Cây bạc hà không... bội bạc

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/05/2021 07:50 GMT+7

Không những không bội bạc, nếu con người biết yêu thương săn sóc và phát triển đúng hướng, cây bạc hà có thể cho 'hốt bạc'. Đó là con đường mà Bùi Thị Duyên (33 tuổi) - người khởi nghiệp, đang đi.

Biến đồng hoang cỏ cháy quê mình thành nông trại thơm ngát các cây dược liệu như bạc hà, hương nhu, tía tô... cung cấp số lượng lớn ra thị trường, dự án của Duyên được giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp sáng tạo của T.Ư Đoàn.

Từ cọng bạc hà dập nát ở Singapore

Năm 2014, cô gái trẻ quê H.Thái Thụy, Thái Bình có cơ hội sang Singapore làm việc với vai trò là phục vụ trong một nhà hàng, Duyên chứng kiến rất nhiều lần khách người Anh vào quán gọi đồ uống có bạc hà tươi, người pha chế phải chạy đi khắp phố Raffle Boulevard tìm, cuối cùng mang về được một cọng bạc hà dập nát. Duyên nghĩ ngay quê mình bạc hà mọc đầy vườn, rất thơm, liệu có ngày nào mình sẽ mang bạc hà “made in Việt Nam” sang nước này bán không?
Năm 2017, Duyên sinh em bé, rời phố về quê để sống chậm hơn. Ký ức ngày bé ra ruộng hái quả cà chua, lau sơ bụi rồi ăn ngay không còn nữa. Mẹ cô thậm chí không dám mua một cái súp lơ (bông cải) ngoài chợ về cho cháu ngoại ăn dặm vì lo sợ dư hóa chất. Duyên nhận ra việc được dùng nông sản, thảo dược sạch là ước mơ của bất cứ ai. Năm 2019, cô bắt tay vào dự án, nâng giá trị của chính những loại cây dân dã vườn nhà như bạc hà, mùi già, diếp cá...

Các sản phẩm dự thi khởi nghiệp nông nghiệp sáng tạo

Ảnh: NVCC

Làm công nhân để lấy kinh nghiệm

Không phải một bước Duyên thành bà chủ ngay, cô bỏ ra 9 tháng để làm... công nhân Công ty Yazaki chi nhánh Thái Bình. Làm ca kíp vất vả, thời gian còn lại trong ngày Duyên lại là cô nông dân cần mẫn trên đồng trồng dược liệu. “Tôi đi làm để học cách người Nhật quản lý trong nhà máy sản xuất của họ. Quãng thời gian này cho tôi biết cách kiểm soát sản xuất khoa học, hiệu quả, không lãng phí, minh bạch nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, từ đó giữ chân được khách hàng lâu hơn”, Duyên nói.
Gồ Trại - mảnh đất hoang, nền cao, đầy chuột là nơi Duyên thuê được để trồng bạc hà và nhiều cây dược liệu khác. “Không có cả đường điện nên không có nước tưới, đất lại khó thoát nước khi mưa ngập. Mặc dù cây dược liệu không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ nhưng chúng tôi gặp không ít khó khăn trong tưới tiêu. Có khi sau một trận bão, hơn 1 tấn bạc hà vừa đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng; dâu tằm, chùm ngây thì chết úng”, Duyên nhớ lại.
Học chuyên ngành ngoại ngữ, không nhiều kiến thức canh tác nông nghiệp và chế biến, lại càng không nhiều kinh nghiệm kinh doanh, Duyên đối mặt liên tiếp khó khăn. Năm 2019, cô phải trả giá khi trồng mà không thu hoạch được, chế biến mà không đạt, phải đổ bỏ hay làm ra mà không bán được. Cô tìm thầy cô và bạn trẻ đã khởi nghiệp trước để khắc phục những khó khăn.

Tạo việc làm cho nhiều phụ nữ

Mô hình nông dược (nông sản và dược liệu kết hợp) không hóa chất của Duyên dần dần chứng minh được hiệu quả. Ngoài các sản phẩm được yêu thích như lá thơm xông tắm mẹ và em bé; lá thơm gội đầu, năm vừa qua, Duyên phát triển thêm lá tía tô, diếp cá, cần tây... làm thành trà khô hoặc bột uống liền.
Không chỉ bán hàng trên kênh trực tuyến, đã có các cửa hàng giới thiệu nông sản hữu cơ, thực phẩm sạch đặt hàng của cô. Thế mạnh lớn nhất của hợp tác xã phải kể đến các sản phẩm từ cây bạc hà như trà bạc hà, bột bạc hà hòa tan, men mật bạc hà... Đây cũng là cây trồng chủ lực của nông trại, cung cấp nhiều ra thị trường. “Hy vọng 5 năm tới chúng tôi có thể hướng đến thị trường xuất khẩu bạc hà dạng khô”, Duyên nói.
Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình làm theo Duyên, vừa chủ động được thực phẩm sạch cho gia đình, vừa gia tăng thu nhập bằng cách bán nguyên liệu cho hợp tác xã của Duyên. Trong năm qua, cô cũng hỗ trợ nhiều người trẻ ở các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) xây dựng được mô hình tương tự.
Là mẹ đơn thân của em bé 4 tuổi, vừa điều hành hợp tác xã, lo sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều lúc khiến Duyên rất áp lực. Song cô nói mình đang được sống bình yên ở quê nhà, có khí hậu trong lành, thực phẩm sạch hằng ngày là một điều hạnh phúc. “Mỗi năm doanh thu của dự án là 1 tỉ đồng. Chúng tôi đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương, tất cả đều là phụ nữ. Đặc biệt, niềm vui lớn hơn là chúng tôi đang lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp tử tế, tăng cường sinh kế cho bà con quê hương từ chính mảnh vườn của mình”, Duyên bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.