấu trong xã hội, Bộ GD-ĐT nên giải thích rõ quyết định vừa công bố chứ không phải để mặc tranh cãi diễn ra, nhượng bộ và chấp nhận lỗi sai, đồng thời có phương án xử lý ngay lập tức để đảm bảo quyền lợi của TS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.