Cầu vồng trên đỉnh Bạch Lang - Truyện ngắn của An Thư

An Thư
(Thanh Hóa)
15/09/2024 07:23 GMT+7

Cơn mưa đầu mùa kéo đến vào giữa buổi sáng. Những trận gió thổi rào rào trên mấy tán cây cổ thụ xanh thẫm, rồi chui qua khung cửa sổ chỗ Bình ngồi, khiến chiếc chuông gió cất lên tiếng kêu lảnh lót. Bình ngẩng mặt nhìn qua chấn song. Trong màn mưa, đỉnh Bạch Lang cao vút, mờ ảo như con cáo trắng cô độc, ẩn hiện giữa núi rừng.


Cầu vồng trên đỉnh Bạch Lang - Truyện ngắn của An Thư- Ảnh 1.

MINH HỌA: TUẤN ANH

Chợt có tiếng cãi cọ xuyên tiếng mưa, vọng lại từ khu nhà dành cho bệnh nhân phong. Bình khẽ mỉm cười. Chắc ông Dung và bà Nguyệt lại tranh chấp điều gì đó. Có thể, ông lỡ hái mấy cọng diếp cá, mùi tàu bên khoảnh vườn bé tí xíu của bà mà chưa xin phép. Có thể, chiếc móc áo của bà lỡ trôi tuột sang phần dây treo (đã được chia đôi bằng một nốt buộc) của ông. Hoặc cũng có thể, chiếc dao con cắt dọc mùng ông mượn bà từ lâu mà quên chưa trả... Hồi mới đến đây, Bình ngạc nhiên không hiểu tại sao ông bà lại có thể dễ dàng gây nhau suốt ngày. Giờ thì, anh đã quen đến mức, hôm nào không nghe thấy tiếng cãi cọ của hai người, lại thấy như thiếu điều gì đó.

Ông Dung và bà Nguyệt là hai trong số bốn người cuối cùng ở lại trại phong. Hồi Bình mới lên, trại còn "đông vui", như cách anh vẫn hay đùa. Giờ, các bệnh nhân đã lành bệnh, chuyển về sống ở khu kinh tế mới Làng Tô, cách trại hai cây số. Bốn người ở lại với các y bác sĩ, phần vì sức khỏe yếu, thường xuyên phải kiểm tra, thăm khám; phần vì họ chẳng còn ai thân thích, nên không biết đi đâu.

Mỗi lần thăm bệnh, khi Bình cầm bàn tay trái đã cụt đi ba ngón của ông Dung, ông đều ao ước: "Giá mấy ngón tay này mọc lại được, anh Bình nhỉ...". Thế rồi, mắt ông rân rấn nước. Bình biết, ông lại đang nhớ tới vùng ven biển quê nhà xa hun hút và mối tình đầu của ông.

Hồi đó, Dung khỏe mạnh, cao ráo, là người gặt cói, xe cói khỏe nhất làng. Cái đêm trăng sáng năm 17 tuổi, trên ruộng cói xanh thẫm ngút chân trời, Dung lần đầu được cầm tay cô gái mình thầm thương trộm nhớ. Thế mà, qua kỳ trăng, lớp da trên tay Dung cứ sần lên, nổi u cục, rồi không còn cảm giác. Trên cơ thể cũng bắt đầu xuất hiện những vết lở loét. Cái tin cậu trai khỏe mạnh nhất làng bị phong hủi lan truyền khắp các đồng cói. Khi đốt ngón tay đầu tiên rụng đi, Dung phải trốn chui trốn lủi trong buồng. Ông bố đi giỗ họ, không một ai dám ngồi cùng mâm, bà mẹ ra chợ bán chiếu, chẳng kẻ nào dám ghé qua hỏi một lời...

Dung tức tưởi bỏ nhà dò dẫm lên trại phong. Hơn năm mươi năm ở nơi núi rừng thâm u dưới chân dãy Bạch Lang, ông chưa một lần quay lại làng cói ven biển ấy. Nhưng cái nắm tay trong đêm trăng rờ rỡ thanh xuân thì vẫn trở về nhức nhối, mỗi khi ông nhìn xuống bàn tay đã cụt ngón của mình.

Bà Nguyệt tìm đến trại phong sau ông Dung vài năm. Hồi mới gặp, Bình đã nghĩ ngày xưa bà đẹp lắm. Dáng người bà dong dỏng, khuôn mặt đã già, nhưng vẫn còn nét thanh tú.

Năm Nguyệt 20 tuổi, cả cái làng vùng trung du náo loạn khi cô phát bệnh phong. Hóa ra, người cha của Nguyệt thời trẻ từng vào Tây nguyên làm phu cao su cho Pháp. Một lần, trên đường chuyển sang đồn điền khác, ông cùng các bạn phu vô tình ghé qua một làng phong giữa rừng. Khi trở về quê, ông vẫn khỏe mạnh, lấy vợ, sinh được bốn đứa con. Chỉ đến khi cô con gái phát bệnh, ông mới biết mầm mống căn bệnh quái ác ấy đã ủ trong người suốt mấy chục năm.

Mưa đã ngớt hạt, nhưng vẫn còn rả rích. Mùi thơm của thức ăn tỏa ra từ dãy nhà bệnh nhân làm Bình nhớ thiết tha cái bếp dầu ấm vùi của mẹ. Hồi ấy, nhà anh ở giữa một con phố bé xíu và tĩnh lặng, trong lòng thị xã nhỏ. Bằng nồi canh rau tập tàng, bát lạc rang chao mắm, chảo cá khô tẩm đường ớt, mẹ đã nhọc nhằn nuôi ba anh em Bình khôn lớn.

Tốt nghiệp trường y, Bình viết đơn tình nguyện lên trại phong công tác. Khi biết tin, mẹ Bình khóc ngất. Cả gia đình nội ngoại đều cấm cản. Nhưng tuổi trẻ mà. Tuổi trẻ ai chẳng có khát khao và lý tưởng. Tuổi trẻ cũng là khi niềm tin ở những gì mình chọn đầy ương bướng và mãnh liệt. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"... Bình nghĩ thế, và xách ba lô lên đường.

Cái ngày gia đình tiễn Bình lên với trại phong, cũng là một ngày mưa. Sau khi vượt hàng trăm cây số trên chiếc xe khách cà tàng, rồi lại vượt qua hàng chục ki lô mét đường rừng hun hút, trại phong khuất lấp giữa núi rừng hoang vu hiện ra trước mắt Bình, ảm đạm, buồn bã. Vị y sĩ già chuẩn bị nghỉ hưu, có đôi mắt hiền hậu, đón Bình với cái nắm tay thật chặt: "Cảm ơn cậu. Cảm ơn vì đã lên đây!". Lúc ấy, Bình bất chợt ngó về phía dãy nhà đối diện, nơi ở của các bệnh nhân phong. Trong hơi lạnh của cơn mưa chiều vừa tạnh, những cái đầu bàng bạc với đôi mắt đen hun hút lấp ló sau song cửa, tò mò nhìn vị bác sĩ trẻ...

Những ngày làm việc đầu tiên, nhìn thấy bệnh nhân người cụt tay, người cụt chân, cơ thể lở loét, luôn bốc ra mùi tanh ngái khó tả, Bình cố che giấu cảm giác ren rén trong lòng. Điều kiện ăn ở của trại lúc ấy còn khó khăn. Không có điện. Không có nước. Và thấm thía nhất là nỗi buồn tủi, cô đơn.

Trại phong nằm biệt lập, cách làng gần nhất dăm bảy cây số. Dòng suối dưới chân dãy Bạch Lang từng tưới tắm cho cả một vùng rộng lớn. Vậy mà, từ khi bệnh nhân phong về sống ở đây, dòng suối ấy liền bị gọi là suối Hủi. Không người dân của một làng nào còn dám bén mảng đến gần.

Bình nhớ mãi hồi mới về, khi ra trung tâm xã xử lý chút công chuyện, vị cán bộ gầy quắt ngại ngùng không dám bắt tay anh, gãi gãi đầu, hỏi thăm đôi câu rồi lẩn vội. Đi chợ phiên mua mớ rau con cá, bà con quý lắm, thương lắm, nhưng không ai muốn chạm vào Bình. Người ta sợ "con ma hủi" lẩn quất đâu đó trong người anh, chỉ cần một hơi thở, một cái chạm tay cũng có thể gieo rắc bệnh tật cho họ.

Những đêm buồn thăm thẳm trên đỉnh núi Bạch Lang, tiếng con nai trong rừng xa tác thảm thiết vào bóng tối đặc quánh, Bình nhớ thị xã đến nao lòng. Thị xã có mẹ với căn bếp ấm, có ánh điện nhộn nhịp và rực rỡ, có cả cô hàng bánh cuốn trẻ măng, xinh xắn ở cuối phố mà sáng nào Bình cũng ghé qua ăn...

Đã có lúc, Bình thoáng nghĩ: "Hay là về thị xã...".

Nhưng rồi, cứ mỗi lần Bình có ý định ấy thì lại xảy chuyện. Lần thì, cái tay ông Ngôn bị hoại tử, phải mang xuống bệnh viện tỉnh phẫu thuật cắt cụt ngón. Lần thì, bà Ngải già yếu, lúc nào cũng mơ sảng thấy "con ma hủi" hung ác đuổi bắt mình, chỉ khi có bác sĩ Bình ghé thăm bà mới yên tâm ngủ. Lần khác, ông cụ Định tuổi cao qua đời, không người thân thích, trại phong đứng ra mai táng, bác sĩ Bình phải đọc lời điếu văn. Rồi lại có lần, vợ chồng ông cụ Đột lành bệnh, xin chuyển ra khu kinh tế mới Làng Tô ở cùng con cái, nhất định mời các y bác sĩ ghé qua nhà chung vui....

Cứ thế, bác sĩ Bình đợi một ngày rảnh rang để rời trại phong, xin về thị xã, lấy vợ, sinh con cho mẹ có cháu bế bồng, mà hết việc buồn rồi việc vui kéo đến. Mãi rồi, cái trại phong ẩn mình nơi rừng núi đã trở thành mái nhà thứ hai của Bình. Mỗi khi nản lòng, anh lại nhìn vào đôi mắt của những bệnh nhân. Ở trong đó chất chứa nỗi đau tuyệt vọng vì bị cuộc đời chối bỏ, xa lánh, nhưng cũng ánh lên khát vọng sống kiên cường. Những đôi mắt ấy khiến Bình kiên định hơn, mỗi khi đứng giữa ngã ba chênh vênh của cuộc đời.

Thanh xuân lặng lẽ qua đi trên mái tóc bạc sớm của Bình. Mười năm lên trại phong, ngoài ba mươi tuổi, anh vẫn đơn chiếc. Bình thèm lắm một gia đình bé mọn, nơi có mâm cơm nóng hổi cuối ngày, có một chiếc giường ấm áp trong những đêm cả gió, có tiếng trẻ con bi bô tập nói ngoài hàng hiên... Nhưng thời đó, trong tâm thức của người dân, ám ảnh về "con ma hủi" quá khủng khiếp. Cả cái xã vùng cao ấy, ai cũng biết bác sĩ Bình tốt bụng, tài giỏi, chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân phong. Nhưng ai dám gả con cho một người suốt ngày làm việc, tiếp xúc với những người bệnh?

Phương cũng biết bố mình sẽ không bao giờ thuận ý gả con gái yêu cho bác sĩ Bình. Nhưng trong một đêm mùa hè của hai mươi năm trước, khi xã tổ chức giao lưu lửa trại, nụ cười đôn hậu của Bình khiến cô giáo mới ra trường rung động. Đầu năm học mới, Bình dẫn các em nhỏ từ làng phong ra lớp, gửi gắm cho cô giáo chủ nhiệm Phương đang năm đầu đi dạy với biết bao hy vọng. Khi Bình quay đi, anh không biết phía sau có một ánh mắt đen thăm thẳm ngó mãi theo mình...

Cái ngày Bình nắm tay Phương về nhà cô xin cưới, cũng là một ngày mưa. Ông bố cộc tính ném hết cốc chén từ trong nhà ra khoảnh sân ướt đầm, gằn giọng với con gái: "Bố có chết cũng không để mày dính dáng gì đến cái làng hủi ấy". Khi Bình buồn bã rời đi, Phương chạy theo anh dưới cơn mưa xiên ngang xiên dọc. Nhìn cô gái mỏng manh nép vào vòng tay, sống chết cũng phải theo mình, lòng Bình lại hóa một ngã ba đường, không biết rẽ hướng nào cho phải.

Chuyện cô giáo Phương cãi lời cha mẹ, bỏ nhà theo bác sĩ Bình vào sống gần trại phong, khiến mấy xóm dài dưới chân dãy Bạch Lang xôn xao, thảng thốt. Người gay gắt bảo cô không biết nghĩ cho cha mẹ. Người thương cô tuổi trẻ non nớt chưa trải sự đời. Nhưng cũng nhiều người cảm phục cô giáo xinh đẹp dám bỏ lại sau lưng tất cả để đến với anh bác sĩ làng phong... Mặc kệ lời khen chê của thiên hạ, Phương ngày ngày đến lớp, rồi về dọn dẹp căn nhà cấp bốn nhỏ xíu xiu, chăm một mảnh vườn xanh rượi, nấu bữa cơm ngon, khâu lại cho chồng chiếc áo. Hai đứa trẻ nếp tẻ lần lượt ra đời. Căn nhà sáng bừng lên bởi tiếng trẻ bi bô.

Nhưng thỉnh thoảng, nhìn nồi cá kho trên bếp, nhìn hai đứa con nhỏ chơi đùa ngoài hàng hiên rộn rã màu hoa cỏ, lòng Phương cũng buồn tha thiết. Từ ngày cô theo Bình rời đi trong đêm mưa ấy, cửa nhà bố mẹ luôn đóng im ỉm. Phương không dám trở về nhà. Cách nhau chỉ dăm bảy cây số, mà thế giới cô sống và thế giới của mẹ cha như nghìn trùng xa cách. Cho đến một ngày, khi cô đang lụi cụi nấu nồi canh cá lá chua dưới bếp, chợt nghe tiếng con ngọng líu ngọng lô gọi mẹ. Phương chạy ra cửa, đôi đũa trên tay cô rơi xuống. Dưới giàn hoa đậu biếc xanh thẳm, bóng dáng thân thương của cha mẹ cô thấp thoáng với những lời dỗ dành, cưng nựng hai đứa cháu ngoại...

Lại thêm một cơn gió ào qua trên những tán cây cổ thụ ngoài sân trại. Bình như sực tỉnh khỏi dòng ký ức. Ờ. Mới đó mà đã ba mươi năm anh đến nơi này...

Mùi cơm canh ngọt ngào dưới dãy nhà bệnh nhân làm ấm cả buổi trưa ẩm ướt. Tiếng cãi cọ của ông Dung và bà Nguyệt không còn nữa. Chắc hai ông bà đã lại làm lành, như bao bận...

Tiếng loa truyền thanh vọng ra từ Làng Tô, như nhắc Bình trưa nay có hẹn. Con trai ông bà Hành trong ấy vừa cất xong ngôi nhà mới, mời các y bác sĩ trại phong và bà con đến chia vui. Nghĩ đến Làng Tô, lòng Bình trở nên phấn chấn. Từ ngày những bệnh nhân phong được chữa khỏi, vào trong ấy khai hoang, làm nhà, rồi sinh con đẻ cái đến giờ, làng ngày càng đông đúc. Các thế hệ con cháu của bệnh nhân phong sinh ra, khỏe mạnh, chăm chỉ đến trường, có công ăn việc làm ổn định. Vùng đất mang nỗi đau dữ dội ngày nào giờ đã hồi sinh...

Bình đứng dậy, bước ra sân. Cơn mưa rừng đã tạnh. Trời hửng dần lên. Lúc này anh mới để ý, một chiếc cầu vồng xuất hiện từ bao giờ, đang lặng lẽ tỏa ra thứ ánh sáng rực rỡ, lấp lánh trên đỉnh Bạch Lang...

Cầu vồng trên đỉnh Bạch Lang - Truyện ngắn của An Thư- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.